HNX yêu cầu công ty của 'Shark Vương' giải trình tình trạng bị hủy niêm yết
Lỗ vượt 410 tỷ, công ty của 'Shark Vương' sắp bị huỷ niêm yết |
Sở Giao địch Chứng khoán Hà Nội (HNX) gửi công văn yêu cầu CTCP Xuất khẩu Tổng Hợp I Việt Nam (Mã: TH1) về việc báo cáo giải trình nguyên nhân tình trạng bị hủy niêm yết.
Theo đó, TH1 ghi nhận thua lỗ trong 3 năm liên tiếp 2015, 2016 và 2017, vượt quá số vốn điều lệ thực góp theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017. HNX yêu cầu công ty gửi văn bản giải trình và công bố thông tin chậm nhất đến ngày 7/3/2018.
Điểm đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty là ông Trần Anh Vương (Shark Vương), hiện đang là một thành viên trong ban giam khảo chương trình truyền hình "Shark Tank Việt Nam". Tuy nhiên, ông Vương không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào tại TH1.
Ông Trần Anh Vương - Chủ tịch HĐQT của TH1 |
Nhìn lại năm 2017, TH1 ghi nhận lỗ hơn 142 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý IV/2017, công ty đã lỗ gần 137 tỷ đồng chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh trong kỳ. Tính cả năm, khoản mục này hơn 189 tỷ đồng, tăng 136% so với năm trước.
Việc tiếp tục lỗ vào năm 2017 khiến cho lỗ lũy kế 3 năm gần nhất của công ty lên tới khoảng 410 tỷ đồng (năm 2016 lỗ 133,5 tỷ đồng và năm 2016 là 134,4 tỷ đồng). Hậu quả, tính đến hết 31/12/2017, số lỗ đã vượt quá vốn điều lệ thực góp và công ty đã âm vốn chủ sở hữu gần 93 tỷ đồng.
Tổng giá tài sản tính đến hết năm 2017 hơn 804 tỷ đồng (giảm 14% so với đầu năm) chủ yếu là tài sản ngắn hạn. Trong đó, phải thu ngắn hạn chiếm hơn một nửa khoảng 445 tỷ đồng. Một điểm đáng quan tâm trong cơ cấu khoản phải thu ngắn hạn, khoản nợ xấu của công ty đã tăng gần gấp đôi lên hơn 331 tỷ sau một năm.
nguồn: Báo cáo tài chính quý IV/2017 (đơn vị: tỷ đồng) |
Theo Tờ trình Đại hội cổ đông thường niên năm 2018, công ty cho rằng năm 2017 khoản lỗ trên không xuất phát từ hoạt động kinh doanh mà do tác động bởi việc trích lập toàn bộ khoản phải công nợ khó đời thời gian qua, bên cạnh khoản nợ ngân hàng chưa có khả năng thanh toán hơn 24,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty gần như ngừng kinh doanh xuất khẩu một số mặt hàng do nhu cầu vốn lớn, lợi nhuận thấp và nhiều rủi ro như gạo, hạt điều, sắn lát. Bên cạnh đó, hoạt động một số chi nhánh không hiệu quả dẫn tới việc phải chấm dứt hoặc thu hẹp hoạt động.
nguồn: Tờ trình Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 |
Gặp khó khăn trong ba năm liên tiếp, công ty đặt mục tiêu năm 2018 có lãi với gần 11,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nguồn thu chủ đạo dự kiến đến từ việc kinh doanh xuất nhập khẩu. Theo đó, mặt hàng chủ lực sẽ là hồ tiêu với dự kiến xuất khẩu 2.000 tấn, kim ngạch 7 triệu USD. Ngoài ra, công ty sẽ tập trung nhập khẩu trực tiếp và phân phối trong nước sản phẩm sữa Cowala từ New Zealand, ước doanh thu đạt 50 tỷ đồng và lãi ròng 2,5 tỷ đồng.
Kết phiên giao dịch ngày 3/1, cổ phiếu TH1 giảm sàn xuống 5.000 đồng/cp với thanh khoản chỉ đạt gần 1.500 đơn vị. Từ đầu năm 2018, cổ phiếu này cũng có thanh khoản rất thấp với nhiều phiên thanh khoản bằng 0.
Tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, TH1 giao dịch biến động khi có thời điểm vượt mốc 11.000 đồng/cp nhưng sau đó giảm hơn một nửa cho đến nay.
Diễn biến giá cổ phiếu TH1 từ đầu năm 2017 đến nay (nguồn: VNDirect) |