|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Không nên trao cho VAMC quá nhiều quyền

14:22 | 22/03/2017
Chia sẻ
Dự thảo nghị định quy định về thẩm định giá khởi điểm khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nếu được Chính phủ thông qua sẽ trao cho VAMC nhiều quyền và nghĩa vụ không cần thiết, và quan trọng hơn, sẽ đi ngược lại tinh thần khách quan mà NHNN nhấn mạnh xuyên suốt dự thảo.
khong nen trao cho vamc qua nhieu quyen
Nợ xấu (Ảnh minh họa)

Đồng tiền không đi liền khúc ruột

Về nguyên tắc, nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) bán cho VAMC để đổi lấy trái phiếu đặc biệt theo giá trị sổ sách trừ đi khoản trích lập dự phòng chưa sử dụng đến thì không phải là tài sản toàn quyền quyết định của VAMC.

Sau khi mua về, nếu VAMC xử lý được nợ xấu và tài sản bảo đảm và thu được tiền từ việc xử lý này thì họ sẽ giữ lại một phần của khoản thu này dưới dạng “hoa hồng” và hoàn trả phần còn lại khoản thu về này cho TCTD bán nợ xấu.

Nếu không xử lý được thì sau năm năm, TCTD phải mua lại số nợ xấu này đúng bằng giá trị số trái phiếu đặc biệt mà VAMC lúc ban đầu đã trả cho TCTD. VAMC cũng không phải trích lập dự phòng mua nợ xấu từ TCTD.

Nói cách khác, VAMC chỉ là nơi giữ và xử lý hộ nợ xấu cho các TCTD, và không chịu áp lực phải xử lý nợ xấu với tư cách là chủ nợ như của TCTD. Ngoài ra, tuy sẽ được hưởng hoa hồng nhưng động cơ làm VAMC phải cố gắng hết mức để bán được nợ xấu và tài sản bảo đảm với giá cao nhất sẽ nhiều khi không mạnh bằng động cơ muốn bán cho nhanh, dù với giá thấp, miễn là được việc.

Chuyện này cũng tương tự như người môi giới bất động sản nhiều khi chú trọng đến tính thành công của giao dịch hơn là cố gắng giúp bên bán bán được giá cao nhất nhưng giao dịch sẽ bị chậm lại vì phải thuyết phục người mua hoặc phải tốn thời gian và nhọc công tìm người mua khác trả giá cao hơn.

Tương tự như vậy là về vị thế của bên bảo đảm (chủ tài sản bảo đảm) cho khoản nợ xấu và của VAMC. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu dù có thể đang “nằm kẹt” ở VAMC nhưng trên giấy tờ pháp lý thì vẫn thuộc về sở hữu của bên bảo đảm cho khoản nợ xấu, chứ không phải là VAMC.

Do vậy, về lý, trong trường hợp nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt, chủ nhân thực sự của khoản nợ xấu (hoặc tài sản bảo đảm) và muốn xử lý nợ xấu (hoặc tài sản bảo đảm) nhanh nhất và tối đa hóa giá trị thu về nhất chính là TCTD bán nợ xấu (hoặc chủ tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu), chứ không phải là VAMC.

Vì thế, nếu không thỏa thuận được giá khởi điểm của khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt (và tài sản bảo đảm) thì tốt nhất là phải để cho TCTD (hoặc chủ tài sản bảo đảm) lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá và có tiếng nói quyết định hơn trong hội đồng đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm thì mới đảm bảo tính khách quan (đảm bảo không có xung đột lợi ích).

Nhưng theo dự thảo nghị định trên thì VAMC lại được quyền chọn và thuê doanh nghiệp thẩm định giá đồng thời lập Hội đồng đấu giá nợ xấu mà chủ tịch là người của VAMC và là người có tiếng nói cuối cùng (ví dụ, khi bỏ phiếu với kết quả khác nhau có tỷ lệ bằng nhau). Nếu như vậy thì sẽ có rủi ro là VAMC sẽ chọn doanh nghiệp thẩm định giá và tổ chức đấu giá sao cho “được việc” cho họ nhất mà phần thiệt hại chủ yếu rơi vào TCTD bán nợ xấu hoặc chủ tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu.

Nếu lo ngại rằng giá khởi điểm được xác định bởi doanh nghiệp thẩm định giá do TCTD (hoặc chủ tài sản bảo đảm) lựa chọn có thể sẽ là quá cao, khó đấu giá thành công, và lấy chuyện này làm lý do trao quyền cho VAMC được lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá thì cũng không thỏa đáng.

Bởi đơn giản là đã có điều khoản trong dự thảo cho phép các lần đấu giá tiếp theo được giảm giá khởi điểm (tối đa không quá 10%). Theo đó, dù doanh nghiệp thẩm định giá do TCTD bán nợ xấu (hoặc chủ tài sản bảo đảm) lựa chọn có đưa ra một giá khởi điểm quá cao, dẫn đến đấu giá thất bại, thì sau một vài lần hạ giá khởi điểm, nó sẽ trở nên “phù hợp” hơn.

Suy cho cùng, nếu đã đấu giá công khai, minh bạch thì chẳng cần VAMC phải tự tổ chức đấu giá, mà có thể thuê một tổ chức độc lập chuyên nghiệp được cấp phép tiến hành thì sẽ hiệu quả và khách quan hơn. VAMC đúng ra chỉ có vai trò khi, ví dụ, TCTD hay chủ tài sản bảo đảm vì một lý do nào đó chần chừ, không hợp tác tổ chức đấu giá thì lúc đó VAMC cần thiết phải đứng ra thuê doanh nghiệp thẩm định giá, thuê tổ chức đấu giá, hoặc tự tổ chức đấu giá (nếu bắt buộc phải vậy) để giải quyết nhanh tình trạng nợ xấu dồn ứ trong “kho” nợ xấu mà họ mua về. Khả năng này mới cần được đưa vào dự thảo.

Đương nhiên, với trường hợp nợ xấu được VAMC mua theo giá thị trường, tức bằng “tiền tươi thóc thật” thì đó có thể coi là tài sản toàn quyền và là chuyện nội bộ của VAMC và họ có toàn quyền quyết định việc xử lý, bán lại tài sản này như thế nào (đấu giá hay bán trực tiếp…) để bảo toàn vốn (và có lãi), đồng thời chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản và trước pháp luật về hoạt động của mình, giống như một doanh nghiệp nhà nước đơn thuần.

Cũng không chắc VAMC chọn được doanh nghiệp thẩm định giá phù hợp

Mặc dù dự thảo quy định VAMC ban hành tiêu chuẩn, quy trình xem xét, quyết định lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá, nhưng do việc lựa chọn này diễn ra trước khi doanh nghiệp thực sự bắt tay vào thẩm định giá nên VAMC nói riêng hay Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ nói chung không thể có cách nào biết trước một cách chắc chắn rằng giá khởi điểm mà doanh nghiệp được lựa chọn đưa ra là phù hợp, “chuẩn” nhất. Thực tế ở Việt Nam trước đây cũng cho thấy có những vụ việc mà việc định giá cùng một tài sản của các doanh nghiệp thẩm định giá cho ra các kết quả chênh lệch nhau đến hàng ngàn tỉ đồng.

Nói như trên để thấy một điều đơn giản là trao quyền cho VAMC lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá vừa tạo ra xung đột lợi ích (với TCTD bán nợ xấu hoặc chủ tài sản bảo đảm khoản nợ xấu), vừa vẫn có khả năng gây thiệt hại cho tất cả các bên liên quan khi giá trị nợ xấu hoặc tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu bị định giá quá thấp.

Do đó, nếu không muốn trao quyền cho bên TCTD bán nợ xấu hoặc chủ tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu được chọn doanh nghiệp thẩm định giá thì dự thảo cũng nên có một điều khoản xử lý trường hợp giá được thẩm định bởi một doanh nghiệp thẩm định giá do VAMC lựa chọn cũng không được đồng thuận bởi các bên liên quan khác.

khong nen trao cho vamc qua nhieu quyen VAMC đã mua hơn 282.000 tỉ đồng nợ xấu

Tính đến thời điểm hiện tại, sau 3 năm rưỡi hoạt động, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt ...

khong nen trao cho vamc qua nhieu quyen VAMC "ôm" gần một nửa số nợ xấu được xử lý

Số nợ xấu đã được xử lý từ năm 2012-2015 khoảng 500.000 tỷ đồng, chủ yếu các tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý ...

khong nen trao cho vamc qua nhieu quyen Năm nay VAMC mua hơn 30.000 tỉ đồng nợ xấu

Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) trong cả năm 2016 sẽ mua tổng cộng 30.000 tỉ đồng nợ xấu trên sổ sách ...

Phan Minh Ngọc