Hướng dẫn Nghị định 116 về nhập ô tô: Vẫn còn vướng vì 'giấy chứng nhận chất lượng'
Toyota yêu cầu Bộ Công Thương cấp Giấy phép nhập xe mới theo Nghị định 116 | |
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Sẽ rà soát lại Nghị định 116 về ô tô | |
Ford Ranger và Explorer tạm ngưng về Việt Nam do Nghị định 116 |
Thông tư hướng dẫn Nghị định 116/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/3/2018. |
Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định: Cơ quan soạn thảo đã họp kỹ với các doanh nghiệp, hiệp hội để theo đúng tinh thần Nghị định 116 và làm rõ các vướng mắc. Tuy nhiên, do có nhiều nội dung tương đối phức tạp, cần rà soát kỹ nên Thông tư ban hành có phần chậm vì “sửa đi sửa lại”.
Theo quy định của Thông tư 03/2018/TT-BGTVT, trong Hồ sơ đãng ký kiểm tra đối với ô tô nhập khẩu chưa qua sử dụng sẽ phải có bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; bản sao giấy Chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài; bản sao giấy Chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; bản chính Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài cấp cho từng ô tô.
Các giấy tờ khác được yêu cầu gồm: Bản sao tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài; bản sao Bản giải mã số VIN của nhà sản xuất xe (cho kiểu loại chứng nhận lần đầu); bản sao Báo cáo thử nghiệm khí thải; bản sao Báo cáo thử nghiệm an toàn.
Đối với ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe theo quy định. Về hồ sơ, sẽ kiểm tra tính thống nhất của nội dung hồ sơ đăng ký kiểm tra. Về thực tế sẽ thực hiện kiểm tra đối với xe được đăng ký lưu hành tại các quốc gia thuộc EU, G7, quốc gia có tiếu chuẩn khí thải tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn khí thải hiện hành của Việt Nam. Nội dung kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
Liên quan tới “giấy chứng nhận chất lượng ô tô nhập khẩu”, điểm gây tranh cãi trong thời gian qua đã có sự thay đổi so với dự thảo thông tư đưa ra trước đó.
Tại Thông tư 03 vừa ban hành nêu rõ, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu là giấy chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với kiểu loại ô tô hoặc gồm giấy chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật đối với kiểu loại ô tô và giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường đối với kiểu loại ô tô hoặc kiểu loại động cơ.
Trong Thông tư 03/2018/TT-BGTVT cũng nêu rõ, các ô tô nhập khẩu có thời điểm mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo Luật Hải quan hoặc về đến cảng, cửa khẩu Việt Nam trước ngày 01/1/2018 thì được kiểm tra, cấp chứng chi chất lượng xe cơ giới nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 31/2011/BGTVT và Thông tư số 55/2014/TT- BGTVT.
Việc kiểm tra chất lượng ô tô nhập khẩu đối với các xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam kể từ ngày 1/1/2018 đến thời điểm có hiệu lực của Thông tư này được thực hiện theo quy đinh tại khoản 2 Điều 6 của Nghị đinh số 116/2017/NĐ - CP, quy định tại Thông tư số 31/2011/BGTVT và Thông tư số 55/2014/TT- BGTVT.
Các Chứng chỉ chất lượng xe cơ giới nhập khẩu đã cấp cho xe cơ giới nhập khẩu theo Thông tư số 31/2011/BGTVT và Thông tư số 55/2014/BGTVT vẫn có giá trị sử dụng để giải quyết các thủ tục hải quan, thu phí trước bạ, đãng ký xe, kiểm định lưu hành.
Trước thực tế xe ô tô nhập khẩu sẽ cần nhiều thời gian để hoàn tất các thủ tục liên quan, một số doanh nghiệp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài đang nhăm nhe chuyển hẳn sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các thị trường ASEAN với lợi thế thuế về 0% đã bắt đầu tính tới chuyện gia tăng lượng sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam để nhanh chóng có xe và không bị mất thị phần trên thị trường.