Không riêng gì Amazon, Alibaba đang toan tính với 'mỏ vàng' thương mại điện tử Đông Nam Á
Chỉ một tuần sau khi Amazon tiết lộ ý định tham gia vào thị trường Việt Nam, Alibaba Group Holding cũng lên kế hoạch mới để mở rộng con đường tăng trưởng của chính mình trong ngành công nghiệp thương mại điện tử đang phát triển của Đông Nam Á.
Tập đoàn công nghệ Trung Quốc cho biết họ sẽ bơm 2 tỷ USD vào công ty con Lazada Group ở Singapore và sẽ cử một trong những giám đốc điều hành quan trọng của họ để thay thế vị giám đốc điều hành của Lazada - một phần trong nỗ lực củng cố vị trí hàng đầu của tập đoàn tại Đông Nam Á .
Đại diện Alibaba cho rằng Đông Nam Á là "một khu vực đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển toàn cầu của Alibaba". Năm ngoái, Alibaba cũng đã đầu tư vào công ty thương mại điện tử Indonesia Tokopedia.
Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tâng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.
Do đó, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ phát triển nhanh chóng trong 2-3 năm tới. Cùng với xu hướng đó, Amazon cũng đưa ra các phương pháp kết nối giữa người bán và người mua nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Đông Nam Á là một thị trường đầy tiềm năng đối với lĩnh vực này nhưng cũng phải đối mặt với khó khăn về cơ sở hạ tầng hậu cần yếu kém. Các quốc gia như Việt Nam thường rơi vào tình trạng thiếu kho hàng cũng như phương tiện giao hàng tận nơi. Đối với những quốc gia ở quần đảo như Indonesia và Philippines, việc vận chuyển là một thách thức, trong khi các thành phố lớn như Jakarta và Bangkok phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông trầm trọng.
Amazon mang 'tham vọng' gì đến Việt Nam? |
Amazon hiện có tổng cộng 13 thị trường bán lẻ, trong đó hai thị trường mới gia nhập là Brazil và Australia. Tập đoàn có khoảng 300 triệu khách hàng đến từ 180 quốc gia, và số người bán tham gia lên tới 172 nước bao gồm cả Việt Nam. Đại diện Amazon tại Singapore chia sẻ, việc sử dụng các kênh phân phối của Amazon qua các kênh Amazon ở Mỹ, Canadda, Australia là phương tiện hữu hiệu có thể đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Trong khi đó, Lazada cũng đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng (kho bãi, vận chuyển) ở khắp khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, hiện nay có 7 kho hàng, với 5 kho đang được xây dựng. Hai kho hàng lớn nhất của hãng sẽ được bổ sung vào năm tới tại Hà Nội và TP HCM.
Theo nghiên cứu gần đây của Google và quỹ Temasek Holdings của Singapore, thị trường thương mại điện tử của khu vực được dự báo sẽ tăng lên 88 tỷ USD trong năm 2025, từ mức 10 tỷ USD năm 2017.
Lucy Peng, CEO mới của Lazada cho biết: "Với dân số trẻ, sự phát triển của các thiết bị như điện thoại di động, chúng tôi cảm thấy rất tự tin khi đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi ở khu vực Đông Nam Á”.
Lazada cho biết Lucy Peng là một trong những người đồng sáng lập của Alibaba và từng là Giám đốc điều hành của Ant Financial Services Group - nhà cung cấp thanh toán di động Alipay, từ năm 2010 đến năm 2016.