HSC: Nhiều khả năng SCIC bán NTP và BMP qua đàm phán, FPT đang chờ giá tăng
SCIC có thể bán BMP và NTP thông qua đàm phán, sớm công bố đấu giá FPT
CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC – Mã: HCM) có báo cáo đánh giá tình hình thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Theo HSC nhận định, SCIC có khả năng sẽ lùi thời hạn bán vốn tại FPT; BMP và NTP. Bên cạnh đó, HSC cho rằng cổ phần BMP và NTP có thể sẽ được thực hiện thông qua đàm phán với nhà đầu tư thay vì qua đấu giá.
Buổi Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư của SCIC chiều 17/11 tại TP HCM. (Ảnh: Minh Anh). |
Trước đó ngày 17/11, trong buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư, SICC cho biết sẽ công bố giá khởi điểm cũng như ngày tiến hành bán cổ phần thông qua phương thức đấu giá. Theo thông báo khi đó, SCIC bán 29,51% cổ phần BMP, giá khởi điểm công bố vào ngày 28/11 và đấu giá vào 8/12. Đối với NTP, SCIC bán 37,1% cổ phần với giá khởi điểm công bố vào ngày 1/12 và đấu giá vào 13/12. Còn FPT, SCIC sẽ bán 5,96% cổ phần với giá khởi điểm dự kiến công bố vào ngày 27/11 và tổ chức đấu giá vào ngày 11/12. Tuy nhiên, đã qua các thời hạn đối với việc công bố giá khởi điểm đấu giá trên và thị trường vẫn chờ tin từ SCIC. |
Nhận định về điều này, HSC dự đoán rằng lý do SCIC hoãn việc công bố giá khởi điểm cũng như việc hoãn thời gian đấu giá bán cổ phần có lẽ là vì, gặp một số khó khăn vào phút chót ở trường hợp NTP và BMP, thời gian đưa ra là hơi gấp gáp và có thể SCIC kỳ vọng giá cổ phiếu có thể tăng thêm trong ngắn hạn.
HSC cho rằng thông tin về ngày đấu giá và giá khởi điểm, ít nhất là trong trường hợp đấu giá FPT sẽ được sớm công bố. Tuy nhiên với NTP và BMP, có khả năng SCIC sẽ đàm phán thỏa thuận bán cổ phần.
Lý do của suy đoán trên HSC cho biết, dựa trên phương án đấu giá SCIC đưa ra, nếu có từ 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm đến việc mua cổ phần của SCIC thì SCIC sẽ bán cổ phần thông qua phương thức đấu giá. Nếu chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm thì SCIC sẽ bán cổ phần qua hình thức đàm phán thỏa thuận.
Như vậy, HSC cho rằng có vẻ như việc SCIC hoãn đấu giá cổ phần NTP và BMP là do có ít hơn 2 NĐT quan tâm. Điều này cho thấy có lẽ SCIC sẽ bán cổ phần thông qua đàm phán thay vì tổ chức đấu giá.
Một vấn đề nữa là với giá cổ phiếu tăng mạnh gần đây thì sẽ khó có thể xác định được giá khởi điểm đấu giá hay giá để đàm phán. Quá trình bán cổ phần trong một thị trường đang sôi động có vẻ sẽ cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. SCIC rõ ràng sẽ muốn giá cổ phiếu tăng nhưng nếu giá cổ phiếu tăng sẽ làm cho việc bán cổ phần trở nên phức tạp và bị trì hoãn.
Phủ quyết kế hoạch nới room lên 100% tại NTP, SCIC đang tìm phương án bán vốn khác?
SCIC hoãn đấu giá cổ phần NTP một phần là do Đại hội cổ đông bất thường NTP diễn ra vào ngày 30/11 và cổ đông đã không thông qua nội dung nới room lên 100%. NTP có 2 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là bất động sản (BĐS) và vận tải đường bộ.
Tại đại hội, cả ban lãnh đạo và cổ đông lớn Sekisui (tổng cộng nắm 51% cổ phần) đã phủ quyết nội dung nới room.
Ban lãnh đạo cho rằng việc bỏ ngành nghề kinh doanh BĐS và vận tải đường bộ khỏi điều lệ công ty (về cơ bản là rút khỏi 2 lĩnh vực này) sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của công ty. Trong khi NTP dự kiến triển khai dự án BĐS tại số 2 An Đà, Hải Phòng với vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng. Thông tin chi tiết liên quan đến dự án BĐS này sẽ sớm được công bố tại đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới, dự kiến vào tháng 4/2018.
Tại đại hội bất thường, đại diện cổ đông Sekisui cũng cho rằng việc nới room lên 100% sẽ khiến công ty phải bỏ ngành nghề kinh doanh BĐS và ảnh hưởng đến giá trị của cổ đông. Cổ đông này cũng cho biết Sekisui không có ý định nâng thêm tỷ lệ sở hữu hiện là 15% tại NTP ở thời điểm hiện tại. Và sẽ không tham gia đấu giá mua cổ phần của SCIC.
Trái lại, đại diện SCIC cho biết việc nới room sẽ tối đa hóa lợi ích của nhà nước trong việc bán cổ phần. Tuy nhiên, nếu đại hội không thông qua việc mở room, SCIC có thể sẽ tìm phương án thay thế để bán cổ phần với giá cao nhất có thể.
Theo đó, khả năng bán cổ phần qua đàm phán đã tăng lên. Với Sekisui không tham gia, thì cơ hội bán cổ phần qua đấu giá giảm xuống và qua đàm phán tăng lên vì theo HSC cập nhật thì mới chỉ có một nhà đầu tư lớn khác ngoài Sekisui quan tâm đến việc mua cổ phần NTP.
NawaPlastic Industries là nhà đầu tư khả dĩ nhất
Ở trường hợp của BMP, HSC cho biết có vẻ cũng chỉ có 1 nhà đầu tư tiềm năng chính quan tâm đến cổ phần của SCIC. Điều này cho thấy nhiều khả năng SCIC sẽ bán cổ phần thông qua đàm phán thay vì tổ chức đấu giá. Tuy nhiên giá cổ phiếu đã tăng trong những tuần gần đây khiến cho việc bán cổ phần trở lên phức tạp.
Tại đại hội thường niên năm nay, đại diện SCIC đã tiết lộ sẽ tìm cách bán cổ phần BMP trong năm 2017. BMP cũng hoàn tất nới room lên 100% từ ngày 26/9. Và cổ đông NawaPlastic Industries (Thái Lan) hiện nắm 20,4% cổ phần BMP (tương đương 16,7 triệu cổ phiếu).
Nawa bán NTP để mua BMP?
Vào cuối tháng 9, Nawa bán 21,3 triệu cổ phiếu NTP. Động thái này có thể hiểu là tín hiệu cho thấy Nawa Plastic có lẽ đang muốn chuẩn bị tiền để mua cổ phần BMP từ SCIC.
Số tiền bán cổ phần NTP của Nawa là khoảng 1.574 tỷ đồng trong khi giá trị thị trường số cổ phần BMP của SCIC là khoảng 1.839 tỷ đồng. HSC đánh giá có vẻ Nawa là người mua tiềm năng nhất đối với số cổ phần của SCIC.
Nếu mua thành công, Nawa sẽ nắm 49,92% cổ phần BMP. Và Nawa có thể nâng tỷ lệ sở hữu lên tỷ lệ cổ phần kiểm soát bằng việc việc mua thêm cổ phiếu thông qua phương thức khớp lệnh trên thị trường hoặc mua thỏa thuận.
Siam Cement Group (SCG) là công ty mẹ của TPC và TPC nắm giữ Nawaplastic. SCG có tham vọng xây dựng chuỗi giá trị trong ngành nhựa tại Việt Nam. Hiện SCG sở hữu một công ty sản xuất hạt nhựa (TPC Việt Nam) và từ lâu đã muốn có thêm một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa với mạng lưới phân phối tốt tại Việt Nam. Và ở đây chỉ có 2 lựa chọn để mua vào là BMP và NTP. Tuy nhiên sau khi thoái vốn tại NTP thì hiện Nawaplastic có lẽ chỉ xem xét BMP.
Vấn đề định giá đất có lẽ cũng đóng vài trò làm trì hoãn việc đấu giá nhưng đây mới chỉ là đồn đoán. Thị trường có tin đồn là SCIC có lẽ đang định giá lại lô đất tại trụ sở công ty tại quận 6 để xác định chính xác lợi ích của BMP trong lô đất này. BMP sở hữu khoảng 900 m2 đất trên một lô đất rộng 6.100 m2 tại đường Hậu Giang, quận 6. Tuy nhiên vấn đề này có chút phức tạp vì theo Luật đất đai trước năm 2012, BMP đã mua 900 m2 đất này trước khi IPO nên lô đất thuộc về Nhà nước.
Vì lý do này, mỗi năm công ty phải trả tiền thuê đất cho nhà nước đối với phần diện tích đất này. Do vậy, nếu BMP muốn phát triển dự án trên lô đất, thì công ty cần trả tiền quyền sử dụng đất.
Trường hợp FPT, có lẽ SCIC đang chờ giá tăng
Ở trường hợp FPT, SCIC hoãn đấu giá có lẽ là mong giá cổ phiếu tiếp tục tăng. Trước đây SCIC đã công bố kế hoạch bán 5,96% cổ phần FPT qua phương thức đấu giá vào ngày 11/12/2017. Với giá khởi điểm sẽ sớm được công bố vào ngày 1/12/2017. Tuy nhiên hiện SCIC đã không thông báo giá khởi điểm và có vẻ hiện ngày tổ chức đấu giá vẫn chưa được xác định.
Hiện room cổ phiếu FPT đã đầy nên chỉ có NĐT trong nước có thể tham gia đấu giá cổ phần FPT của SCIC bởi vậy số lượng NĐT tham gia bị hạn chế. Giá cổ phiếu FPT cũng tăng 57,1% so với đầu năm nhờ thông tin về khoản lãi không thường xuyên từ bán cổ phần tại FPT Retail và FPT Trading.
Một lý do khác nữa có thể là SCIC có lẽ kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng tiếp vì hiện định giá hiện vẫn chưa cao nếu nhìn vào triển vọng dài hạn của cổ phiếu này.
Thấy gì từ diễn biến cổ phiếu SCIC thoái vốn trong tháng 11?
Tháng 11 vừa qua ghi nhận sức hút lớn từ nhóm cổ phiếu thoái vốn từ SCIC, giá cổ phiếu của các mã nhóm này ... |
Vẫn chưa thể hoàn tất thoái vốn tại NTP, BMP, FPT trong tháng 12
SCIC sẽ triển thoái vốn tại DMC trong tháng 12 năm 2017. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện hồ sơ bán vốn tại NTP, BMP ... |