|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thấy gì từ diễn biến cổ phiếu SCIC thoái vốn trong tháng 11?

14:00 | 02/12/2017
Chia sẻ
Tháng 11 vừa qua ghi nhận sức hút lớn từ nhóm cổ phiếu thoái vốn từ SCIC, giá cổ phiếu của các mã nhóm này đều phản ánh tích cực và tác động lên đà tăng chung của thị trường.
dien bien co phieu scic thoai von trong thang 11
Cơn sốt thoái vốn đã và đang diễn ra vào thời điểm cuối năm (ảnh minh họa)

Nhìn chung, các mã thuộc nhóm thoái vốn từ SCIC đều tăng giá trong tháng 11. Trong đó mã tăng mạnh nhất là VCG với 32%, BMP tăng 29,6%, các mã DMC, VNM tăng trên 20% trong khi NTP, FPT SAB tăng khoảng 15-17,5%.

dien bien co phieu scic thoai von trong thang 11
Sự thay đổi đội giá cổ phiếu các mã thuộc nhóm thoái vốn từ SCIC trong tháng 11

Kể đến đầu tiên, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã có đợt bứt phá ấn tượng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong tháng 11, giá cổ phiếu VNM tăng 20,3%, đạt 186.700 đồng/cổ phiếu. Là cổ phiếu cổ vốn hóa thị trường lớn nhất trên sàn, đà tăng này của VNM là một cú hích cực mạnh cho VN-Index trong tháng khi góp phần lớn trong việc tăng từ 837,28 điểm lên tới 949,93 điểm.

Cơn sốt VNM bắt đầu ngay từ thời điểm đầu tháng 11 và bùng nổ thực sự vào chiều ngày 10/11 khi tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) diễn ra buổi bán đấu giá hơn 48,33 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 3,33% vốn của VNM. Tổng số lượng cổ phần đăng ký mua vào thời điểm đó gần 74 triệu cổ phiếu, gấp 1,5 lần lượng SCIC chào bán với mức giá đặt mua thấp nhất hợp lệ là 151.200 đồng/cp.

Độ "hot" cùng ngày cũng diễn ra từ giao dịch của khối ngoại khi phiên giao dịch này ghi nhận VNM được mua ròng gần 1.100 tỷ đồng và kéo dài đà mua ròng đến hết phiên giao dịch ngày 20/11. Quãng thời gian này cũng là lúc VNM luôn dẫn đần đầu trong top mua ròng của toàn thị trường.

Về việc thay đổi từ nhóm đầu tư nước ngoài, ngày 21/11/2017, quỹ ngoại Platium Victory Pte. Ltd do Jardine Cycle & Carriage sở hữu 100% vốn đã mua vào gần 51,3 triệu cổ phiếu VNM và trở thành cổ đông lớn. Hiện quỹ này đang sở hữu gần 133 triệu cổ phần tại VNM, tương ứng tỷ lệ 9,15% vốn tại VNM.

dien bien co phieu scic thoai von trong thang 11
Diễn biến giá cổ phiếu SAB và VNM trong tháng 11

Một ông lớn khác cùng ngành thực phẩm & đồ uống với Vinamilk là Sabeco (Tổng CTCP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn - mã: SAB) cũng tăng tới gần 15% trong tháng.

Ghi nhận SAB đã cán cột mốc 300.000 đồng/cp sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 22/11, đây là mức thị giá kỉ lục vào thời điểm hiện tại trên thị trường, không những vậy SAB vẫn tiếp tục tiến lên các mốc đỉnh mới và kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng vào ngày 30/11 đạt 329.000 đồng/cp.

Ngày 29/11, Bộ Công Thương thông báo sẽ bán khoảng 53,59% vốn tại Sabeco với giá 320.000 đồng/cp, dự kiến thu về khoảng 5 tỷ USD. Tuy nhiên qua cách làm công khai, minh bạch theo như lãnh đạo Bộ chia sẻ, sau chào bán ngày 29/11, giá cổ phiếu của Sabeco liên tục tăng. Với đà này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: "Nhà nước có thể thu về được hơn 9 tỷ USD từ việc thoái vốn tại Sabeco, số tiền này ước tính cao hơn nhiều dự kiến ban đầu".

dien bien co phieu scic thoai von trong thang 11
Diễn biến giá cổ phiếu tại một số mã thoái vốn khác

Ở diễn biến khác, SCIC thông báo giá chào bán tại VCG bên cạnh việc triển khai bán phần vốn của mình tại DMC vào tháng 12, đồng thời tiếp tục hoàn thiện hồ sơ bán vốn tại NTP, BMP, FPT cũng trong tháng này.

Là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm, VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đã tăng 32% lên 28.500 đồng/cp. Thông báo mới nhất, SCIC sẽ chào bán với giá khởi điểm 25.600 đồng/cp với hơn 96 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 21,79% vốn tại VCG. Dự kiến nếu thành công, SCIC có thể thu về gần 2.500 tỷ đồng.

Bộ đôi ngành nhựa BMP (CTCP Nhựa Bình Minh) và NTP (CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong) cũng đều tăng giá trong tháng 11.

Cụ thể, mã BMP (CTCP Nhựa Bình Minh) tăng gần 30% trong tháng 11 đạt 96.000 đồng/cp. Ngày 1/12 mới đây, FTSE Vietnam ETF đã thêm BMP vào danh mục trong kỳ review quý IV/2017.

Mã NTP (CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong) tăng 17,5%. Ở kỳ đại hội cổ đông vừa qua, đề nghị nới room lên 100% của NTP đã không được phần đông cổ đông chấp thuận khi gần 54% số cổ đông biểu quyết không tán thành. Với kết quả này, NTP sẽ tiếp tục triển khai các nghiệp vụ kinh doanh bất động sản và vận tải hàng hóa đường bộ thay vị rút lại hai ngành nghề trên nhằm đáp ứng mục đích nới room trước đó.

Ở hai mã còn lại, cổ phiếu DMC của CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco đã tăng 22% lên 128.000 đồng/cp giá đóng cửa ngày 30/11. Tuy nhiên ngay trước thềm thoái vốn, cổ đông lớn nhất tại DMC là CFR Internation SPA thông báo đăng ký chuyển nhượng toàn bộ hơn 17,9 triệu cổ phiếu DMC về công ty mẹ, tương ứng 51,7% vốn tại đây. Thời gian dự kiến giao dịch từ 5/12 - 20/12.

FPT tăng gần 15% trong tháng 11 lên 58.400 đồng/cp. Tuy nhiên FPT đang kín room ngoại và điều này sẽ khiến cho việc thoái vốn có thể sẽ không có sự tham gia từ phía các nhà đầu tư nước ngoài.

Minh Đăng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.