|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Vấn đề trọng yếu không nằm ở lãi suất

16:17 | 05/10/2017
Chia sẻ
Mặc dù đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho DNNVV nhưng việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn. Vấn đề đặt ra là sự thiếu thông tin, thị trường vốn kém phát triển khiến cho DN phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngân hàng. Ngoài ra, chi phí không chính thức của DN quá lớn, chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn tồn tại nhiều bất cập...
khoi thong nguon von cho doanh nghiep nho va vua lai suat khong phai la van de trong yeu
Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Vấn đề ở đâu? (Ảnh: DB)

Ngày 5/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Dư nợ tín dụng DNNVV chiếm 21,14% tổng dư nợ nền kinh tế

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 45% vào GDP và 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm. Ông nhận định DNNNVV là một xương sống đối với nền kinh tế.

Đối với ngành ngân hàng, DNNVV được xác định là động lực phát triển của nền kinh tế quốc dân, là một trong năm lĩnh vực ưu tiên cần đầu tư vốn để phát triển. Trong những năm qua, NHNN đã bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, tính đến 31/8/2017, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49% so với cuối năm 2016, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2016 và chiếm tỷ trọng 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Trong thời gian qua, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đã triển khai các chương trình ưu đãi đối với loại hình doanh nghiệp này. Cụ thể, MBBank triển khai gói 30.000 tỷ đồng; TPBank dành 5.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,9% cho doanh nghiệp xuất khẩu và phụ trợ; Sacombank có chương trình 1.200 tỷ đồng lãi suất cũng từ 6,9%/năm.

Tại các địa phương, chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng cũng được triển khai giúp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quan hệ tín dụng. Có 260 buổi gặp gỡ trong 6 tháng đầu năm với tổng số tiền cam kết cho vay mới đạt 390.000 tỷ đồng cho hơn 30.000 khách hàng; số tiền được gia hạn nợ và cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 25.000 tỷ đồng cho 1.000 doanh nghiệp. Ngoài ra, ngân hàng còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất, phí cho gần 6.000 doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ là 17.000 tỷ đồng.

Đến hết quý II/2017, các TCTD đã ký cam kết cho vay các khách hàng tham gia chương trình cho vay bình ổn thị trường đạt trên 19.4223 tỷ đồng, dư nợ tín dụng cho chương trình trên là 4.110 tỷ đồng với mức lãi suất ngắn hạn dao động từ 4 – 9%/năm, lãi suất trung dài hạn từ 5,5% - 10,8%/năm.

Vì sao DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng?

Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng về thủ tục vay vốn, tài sản thế chấp, tỷ lệ cho vay của DNNVV còn thấp. Về phía DNNVV, các doanh nghiệp này có chung đặc thù là quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, thiếu tài sản bảo đảm, quyền sở hữu tài sản chưa minh bạch.

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nhận định các TCTD cũng có nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mới, đặc thù mà có khó khăn trong vấn đề tài sản bảo đảm. Điều này khiến cho ngân hàng khó kiểm soát được dòng tiền của DN dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho vay bởi vì bản thân các TCTD cũng phải thẩm định đầy đủ điều kiện để đảm bảo an toàn vốn.

Theo TS Cấn Văn Lực, DNNVV tiếp cận nguồn vốn ở 6 nguồn khác nhau chứ không chỉ ở vốn tín dụng ngân hàng. Đó là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (trợ cấp, bảo lãnh, giảm thuế,…); nguồn vốn nước ngoài; huy động từ thị trường vốn, tín dụng từ đối tác; vốn tín dụng, bảo lãnh, chiết khẩu và nguồn vốn tự có. Tổng dư nợ đối với DNNVV ở Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực Đông Á. Theo đánh giá của World Bank thì VN là nước tương đối khá trong việc tiếp cận tín dụng so với khu vực.

Cùng với đó, ông cho rằng lãi suất không phải là vấn đề trọng yếu vì lãi suất cho vay bình quân ở Việt Nam cuối năm 2016 ở mức trung bình thấp, do vậy việc gây áp lực để ngân hàng giảm lãi suất trong cuối năm là rất khó khăn. Vấn đề đặt ra là sự thiếu thông tin, thị trường vốn kém phát triển khiến cho DN phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngân hàng. Ngoài ra, chi phí không chính thức của DN quá lớn, 65% DN phải trả những chi phí không chính thức và 11% DN dành 10% doanh thu cho các chi phí không chính thức.

Trong hội thảo, các chuyên gia khác cũng chỉ ra một số nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của các DNNVV tại Việt Nam như biến đổi khí hậu; chưa có sự triển khai đồng bộ giữa các chương trình của Bộ ngành. Đặc biệt, chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả trong việc trợ giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Do vậy, để tháo gỡ vấn đề này không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp hay TCTD mà còn cần các giải pháp mang tính tổng thể với sự phối hợp đồng bộ của nhiều Bộ ngành và các giải pháp phát triển thị trường vốn.

5 giải pháp của ngành ngân hàng để khơi thông nguồn vốn với DNNVV

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đặt ra một số giải pháp nhằm mở rộng tín dụng hiệu quả đối với DNNVV đối với ngành ngân hàng cụ thể:

Thứ nhất, thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát, kiểm soát tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN.

Thứ hai, phối hợp với các Bộ ngành địa phương trong việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ đối với DNNVV được quy định trong Luật hỗ trợ DNNVV.

Thứ ba, tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp kế hoạch hành động của ngành nhằm cải thiện môi thường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

Thứ tư, chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát cải tiến các thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện tối đa cho khách hàng, tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.

Thứ năm, khuyến khích các TCTD phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng trong đó có những sản phẩm đặc thù cho đối tượng DNNVV, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hoá thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn.

khoi thong nguon von cho doanh nghiep nho va vua lai suat khong phai la van de trong yeu Nhiều rủi ro trong bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do Trung tâm Thông ...


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Diệp Bình