|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hàn Quốc: Chưa hết cú sốc kinh tế lại đến khủng hoảng chính trị

16:46 | 04/11/2016
Chia sẻ
Những biến động trên chính trường Hàn Quốc, nhắm vào nữ Tổng thống Park Geun-hye đến vào thời điểm kinh tế nước này đang gặp nhiều khó khăn.
Nữ Tổng thống Park Geun-hye. Ảnh: Getty

Một loạt công ty lớn nhất Hàn Quốc đang trong giai đoạn vật lộn trong khủng hoảng. Công ty lớn nhất nước lao đao sau khi phải hủy sản phẩm tiên phong trên phạm vi toàn cầu. Hãng tàu biển lớn nhất nước thì rơi vào cảnh phá sản. Người đứng đầu nhà bán lẻ lớn nhất thì bị dính vào luật pháp. Cùng lúc đó, ngành xuất khẩu đang lao dốc, tỷ lệ nợ gia đình tăng cao

Ngay lúc này, nền kinh tế đang cần một hệ thống lãnh đạo vững chắc. Nhưng thay vào đó, Hàn Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị khi những cáo buộc liên quan đến nữ Tổng thống Park Geun-hye khiến bà bị yêu cầu từ chức.

Cuối tuần vừa rồi, đám đông lại đổ ra đường phố ở thủ đô Seoul yêu cầu bà Park rời ghế Tổng thống. Thành viên các đảng phái kêu gọi lập ngay một chính phủ trung lập để điều hành đất nước. Trong nỗ lực xoay chuyển tình thế, bà Park vừa chỉ định Thủ tướng cùng bộ trưởng Tài chính mới hôm thứ Tư.

Theo ông Jun Sung-in, Giáo sư kinh tế trường Đại học Hongik ở Seoul, "nếu ở thời điểm kinh tế phát triển bùng nổ, thiếu vắng cột trụ chính trị vững vàng không phải là vấn đề quá lớn, nhưng đó sẽ là đáng lo trong thời điểm cần sự hợp tác về chính sách".

Theo ông, Hàn Quốc có thể chịu tổn thương từ sự thiếu định hướng, ví dụ ở thời điểm Cục dự trữ liên bang Mỹ nâng lãi suất, hay khi đất nước đang nỗ lực tái cơ cấu các công ty tập đoàn lớn.

Chính phủ Hàn Quốc dự báo kinh tế năm sau sẽ tăng trưởng 3%. Chặng đường đạt được mục tiêu đó càng trở nên gian nan khi nước này đối mặt với nhiều thách thức cùng lúc.

Các thành viên chính phủ cho rằng những kế hoạch lớn như tái cơ cấu doanh nghiệp thường chịu nhiều quan điểm hay lợi ích trái chiều từ các bên, do đó cần sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa từ văn phòng tổng thống. Nhưng chính văn phòng hiện cũng đang chìm sâu trong những những tình tiết chính trị thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Dư luận cáo buộc nữ Tổng thống Park cho phép người bạn lâu năm Choi Soon-sil, một thường dân không có vai trò gì, can thiệp vào các quyết định quan trọng của quốc gia. Bà Choi đã bị bắt với cáo buộc can thiệp vào các quyết định về ngân sách, nhân sự, lợi dụng một nhóm lobby để gây quỹ. Nhiều thành viên đảng đối lập cho rằng bà Choi này có mối liên hệ với giáo phái nào đó, đã dùng sức ảnh hưởng của mình lên nữ Tổng thống Park để mưu lợi cho bản thân, cho người quen và thành viên gia đình bà.

Trong khi đó, nhiều tập đoàn lớn Hàn Quốc đang chịu thiệt hại vì khủng hoảng. Nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới Samsung phải ngừng sản xuất dòng Note 7 vì sự cố pin, gây ra tổn thất hơn 6 tỷ USD. Các công ty đóng tàu và vận tải biển lớn nhất cũng đang trong cảnh cắt giảm hàng nghìn việc làm và bán bớt tài sản để trả nợ. Không khó khăn về kinh tế nhưng đại gia bán lẻ Lotte lại phải hoãn một số hoạt động kinh doanh do Chủ tịch và các thành viên chủ chốt vướng vòng lao lý.

5 công ty muốn mua tuyến châu Á-Mỹ của Hanjin
Vướng scandal, Chủ tịch Lotte cúi đầu xin lỗi dân chúng

Hiện mối quan ngại với Hàn Quốc hiện nay là cuộc khủng hoảng tại các công ty lớn và vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế sẽ tệ hơn đến mức nào trong cuộc khủng hoảng quyền lực. Đồng won giảm giá 3,7% so với đôla Mỹ trong tháng 10, còn chỉ số chứng khoán Kospi giảm 1,7%, một trong những chỉ số giảm mạnh nhất khu vực trong tháng.

"Lịch sử cho thấy khủng hoảng kinh tế có xu hướng xảy ra sau khủng hoảng chính trị, đồng thời chính trị cũng làm xao nhãng sự tập trung cần thiết đối với nền kinh tế", ông Kim Jung-sik, Giáo sư kinh tế tại Đại học Yonsei ở Seoul nói với Bloomberg.

Vân Vũ