Hội chứng 'giấc mơ tương lai' trong cơn lốc bitcoin (Phần 2)
Hội chứng 'giấc mơ tương lai' trong cơn lốc bitcoin (Phần 1) |
Hội chứng “giấc mơ tương lai” trong cơn lốc bitcoin. Ảnh: TTXVN |
Vào trung tuần tháng 12/2017, khi các nhà đầu tư còn chưa hết khấp khởi vì giá bitcoin có lúc áp sát mức 20.000 USD thì chỉ mấy ngày sau đó họ lại được một phen đau tim khi đồng tiền mã hóa này giảm tới 50%, có lúc xuống chỉ còn khoảng 10.000 USD, kéo theo sự sụt giảm của một loạt loại tiền ảo khác như ethereum hay litecoin.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân tăng giá chóng mặt của bitcoin trong mấy tháng gần đây chủ yếu do tâm lý “số đông” của nhà đầu tư và sự thắt chặt chính sách ở một số nền kinh tế lớn, cũng như cách nhìn nhận tích cực về bitcoin của một số “ông lớn” ngân hàng ở Phố Wall, chứ không phải dựa trên giá trị thực của đồng tiền số.
Nói cách khác, giá trị của bitcoin đang bị “thổi phồng” lên và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Ari Paul, nhà phân tích đồng thời là giám đốc thông tin của hãng đầu tư tiền ảo BlockTowerCapital, cho rằng bong bóng bitcoin, nếu sụp đổ, sẽ không gây ra ảnh hưởng quá lớn.
Lý do là mặc dù số nhà đầu tư vào bitcoin ngày một lớn, song phần lớn trong số giá trị thị trường 366,8 tỷ USD của bitcoin được sở hữu bởi một nhóm nhỏ thuộc giới siêu giàu, bao gồm những kẻ “ăn may” khi đầu tư vào đồng tiền này từ sớm, hay những “ông lớn” tại Thung lũng Silicon và các nhà “khai mỏ”.
Vì thế, kể cả trong trường hợp xấu nhất xảy ra, những con người vốn đã siêu giàu đó, cũng chỉ “bớt” giàu đi một chút.
Tuy nhiên, đó chỉ là một kịch bản màu hồng khi chúng ta không tính đến yếu tố tâm lý đám đông vốn đang tạo ra sự “thăng hoa” của bitcoin.
Một sự sụt giá bất ngờ có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền, khiến các chủ sở hữu đồng tiền ảo đồng loạt đua nhau bán tháo vì lo sợ các đợt giảm giá mạnh hơn trong tương lai. Và hành động này, đi kèm với tình trạng thiếu hụt về thanh khoản, sẽ tạo ra một cơn ác mộng thật sự.
Garrick Hileman, nhà nghiên cứu về hệ thống tiền tệ thuộc trường Đại học Cambridge, cho rằng nếu điều đó xảy ra, cả thế giới sẽ quay về thời điểm những năm 2000, khi bong bóng công nghệ (bong bóng cổ phiếu dot-com) phát nổ và đẩy hàng loạt các công ty lớn nhỏ kinh doanh về bitcoin ra khỏi thị trường.
Sự lây lan sẽ xảy ra trên toàn hệ thống, những đồng tiền ảo khác như ethereum, litecoin hay monero cũng sẽ không tránh khỏi hệ lụy.
Đó là chưa kể đến kịch bản khi bitcoin bị các chính phủ “tuýt còi” thì các nhà đầu tư sẽ đi đâu, về đâu? Hiện nay, nhiều quốc gia không chấp nhận coi bitcoin là một loại tiền tệ giao dịch. Một đồng tiền được xác định khi là đơn vị dễ tính toán, có tính bảo lưu về giá trị và là vật trung gian để trao đổi hàng hóa.
Trên thực tế, bitcoin không thể đáp ứng được tiêu chuẩn của một loại tiền nếu xét theo ba yếu tố trên. Hiện nay, lần lượt các quan chức trong giới tài chính của Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ… lần lượt lên tiếng khẳng định không ủng hộ giao dịch tiền ảo và đưa ra lời cảnh báo về những biến tướng khi sử dụng bitcoin như lừa đảo, rửa tiền…
Nhiều nhà kinh tế học đều thống nhất rằng một vụ sụp đổ nghiêm trọng như những gì diễn ra vào năm 2008 hoàn toàn có thể xảy ra với bitcoin. Khi đã bị cuốn vào cơn lốc bitcoin, nhiều người thậm chí còn phải đi vay tiền để đầu tư.
Mới đây, tờ Financial Times đã công bố số liệu cho thấy sàn giao dịch bitcoin lớn nhất của Nhật Bản là bitFlyer đã cho phép các nhà đầu tư vay số tiền lớn gấp 15 lần khả năng tài chính của họ để mua bitcoin. Thậm chí, có những người còn đem thế chấp lại (remortgage) ngôi nhà của mình chỉ để thỏa mãn trí tò mò về bitcoin.
Về vấn đề này, Eric Schiffer - Giám đốc điều hành của hãng chứng khoán Patriarch Equity, đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ không nên đánh đổi các khoản tiết kiệm của mình vào một thứ mà ông gọi là “hiểm họa tài chính đẫm máu nhất của thế kỷ 21”.