Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Sẽ rà soát lại Nghị định 116 về ô tô
Đối thoại với các doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết các cơ quan của Việt Nam sẽ rà soát lại Nghị định 116, nhất là quy định nhập khẩu ô tô phải có giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài - mà theo phản ánh của doanh nghiệp là "không phù hợp thông lệ quốc tế".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, cam kết điều này khi chủ trì hội nghị đối thoại giữa Hội đồng và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản về các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính, chiều 13/12.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Vấn đề được trao đi đổi lại nhiều nhất tại hội nghị là các vướng mắc liên quan tới Nghị định 116 năm 2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô – mà theo các doanh nghiệp Nhật Bản là “rất đáng quan ngại”. Đặc biệt là quy định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.
Không phù hợp thông lệ quốc tế?
Các doanh nghiệp Nhật khẳng định các cơ quan Chính phủ của mỗi quốc gia chỉ kiểm tra, thử nghiệm và cấp chứng nhận cho ô tô sử dụng trong nước, chứ không quan tâm tới xe xuất khẩu.
Một vướng mắc khác là Nghị định này cũng yêu cầu mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại xe trong lô xe nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật.
Các doanh nghiệp Nhật cho rằng quy định này sẽ gây lãng phí rất nhiều thời gian, tiền bạc vì một lần thử nghiệm sẽ mất khoảng 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD. Họ đề nghị chỉ áp dụng việc thử nghiệm cho mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại xe của lô hàng đầu tiên.
Vướng mắc nữa là quy định doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải sở hữu hoặc thuê đường thử đáp ứng yêu cầu (với chiều dài ít nhất 800m) để kiểm tra chất lượng của xe được sản xuất, lắp ráp. Hiện không có doanh nghiệp nào của Nhật tại Việt Nam sẵn có đường thử như vậy và cũng không dễ dàng để xin thêm đất xây dựng, mở rộng đường thử.
Phản hồi về quy định này, cả đại diện Bộ Công Thương và Bộ GTVT đều cho rằng quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp nhằm bảo đảm công bằng giữa xe trong nước và xe nhập khẩu, bảo vệ người tiêu dùng.
Riêng Bộ Công Thương đề nghị áp dụng quy định kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo hướng kết quả kiểm tra đó sẽ được chấp thuận cho loại xe đó trong vòng 6 tháng, thay vì kiểm tra theo từng lô hàng như quy định.
Bộ này cũng cho rằng do Nghị định có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký là đủ thời gian cho các doanh nghiệp chuẩn bị cho sự thay đổi.
Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp không thỏa mãn với nội dung trả lời. Bởi họ cho rằng việc nhập khẩu ô tô cần thời gian ít nhất 3-4 tháng, 45 ngày không đủ để họ xử lý xong các hợp đồng đã ký. Quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài là không phù hợp thông lệ quốc tế.
Đại diện Bộ GTVT khẳng định vừa qua đã đối thoại với các doanh nghiệp và vấn đề giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại đã nhận được sự đồng thuận.
Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp Nhật phản ánh việc này chưa được giải quyết và hỏi lại, liệu giấy chứng nhận chất lượng của chính nhà sản xuất có thể thay cho giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài? Các doanh nghiệp cũng khẳng định lại rằng yêu cầu giấy chứng nhận từ các cơ quan Chính phủ là không thể có được với xe xuất khẩu.
Các doanh nghiệp Nhật phát biểu tại hội nghị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tới đây, mặc dù đại diện Bộ Giao thông vận tải không đồng ý với cách hiểu của doanh nghiệp, nhưng Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho rằng cần xem lại quy định trên. “Tôi nghĩ không Chính phủ nào cấp giấy chứng nhận chất lượng cho xe xuất khẩu. Ngay cả Việt Nam cũng vậy. Doanh nghiệp xuất khẩu được là do chiếm lĩnh được thị trường. Thử hỏi là khi xe có vấn đề thì Chính phủ các nước triệu hồi xe hay doanh nghiệp triệu hồi?”, ông đặt vấn đề và thông báo với phía Nhật Bản rằng các cơ quan của Việt Nam ghi nhận ý kiến và sẽ rà soát lại nội dung này. Ông cũng đề nghị nên lùi thời hạn áp dụng Nghị định để các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị.
Giải tỏa hàng loạt lo ngại của doanh nghiệp
Cũng tại hội nghị, đại diện các cơ quan đã giải đáp, phản hồi về nhiều vấn đề khác. Đó là lo ngại của doanh nghiệp về việc nhiều người lao động nước ngoài buộc phải đóng tiền bảo hiểm 2 lần tại nước của họ và Việt Nam, theo dự thảo Nghị định mới đang được xây dựng.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTB&XH khẳng định dự thảo Nghị định trên đã thu hẹp phạm vi đối tượng lao động nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không bao gồm nhóm lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp hay lao động biệt phái như lo ngại của các doanh nghiệp. Còn về thông tin lao động biệt phái mà các địa phương vẫn yêu cầu phải có hợp đồng lao động (tức là sẽ vẫn phải đóng bảo hiểm) thì Bộ sẽ tiếp thu ý kiến và kiểm tra lại.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị cần quy định rõ ràng nội dung nói trên trong dự thảo Nghị định để bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện và VPCP sẽ “gác cổng” nội dung này trong dự thảo trình Chính phủ.
Một vấn đề khác, doanh nghiệp lo ngại quy định các nhà máy phải xây dựng hồ kiểm chứng chứa nước thải, đủ để chứa nước thải trong vòng 72 giờ, theo dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp cho rằng việc xây dựng hồ như vậy rất tốn kém, trong khi nhiều doanh nghiệp đã sử dụng các giải pháp khác, thay vì xây dựng hồ, như áp dụng hệ thống quan trắc, tự động gửi nước thải quay trở lại nguồn lúc ban đầu nếu nước không đạt chuẩn.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết nội dung mà doanh nghiệp phản ánh có trong phiên bản dự thảo cách đây nhiều tháng. Còn dự thảo mới nhất đã có điều chỉnh, chỉ các doanh nghiệp trong 8 ngành nghề có nguy cơ cao và xả thải đủ nhiều mới phải xây hồ kiểm chứng.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Vừa qua, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được thăng hạng rất mạnh theo đánh giá của các tổ chức quốc tế.
Cũng trong năm 2017, có tới 120 nghìn doanh nghiệp thành lập mới – con số kỷ từ trước tới nay, số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng dự kiến lên tới 36 tỷ USD, tăng hơn 50% so với năm 2016, chứng tỏ môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện mạnh.
Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam chưa hài lòng với kết quả này và sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp, triển khai các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Việt Nam mong muốn sẽ có làn sóng đầu tư từ Nhật Bản và Nhật Bản sẽ sớm trở thành quốc gia đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam từ vị trí số 2 hiện nay.
Mazda CX-5 2017 giảm giá xả hàng tồn kho tại Việt Nam
Hai phiên bản 2.5 2WD và AWD giảm giá 20 triệu, về mức 829 và 879 triệu, thêm 9 triệu tiền bảo hiểm. |
Toyota Fortuner khan hàng, đại lý 'hét' giá tăng 200 triệu
Xe Fortuner không thể nhập về do Nghị định 116, đại lý khan hàng nên nhiều nơi hét giá tăng thêm 200 triệu. |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/