HoREA đưa ra một số góp ý sửa đổi Luật Đất đai 2013
11 kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013 của HoREA |
Luật Đất đai 2013 chưa điều chỉnh được giá đất |
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) có công văn gửi Bộ Tư pháp , Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013.
HoREA kiến nghị sửa Luất Đất đai theo hướng bổ sung “đất du lịch”, “đất đặc khu kinh tế” vào loại đất phi nông nghiệp; bổ sung chủ thể “cá nhân nước ngoài” là người sử dụng đất... (Ảnh minh họa: Báo Tin tức) |
Trong đó, HoREA đề nghị bổ sung “đất du lịch”, “đất đặc khu kinh tế” vào loại đất phi nông nghiệp. Hiện “đất sử dụng cho đặc khu kinh tế” chỉ có thời hạn sử dụng đất không quá 70 năm, Quốc hội đang thảo luận đề án thành lập các “đặc khu kinh tế” và dự kiến có thể giao quyền sử dụng đất có thời hạn tối đa đến 99 năm. Chế định này chưa có trong Luật Đất đai 2013 nên Hiệp hội kiến nghị sửa đổi quy định trong luật để phù hợp với quyết định của Quốc hội về đặc khu kinh tế.
Còn trong Điều 153 mới nhắc tên “đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp” đã có thể bao gồm cả “đất du lịch”, nhưng du lịch hiện đang được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nên HoREA đề nghị bổ sung khái niệm “đất du lịch” và Điều 153 này.
Về người sử dụng đất, Hiệp hội nhất trí với Bộ TN&MT đề nghị bổ sung chủ thể “cá nhân nước ngoài” là người sử dụng đất (có thời hạn tối đa không quá 50 năm) sau khi đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam do hiện Điều 5 Luật Đất đai không quy định chủ thể sử dụng đất là “cá nhân nước ngoài”. Hiệp hội còn đề nghị bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là “cá nhân nước ngoài” để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật do Luật Đất đai 2013 chưa có chế định này và đề nghị bổ sung quy định đối tượng “cá nhân nước ngoài” thuộc diện UBND cấp tỉnh cấp sổ đỏ.
Về vấn đề thu hồi đất, HoREA cũng nhất trí với Bộ TN&MT chọn Giải pháp 1 về việc bổ sung vào Điều 62 quy định cụ thể về thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất cho đầu tư phát triển đối với các trường hợp:
(1) Thu hồi đất của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước khi rà soát, sắp xếp đất đai, đặc biệt là tại các vị trí có lợi thế và khả năng sinh lợi cao;
(2) Thu hồi đất theo phương án di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh, các trụ sở cơ quan ra khỏi đô thị;
(3) Bổ sung cơ chế, chế tài để đảm bảo khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch;
(4) Sửa đổi, bổ sung một số trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng như thu hồi đất để thực hiện dự án khu đô thị mới, khu nhà ở; Dự án có sử dụng đất có vốn đầu tư nước ngoài, dự án phát triển nông nghiệp tập trung, công nghệ cao;...
(5) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, nếu có nhu cầu thì được thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất.
Hiệp hội cũng nhất trí chọn Giải pháp 3 - bổ sung vào Điều 73 quy định về cơ chế xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn quyền sử dụng đất để thực hiện dự án sản xuất - kinh doanh. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư an tâm và đảm bảo cho nhà đầu tư thực hiện được dự án, tránh bị chậm, muộn hoặc không triển khai được dự án như trong thời gian qua.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, Hiệp hội nhất trí với Bộ TN&MT chọn "Giải pháp 1: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 74 theo hướng bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích với loại đất thu hồi, hoặc khác mục đích đất thu hồi nhưng ngang bằng về giá trị bồi thường đất, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi".
Ngoài ra, HoREA còn đưa ra nhiều kiến nghị khác liên quan đến vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai và giá đất; chế độ sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; giải quyết tranh chấp đất đai... Những nội dung này đều đã được Hiệp hội nhắc đến nhiều lần trong các công văn trước đó của mình.