Từ lãi suất USD 0% đến kỷ lục 42 tỷ USD dự trữ ngoại hối
Nhiều năm trước, lượng ngoại tệ găm giữ trong dân cư luôn có tỷ trọng lớn 17-18% trong cơ cấu. Nguồn ngoại tệ thương mại bán ra hạn chế, dẫn đến rủi ro tỷ giá lớn, có những đợt biến động mà nhiều doanh nghiệp phải mất 4-5 năm sau mới khắc phục được hệ quả. |
VnEconomy đã trao đổi với một số người trong cuộc, cũng như một số chuyên gia. Họ có cùng quan điểm: trước mặt, việc nâng trần lãi suất USD lên trên 0%, trở lại huy động ngoại tệ như trước đây chắc chắn không xẩy ra, dù có rất nhiều bàn luận.
“Những góc nhìn, phân tích thời gian qua đâu phải chúng tôi không nhìn thấy, không cân nhắc và không tiếp thu. Thậm chí chúng tôi còn phải lượng hóa, tính toán nếu nâng lãi suất USD lên 1% thì cơ cấu vốn hệ thống sẽ thay đổi bao nhiêu, lãi suất VND sẽ bị đội lên bao nhiêu trong yêu cầu phải giảm tiếp lãi suất cho vay; hoặc tỷ giá USD/VND cùng trạng thái đầu cơ sẽ thay đổi theo như thế nào…”, một lãnh đạo vụ chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước nói.
Trong khi đó, nguồn vốn cho vay theo đúng nghĩa huy động qua ngân hàng, trả lãi suất, rồi bơm vào tín dụng, từ khi áp cơ chế trần lãi suất tiền gửi USD 0%/năm đến nay không thiếu. Thậm chí ở thời điểm hiện tại, tăng trưởng huy động vốn mạnh lên, trong khi tín dụng có yếu tố mùa vụ đang chùng xuống từ đầu tháng 7 đến nay.
Nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng dư thừa đến mức Ngân hàng Nhà nước phải liên tục hút bớt về lượng lớn, điểm hoán đổi lãi suất “đồng - đô” trên liên ngân hàng chuyển sang âm.
Yếu tố nguồn đầu vào để cho vay cũng gia tăng hai năm qua, từ sự chuyển hóa trạng thái găm giữ, đầu cơ ngoại tệ trước đây sang VND, để vốn VND đó đi vào hệ thống ngân hàng hoặc linh hoạt hơn trong sản xuất kinh doanh.
Đó cũng là những cái được từ chính sách áp trần lãi suất USD từ cuối 2015 với 0%/năm, bên cạnh nguồn lực chuyển hóa (thay vì găm giữ với huy động trả lãi suất như trước đây) vào sự gia tăng kỷ lục của dự trữ ngoại hối hơn 42 tỷ USD hiện nay (do người dân bán lại ngoại tệ, chuyển hóa sang VND).
Theo đánh giá của Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), quy định lãi suất tiền gửi USD ở mức thấp và từ cuối năm 2015 giảm xuống còn 0%/năm là một trong các giải pháp hỗ trợ tích cực giảm tình trạng đô la hóa, chuyển hóa ngoại tệ sang VND phục vụ sản xuất kinh doanh đã và đang phát huy hiệu quả cùng với các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Đó là một trong những yếu tố kích thích tiền gửi bằng VND liên tục tăng trưởng qua các năm, đáp ứng tốt nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, trong khi tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế (tiền gửi ngoại tệ/M2) có xu hướng giảm qua các năm.
Cụ thể, huy động vốn VND năm 2011 (năm cao điểm găm giữ ngoại tệ căng thẳng) chỉ tăng 13,11%; đến năm 2012, tỷ giá USD/VND gần như không tăng với cam kết quãng ổn định đã kích thích nguồn lực ngoại tệ chuyển hóa, đẩy tiền gửi VND tăng đột biến tới 22,8%; năm 2013 tốc độ này tiếp tục tăng 19,83%; năm 2014 tăng 17,63%; năm 2015 tăng 15,74%; năm 2016 tăng 17,84% và 6 tháng đầu năm 2017 tăng 7,95%.
Tỷ lệ đô la hóa từng nhức nhối với mức độ lên tới hai con số (qua lượng ngoại tệ găm giữ dưới dạng tiền gửi trong ngân hàng mà không bán ra, dẫn đến tỷ giá USD/VND luôn căng thẳng và rủi ro thường trực), như năm 2010 trước thềm bùng nổ tỷ giá USD/VND có tỷ lệ đô la hóa lên tới 16,7%.
Đến 2011, sau cú sốc phá giá hồi tháng 2/2011 mà nhiều doanh nghiệp phải mất 4-5 năm sau mới “tiêu hóa” được rủi ro liên quan, tỷ lệ đô la hóa vẫn còn tới 15,84%. Đến năm 2012, sau khi tỷ giá USD/VND được bình ổn với cam kết quãng bình ổn, tỷ lệ này mới bắt đầu giảm mạnh xuống 12,36%.
Và năm 2016, sau khi chính sách áp trần 0%/năm có hiệu lực với tiền gửi USD, tỷ lệ đô la hóa đã giảm rất mạnh, xuống chỉ còn 8,92%. Xu hướng này tiếp tục thể hiện cho đến 30/6/2017, còn 8,59%.
Diễn biến suy giảm mạnh tỷ lệ đô la hóa nói trên, cùng với tốc độ gửi VND tăng cao, phản ánh sự chuyển hóa rõ rệt nguồn lực từ ngoại tệ sang VND để đi vào ngân hàng và đi vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng…, bên cạnh góp phần cải thiện nhanh và mạnh nguồn lực quốc gia qua dự trữ ngoại hối.
Cũng theo lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước, nguồn lực ngoại tệ trong dân cư vẫn vận động, chuyển hóa như trên để đi vào các đích đến mà chính sách vĩ mô muốn lai dắt. Nó không nằm im hoang phí. Ngay cả khi nó nằm im, thì cũng đang thực hiện chức năng của nó, như phòng vệ rủi ro lạm phát theo quan điểm của người sở hữu, hoặc tích trữ tài sản của người dân - quyền và lựa chọn cần được tôn trọng.
“Với những người tích trữ, phòng thủ ở ngoại tệ, có trả thêm 0,25-0,5% lãi suất mỗi năm, với họ cũng không nhiều ý nghĩa và giá trị kinh tế, nếu so với gửi VND. Ngay cả khi lãi suất 0%/năm họ vẫn gửi ở ngân hàng, tức là họ không quá chú trọng về lãi suất nhận được. Trong khi chỉ cần nâng 0,25-0,5%/năm lãi suất tiền gửi USD, ngoại tệ sẽ càng khê đọng, càng khuyến khích dịch chuyển găm giữ vào ngoại tệ, càng gây áp lực tăng lãi suất VND và lãi suất cho vay nhích lên, tức gia tăng thêm chi phí vay vốn của nền kinh tế”, vị lãnh đạo chuyên trách trên nêu quan điểm.
NHNN sẽ kiên định lãi suất huy động USD bằng 0%, có sản phẩm đặc biệt cho người giữ USD
SSI Research cho rằng với tỷ giá ổn định và lãi suất VNĐ tương đối cao 6 - 7%, việc nắm giữ đồng VNĐ vẫn ... |
Cho người nước ngoài gửi tiết kiệm để tăng huy động USD trong dân
Tuy đây mới chỉ là dự thảo được ngân hàng nhà nước (NHNN) đưa ra, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây là giải pháp ... |
Nhiều loại lãi suất cùng giảm mạnh
Ngày 19/7, xu hướng dư tiền và lãi suất giảm tiếp tục thể hiện, và đã xuất hiện hiện tượng ít thấy giữa lãi suất ... |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/