HSC: Hai nguyên nhân dẫn đến VPBank không nới room ngoại tối đa
VPBank chi gần 2.500 tỷ đồng mua 73,2 triệu cổ phiếu quỹ | |
Phó Tổng Giám đốc VPBank U55 dẻo dai nhảy múa trên sân khấu |
Theo phân tích của Công ty chứng khoán TP HCM (HSC), hoạt động của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (Mã : VPB) sẽ tiếp tục tiến triển trong năm 2018. Đồng thời thương vụ mua 73,21 triệu cổ phiếu quỹ sẽ không làm hở room cho khối ngoại.
Mua cổ phiếu quỹ không ảnh hưởng đến room ngoại
Theo đánh giá của HSC, thương vụ mua 73,21 triệu cổ phiếu quỹ sẽ không làm hở room cho khối ngoại. Trên lý thuyết, với room nước ngoài đang được VPBank cố định ở mức 22,378% thì khi ngân hàng mua lại 73,21 triệu cổ phiếu ưu đãi và chuyển thành cổ phiếu thường thì lượng cổ phiếu mới mà nhà đầu tư nước ngoài có thể mua thêm là khoảng 16,38 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, do VPBank mua lại số cổ phiếu này làm cổ phiếu quỹ nên sẽ không làm hở room cho khối ngoại và số lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài được phép nắm giữ vẫn chỉ là 542 triệu cổ phiếu.
Ngoài ra, HSC cũng cho rằng có 2 nguyên nhân khiến VPBank quyết định khóa room nhà đầu tư nước ngoài ở mức 22,378% thay vì mức tối đa là 30% theo quy định của NHNN.
Thứ nhất, nhằm giúp IFC có thể chuyển đổi số trái phiếu chuyển đổi đang nắm giữ sang cổ phiếu thường trong tương lai. Trước đó, trong tháng 7/2017, IFC đã cấp một khoản vay trị giá 57 triệu USD (tương đương với giá trị của 5,34% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) cho VPBank cùng với thỏa thuận được quyền chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.
Thứ hai, để hỗ trợ hoạt động phát hành riêng lẻ của ngân hàng trong tương lai. Như công bố tại đại hội cổ đông, VPBank có kế hoạch tăng vốn 15% thông qua phát hành riêng lẻ trong năm 2018. Tuy nhiên, do room đã khóa ở mức 22,378%, nên nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể mua vào một phần nhỏ trong lần phát hành này.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ảnh: VPBank) |
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong năm 2018 có thể đạt 10.903 tỷ đồng
HSC dự báo hai nguồn chính mang về lợi nhuận cho VPBank trong năm nay là từ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng mẹ và FE Credit. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank ước đạt 10.903 tỷ đồng, tăng trưởng 34,2% so với năm trước và vượt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra (10.800 tỷ).
Cụ thể, trong 2018 lợi nhuận trước thuế (LNTT) của Ngân hàng mẹ có thể đạt 7.186 tỷ đồng tăng trưởng 28% so với năm ngoái. Đồng thời, FE Credit cũng sẽ mang về khoảng 5.578 tỷ đồng, tăng trưởng 39%.
HSC cũng nhận định sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành ngân hàng nói chung và lĩnh vực tài chính tiêu dùng đang khiến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của VPBank có xu hướng giảm xuống. Cùng với đó, mô hình tăng trưởng nhanh đi kèm rủi ro cao dẫn đến tình trạng trích lập dự phòng chưa tương xứng cho các khoản cho vay. Do vậy, trong thời gian tới, VPB cần phải đẩy mạnh trích lập dự phòng để giảm mức độ rủi ro tài sản của mình.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/6, cổ phiếu VPB đang được giao dịch ở mức giá 30.600 đồng/ cổ phiếu. Mức giá này hiện đang thấp hơn khoảng 10% so với mức giá mà VPBank dự định dùng để mua cổ phiếu quỹ (33.996 đồng/cổ phiếu).
Diễn biến cổ phiếu VPB kể từ khi niêm yết tới nay (Nguồn:Vndirect) |