|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đông Nam Bộ sẽ có 850 km cao tốc vào năm 2030

21:00 | 04/05/2024
Chia sẻ
Đến năm 2030, Đông Nam Bộ sẽ hoàn thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng khung kết nối vùng và liên vùng, trong đó có khoảng 850 km đường bộ cao tốc.

Đây là một trong những mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng tại quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Đông Nam Bộ gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh, tổng diện tích hơn 23.560 km2, dân số khoảng 18,7 triệu người (năm 2021). Đây là vùng kinh tế phát triển nhất cả nước khi đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hằng năm và 32% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Tuy nhiên, hiện vùng chỉ có hai tuyến cao tốc hoàn thành với tổng chiều dài hơn 200 km là TP HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết (154 km) và TP HCM - Trung Lương (62 km).

Theo đó, đến năm 2030, các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bắc - Nam phía Tây, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Gò Dầu - Xa Mát; mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP HCM - Trung Lương sẽ được xây dựng, hoàn thành. Đối với tuyến TP HCM - Mộc Bài sẽ nghiên cứu kết nối với tuyến cao tốc của phía Campuchia phù hợp với nhu cầu vận tải.

Đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn qua TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 7/2023. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Giai đoạn này Vành đai 3, Vành đai 4 TP HCM cũng sẽ được khép kín. Nghiên cứu quy hoạch tuyến đường vành đai 5 TP HCM kết nối các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và kết nối liên vùng với các tỉnh Tây Nguyên. Đến năm 2050, vùng Đông Nam Bộ sẽ đầu tư các đoạn tuyến cao tốc Chơn Thành - Hoa Lư, TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng.

Ngoài 850 km đường bộ cao tốc, từ nay đến năm 2030, vùng Đông Nam Bộ sẽ được đầu tư các tuyến đường sắt kết nối vùng, đường sắt đô thị, các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyến quốc tế, cảng hàng không, đường thủy nội địa.

Cụ thể, các dự án sẽ được đầu tư gồm: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn Nha Trang - TP HCM; các tuyến đường sắt kết nối cảng biển Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến kết nối liên vùng TP HCM - Cần Thơ, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến TP HCM - Lộc Ninh kết nối Campuchia.

Xây dựng các tuyến đường sắt đô thị TP HCM, kéo dài đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và nghiên cứu kéo dài đến Bà Rịa - Vũng Tàu khi điều kiện phù hợp.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang thi công, tháng 1/2024. (Ảnh: Đăng Khoa).

Ngoài hoàn thành giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành, nâng cấp công suất các sân bay Tân Sơn Nhất, Côn Đảo, cảng hàng không Biên Hòa cũng sẽ được đưa vào khai thác lưỡng dụng, công suất mỗi năm 5 triệu hành khách. Nghiên cứu đầu tư các sân bay lưỡng dụng, sân bay chuyên dùng tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vùng Tàu, sân bay tiềm năng tại Tây Ninh phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế.

Chính phủ sẽ nghiên cứu áp dụng một số chính sách như cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ dựa trên Nghị quyết 98; hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng với cơ chế phù hợp nhằm tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho các dự án có tác động thúc đẩy, liên kết vùng; tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TP HCM...

Cũng theo quyết định, Đông Nam Bộ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-9% mỗi năm. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380-420 triệu đồng, tương đương 14.500-16.000 USD.

Đến năm 2050, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao; tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao; có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2031-2050 đạt khoảng 7,5% mỗi năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2050 đạt khoảng 54.000 USD.

Lê Tuyết