|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Luật Đất đai 2013 chưa điều chỉnh được giá đất

15:34 | 24/12/2017
Chia sẻ
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề xuất xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013. Điều đáng nói, sau 3 lần chỉnh sửa, pháp luật về đất đai của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng.

Là một doanh nghiệp đang triển khai 2 dự án nhà ở tại Hà Nội, ông Lê Viết Hải – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kiến trúc đô thị Nam Thăng Long nhận xét, Luật Đất đai 2013 đang tồn tại nhiều bất cập.

luat dat dai 2013 chua dieu chinh duoc gia dat

Đền bù giải phóng mặt bằng theo cơ chế thị trường đang làm khó các doanh nghiệp.

Quá nhiều lỗ hổng

Bất cập phát sinh nhiều tranh chấp nhất thời gian qua là quy định về việc đền bù cho người có đất theo giá thị trường, khi đi vào thực tế việc xác định giá đất không phải dễ dàng.

“Giá thị trường hiểu theo Luật Đất đai 2013 là một khái niệm chung chung. Do vậy khi đền bù, cả doanh nghiệp và người có đất đều loay hoay. Bởi giá ở mức nào là sát, thị trường ở đây là thị trường nào, thị trường đã được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng làm tăng giá trị của đất hay là thị trường Nhà nước chưa đầu tư?” – ông Hải cho biết.

Bên cạnh đó, ông Hải cũng chỉ rõ những bất cập trong việc xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thực tế chưa có một cơ quan nào được thành lập và có đủ năng lực, trình độ chuyên môn được giao trách nhiệm để theo dõi giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất thành công, mức giá là bao nhiêu... Vì vậy đã dẫn đến những ách tắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) và nộp tiền sử dụng đất, thậm chí có dự án đến 3 năm mới xong GPMB.

Chưa hết, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, từ năm 2003 đến nay, chưa có trường hợp nào Chính phủ điều chỉnh khung giá đất. Mặc dù, giá đất đã có nhiều biến động. Đơn cử, bảng giá đất của TP HCM ban hành theo khung giá đất của Chính phủ quy định ngay tại thời điểm năm 2015 thì cũng chỉ bằng khoảng 30% giá đất thị trường.

Ba nhóm vấn đề chính

Là chuyên gia phân tích chính sách công của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) chuyên nghiên cứu về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, bà Đỗ Thị Thanh Huyền cho biết, sau 7 năm nghiên cứu bà nhận thấy cơ chế giải trình và giám sát trong lĩnh vực đất đai đang bị thiếu. Không những thế, việc tiếp cận thông tin cũng khó khăn đối với những công dân bình thường.

“Tại các địa phương tỉ lệ người dân tiếp cận được kế hoạch sử dụng đất chỉ dao động tầm 13,6% - 20%. Còn việc góp ý kiến cho kế hoạch sử dụng đất cũng chỉ có khoảng 3% đến 5%. Việc thiếu giám sát của cộng đồng trong thu hồi đất đối với các công trình, dự án cộng đồng là một trong những nguyên nhân gây mất niềm tin của dân đối với cơ quan chức năng” – bà Huyền cho biết.

Trao đổi với DĐDN, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa thừa nhận, đã đến lúc cần phải sửa lại Luật Đất đai 2013. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính như: Bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; bổ sung các quy định liên quan đến tài chính đất đai, giá đất.

Lưu Vân