|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Huy động USD trong dân: Lãi suất bao nhiêu là hợp lý?

08:17 | 22/07/2017
Chia sẻ
Lãi suất có quy luật riêng của nó, nên không thể dùng các biện pháp hành chính để nâng hay hạ lãi suất một cách trái quy luật...
huy dong usd trong dan lai suat bao nhieu la hop ly
Huy động USD trong dân: Lãi suất bao nhiêu là hợp lý? (Ảnh minh họa)

Hồi cuối tháng 12/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố quyết định hạ lãi suất tiền gửi đồng USD xuống 0%/năm đối với các cá nhân, sau khi áp dụng biện pháp tương tự với các doanh nghiệp gần 3 tháng trước đó.

Động thái này của Nhà điều hành được cho là nhằm giảm áp lực lên tỷ giá trong bối cảnh tỷ giá USD/VND liên tục có những đợt biến động mạnh khi Fed quyết định tăng lãi suất.

Tuy nhiên, khoảng hơn 1 năm trở lại đây, đã bắt đầu xuất hiện nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng như lãnh đạo các ngân hàng thương mại, cho rằng tình hình vĩ mô đã ổn định trở lại, chính sách lãi suất 0% đã hoàn thành sứ mệnh và không còn phù hợp với tình hình mới. Theo đó, cần nâng lãi suất USD để huy động nguồn lực trong dân, thay vì phải đi vay nước ngoài với lãi suất cao để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong nước ngày càng cao.

Theo số liệu mới công bố của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng gần đây, ước tính 6 tháng đầu năm 2017 tăng tới 7,3% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 giảm 3,5%), chiếm 8,3% tổng tín dụng.

Tại buổi làm việc giữ tổ công tác của Thủ tướng với NHNN mới đây, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, Thủ tướng đã nhắc đi nhắc lại ba lần việc NHNN cần nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực trong dân.

“Làm sao huy động được nguồn lực USD đang nằm trong dân; thay vì gửi với lãi suất 0% thì làm sao huy động nguồn lực này, hòa vào các nguồn lực khác cho đầu tư. NHNN có chủ trương quyết liệt là chống đô la hóa, nhưng trong điều kiện có thể kiểm soát thì làm sao huy động được nguồn lực này. Chúng ta vẫn phải mua trái phiếu quốc tế với lãi suất trên 4%, vậy huy động trong dân thế nào”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Trả lời Bộ trưởng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, đây là những vấn đề rất quan trọng và trong thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo quyết liệt để triển khai.

Có lo bị “đô la hoá”?

Việc Chính phủ tỏ ra khá quyết liệt trong việc huy động nguồn lực trong dân cũng làm dấy lên khá nhiều ý kiến trái ngược nhau trong giới chuyên gia, ngân hàng. Trong khi một số chuyên gia ủng hộ quyết định này thì một số khác lại lo việc tăng lãi suất huy động USD vào thời điểm này có thể gây hỗn loạn thị trường, khó khăn cho công tác điều hành tiền tệ.

Trao đổi với phóng viên BizLIVE, TS.Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, để chống đô la hoá thì có rất nhiều giải pháp nhưng có một giải pháp đã được thực hiện trong rất nhiều năm qua là làm cho người dân thấy nắm đồng VND có lợi hơn giữ USD.

Tuy nhiên, một điều khá rõ ràng, là trong nền kinh tế hiện nay, người dân vẫn đang cầm một lượng USD khá lớn, mặc dù tỷ lệ tiền gửi USD/tổng tiền gửi đã giảm đáng kể.

Theo TS.Thành, trong một chừng mực nhất định, chúng ta nên có giải pháp để làm sao có thể tận dụng khố lượng USD này một cách hiệu quả nhất trong khi vẫn phải gắn với đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Vậy làm sao để người dân chuyển từ tài sản tài chính (vàng, USD) sang vốn đầu tư sản xuất kinh doanh?

Theo chuyên gia, có nhiều cách, trong đó, Nhà nước có thể trực tiếp huy động và sử dụng vốn đó. “Tuy nhiên, ngoài việc phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định hệ thống ngân hàng thì cũng phải đảm bảo các khoản đầu tư của Nhà nước phải có hiệu quả”, TS.Thành nói.

Cách thứ hai, là làm sao để người dân, thay vì tìm “hầm trú ẩn” là vàng, USD thì tự mình chuyển hoá sang đầu tư kinh doanh. Để được như vậy thì phải cho người dân thấy được môi trường kinh doanh đang tốt lên, tương lai cũng có cơ hội phát triển tốt.

Tuy vậy, theo TS.Thành, thì trong trường hợp nào cũng cần phải đảm bảo 3 quy tắc là ổn định kinh tế vĩ mô, cầm VND vẫn phải có lợi hơn USD và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng.

Tăng lãi suất bao nhiêu là hợp lý?

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, hiện tỷ lệ đô la hoá của Việt Nam đã xuống rất thấp, dưới mức 10%, do đó việc huy động nguồn lực này phục vụ cho nhu cầu trong nước là một điều hợp lý.

Theo chuyên gia, nếu muốn huy động mạnh mẽ nguồn ngoại tệ trong dân thì điều quan trọng là phải có cơ chế lãi suất cho tiền gửi ngoại tệ và cho vay ngoại tệ một cách bình thường, tức là nên phục hồi lại cơ chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ. Còn nếu các cơ quan quản lý muốn ưu tiên cho tiền gửi bằng nội tệ thì chỉ cần có khoảng cách chênh lệch hợp lý.

Theo chuyên gia, NHNN cần nâng lãi suất huy động USD lên mức khoảng 2,2%-2,5%/năm. Lý giải mức đề xuất tăng khá mạnh, TS.Nghĩa cho rằng, đồng USD là đồng tiền của Mỹ, vì vậy, khi áp dụng lãi suất với đồng tiền này chúng ta nên tham khảo lãi suất tiền gửi cũng như tỷ lệ lạm phát của họ.

“Một số chuyên gia cho rằng, nên nâng lãi suất lên 0,5%-1%, tôi cho rằng mức này vẫn còn quá thấp. Hiện nay tỷ lệ lạm phát của Mỹ khoảng 2,2%-2,5%, theo đó, tôi cho rằng nâng lãi suất huy động USD lên mức này là hợp lý”, ông Nghĩa nói.

Cũng theo chuyên gia, lãi suất có quy luật riêng của nó, nên không thể dùng các biện pháp hành chính để nâng hay hạ một cách trái quy luật.

huy dong usd trong dan lai suat bao nhieu la hop ly Huy động USD bằng cách nào?

Trước yêu cầu của Thủ tướng tìm cách huy động ngoại tệ trong dân, các chuyên gia có ý kiến khác nhau trong việc xem ...

huy dong usd trong dan lai suat bao nhieu la hop ly Thống đốc: Đã có giải pháp huy động vàng, USD trong dân

Làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết đã có các giải pháp để ...

huy dong usd trong dan lai suat bao nhieu la hop ly Kiến nghị tiếp tục huy động vàng và 'đô' trong dân

Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và USD trong dân vào sản xuất, kinh ...

Trần Thuý

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.