Indonesia cảnh báo dân không sở hữu, giao dịch tiền ảo
"Sở hữu các loại tiền ảo là hành vi rất rủi ro và mang tính đầu cơ cao độ. Tiền ảo có xu hướng tạo nên bong bóng tài sản và dễ trở thành công cụ rửa tiền hay tài trợ khủng bố. Vì thế, chúng có khả năng tác động tới sự ổn định của hệ thống tài chính và gây hại cho công chúng", Ngân hàng trung ương Indonesia tuyên bố hôm 13/1.
Tuyên bố cho thấy thách thức mà các chính phủ đối mặt khi họ nỗ lực kiểm soát những rủi ro từ cơn sốt tiền ảo toàn cầu, trong khi không có khả năng kiểm soát việc người dân sử dụng chúng,Bloomberg bình luận. Tuần trước Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cấm nhân viên giao dịch tiền ảo khi làm việc, trong khi Trung Quốc đề ra các biện pháp nhằm ngăn chặn hoạt động đào tiền thuật toán - quy trình cho phép tiền số lưu thông.
Ngân hàng trung ương Indonesia kêu gọi người dân không sở hữu, giao dịch tiền ảo. Ảnh: sputniknews.com |
Vài hôm trước, Ngân hàng trung ương Indonesia đã cấm các doanh nghiệp công nghệ tài chính giao dịch tiền ảo, nhưng lại không cấm họ phát hành token kỹ thuật số. PT Bitcoin Indonesia, một sàn giao dịch tiền ảo với hơn 940.000 thành viên, cũng không nằm trong diện giám sát của chính phủ.
Hồi đầu năm nay, Bộ Tài chính Ấn Độ cảnh báo giới đầu tư về những rủi ro khi giao dịch những tiền ảo như Bitcoin, đồng thời ví nó như trò lừa đa cấp tiền gửi Ponzi.
"Các loại tiền ảo không phải phương tiện thanh toán hợp pháp ở Ấn Độ. Chúng tôi không cho phép và không bảo vệ tiền ảo. Giới đầu tư và những người tham gia giao dịch tiền ảo sẽ gặp nhiều rủi ro. Vì thế, họ nên tránh xa tiền ảo", Reuters dẫn thông báo của Bộ Tài chính Ấn Độ hôm 30/12.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Ấn Độ không công bố lệnh cấm hay biện pháp hạn chế nào trong thông báo.
"Chúng ta thấy nguy cơ thực tế và ngày càng tăng trong bong bóng đầu tư tiền ảo, giống như bong bóng đầu tư kiểu Ponzi:, Bộ Tài chính Ấn Độ lập luận.
Mô hình đầu tư Ponzi là kiểu đầu tư có lãi suất rất cao, nhưng trên thực tế những kẻ lừa đảo lấy tiền của những người sau để trả những nhà đầu tư trước.
Bộ Tài chính Ấn Độ còn cảnh báo rất có thể những giao dịch tiền ảo phục vụ các hoạt động phi pháp như tài trợ khủng bố, buôn lậu, rửa tiền.
Hiện tại Ấn Độ không không luật điều chỉnh tiền ảo. Giống như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ đang cố gắng tìm giải pháp quản lý một thị trường mà họ nhận định là giống như bong bóng đầu cơ.
"Cảnh báo, khuyên can không phải là biện pháp hiệu lực khi hàng nghìn người đã mất tiền vào tiền thuật toán. Chính phủ có nghĩa vụ ban hành khung luật pháp để điều chỉnh tiền ảo và bảo vệ các nhà đầu tư", ông Pavan Duggal, một chuyên gia an ninh mạng kiêm luật sư của Tòa án Tối cao Ấn Độ, bình luận.
Ở Trung Quốc, chính phủ thực hiện nốt những biện pháp cuối cùng để trấn áp tiền ảo. Sau khi cấm huy động vốn bằng tiền ảo, yêu cầu các sàn giao dịch trong nước ngừng giao dịch tiền ảo vào năm ngoái, tuần này giới chức Trung Quốc vạch ra các đề xuất để ngăn chặn hoạt động đào tiền ảo - quy trình điện toán để giao dịch tiền ảo có thể diễn ra. Họ muốn giới hạn mức tiêu thụ điện của các "thợ đào tiền ảo", đồng thời yêu cầu các chính quyền địa phương hướng dẫn các công ty đào tiền thuật toán chuyển hoạt động ra nước ngoài.
Mặc dù những chính sách của Bắc Kinh không gây nên tác động rõ rệt đối với tốc độ giao dịch Bitcoin, chúng có thể làm thay đổi cơ cấu của lĩnh vực đào tiền thuật toán. Từ trước tới nay, những doanh nghiệp đào tiền ảo hướng tới Trung Quốc vì những yếu tố quan trọng nhất với họ - gồm giá điện, giá sản xuất vi mạch, giá nhân công - đều rẻ. Giờ đây, họ chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra khỏi đại lục.
Chi phí đào Bitcoin tăng vì chính sách quyết liệt của Trung Quốc
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tiền ảo ở Trung Quốc phải chuyển ra nước ngoài theo chủ trương của chính phủ, khiến ... |
Giới start-up đào tiền ảo ở Trung Quốc buộc phải ra nước ngoài
Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc cấm giao dịch tiền ảo, những công ty khởi nghiệp lớn nhất liên quan tới tiền thuật toán đang chuyển ... |