|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hụt thu từ bồi thường đất, lợi nhuận ròng quý IV của Cao su Phước Hòa giảm 64%

17:03 | 31/01/2024
Chia sẻ
Cả năm 2023, Cao su Phước Hoà lãi ròng 622 tỷ, giảm 30% so với năm 2022 do hụt thu tiền bồi thường thực hiện dự án VSIP III.

CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với doanh thu thuần đạt 461 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm 14%, khiến lợi nhuận gộp chỉ còn hơn 88 tỷ đồng.

Trong quý này, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 44 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, mục lợi nhuận khác giảm 79% về 86 tỷ. Các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) của Cao su Phước Hòa còn 151 tỷ, giảm 64% so với cùng kỳ năm trước đó.

Công ty giải trình, quý IV/2022 doanh nghiệp có thêm gần 409 tỷ đồng từ khoản tiền đền bù, hỗ trợ thiệt hại do thực hiện dự án khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III (VSIP III). Trong khi đó, quý IV năm vừa rồi, doanh nghiệp chỉ ghi nhận gần 84 tỷ đồng từ khoản đền bù, hỗ trợ thiệt hại từ dự án này. Do đó, lợi nhuận ròng của công ty trong quý thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.

Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp thu về 1.351 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2022. Trong đó, đó chiếm 83% là bán thành phẩm, đạt 1.126 tỷ đồng, giảm gần 23%. Khoảng 16% doanh thu thuần là đến từ cho thuê đất và phí sử dụng hạ tầng khu công nghiệp, giảm 12% so với năm trước đó.

Trong năm, công ty có thêm lãi từ công ty liên kết (CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên), tuy nhiên khoản thu nhập khác giảm mạnh do hụt thu tiền bồi thường thực hiện dự án VSIP III nên cả năm, lợi nhuận ròng giảm 30% về 622 tỷ đồng.

So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm là 549 tỷ, công ty đã vượt 13% mục tiêu.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Theo báo cáo mới công bố tuần trước, Chứng khoán Agribank dự báo kết quả năm 2024 của PHR sẽ cải thiện hơn so với 2023 nhờ lợi nhuận đóng góp từ cho thuê dự án Khu công nghiệp (KCN) VSIP III, lợi nhuận nhận được khu dự án KCN Nam Tân Uyên 3 dự kiến sẽ triển khai cho thuê giai đoạn 2024 - 2025 và mảng cao su phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ săm lốp ô tô, gỗ cao su tại các thị trường xuất khẩu và giá bán cao su dự kiến tăng khoảng 5% so với bình quân 2023.

Hiện tại, PHR còn khoảng 34 ha tại KCN Tân Bình cho thuê với tỷ lệ lấp đầy 86% và các dự án KCN mới như KCN Tân Lập 1 (200 ha) và KCN Tân Bình mở rộng (1.000 ha) đang xin phê duyệt của Chính phủ và dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2026.

PHR cũng đang thành lập mới 3 KCN là Hội Nghĩa 715 ha, Bình Mỹ 1.000 ha, Tân Thành 316 ha. Các dự án KCN gối đầu kỳ vọng sẽ đóng góp tăng trưởng cho PHR trong trung và dài hạn nhờ giá thuê tiếp tục tăng và nhu cầu đầu tư lớn tại Bình Dương.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của PHR đạt 6.161 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng 2.262 tỷ đồng. Năm ngoái, công ty nhận về 158 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng.

Mặt khác, dư nợ vay tài chính tại cuối kỳ là 318 tỷ, chủ yếu là vay ngắn hạn.

Kết thúc năm, công ty còn ghi nhận doanh thu chưa thực hiện ngắn và dài hạn 1.384 tỷ đồng, đây hầu hết là doanh thu nhận trước cho thuê hạ tầng khu công nghiệp.

Vốn chủ sở hữu tại cuối tháng 12/2023 là 3.816 tỷ, với 1.299 tỷ cho quỹ đầu tư phát triển và 769 tỷ là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Minh Hằng

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.