Grab phớt lờ đối thoại, tài xế gửi đơn kêu cứu Bộ Giao thông Vận tải
Grab lên tiếng về khoản lỗ gần 1.000 tỷ đồng | |
Hiệp hội Taxi TPHCM: Uber, Grab đã vi phạm Luật Cạnh tranh, lũng đoạn thị trường! |
Trong đơn gửi tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nhóm khoảng 50 tài xế này còn cho rằng Grab đã có những vi phạm trong quá trình hợp tác với tài xế đối tác.
Tài xế bị áp chiết khấu quá cao, bất bình đẳng
Các tài xế cho biết khi mới bắt đầu gia nhập thị trường Việt Nam, Grab đã đưa ra các lời mời chào về chính sách ưu đãi hấp dẫn như mức thu nhập sẽ là 35 triệu đồng/tháng. Không ít người đã vay mượn tiền để mua xe, gia nhập vào Grab.
Tuy nhiên, hãng đã có hành vi áp đặt, đối xử bất bình đẳng, không ghi nhận sự cống hiến. Họ hoài nghi việc tuân thủ đúng pháp luật của Grab tại Việt Nam. Đồng thời, các tài xế cũng cho biết mức chiết khấu mà Grab đưa ra là 20% đối với những người tham gia trước tháng 10/2017, nhưng sau thời điểm đó là 25% rồi lên hơn 28% khiến họ bức xúc.
Nhiều tài xế tập trung tại trụ sở phản đối mức chiết khấu mới của Grab vào giữa tháng 1. Ảnh: Duy Anh. |
“Với mức chiết khấu đó, những người lái xe như chúng tôi đang phải đối mặt với thu nhập không đảm bảo, không có thu nhập để trả khoản tiền vay ngân hàng. Hiện nay có rất nhiều anh em lái xe lâm vào tình trạng mếu dở khóc dở khi tiến không được, lùi cũng không xong, vì ngày càng phụ thuộc vào Grab”, các tài xế cho biết.
Ngoài ra, theo tài xế, nếu không hợp tác với Grab nữa thì mặc nhiên sẽ trở thành những người thất nghiệp, không có tiền để trả tiền vay ngân hàng mua xe, nếu tiếp tục hợp tác thì không có quyền thỏa thuận về các chính sách của mình, chịu sự áp đặt của Grab.
Mập mờ chuyện đóng thuế
Một nội dung khác trong đơn của các tài xế là việc Grab không trao đổi cụ thể vấn đề đóng thuế thu nhập cá nhân, mà tự ý trừ 3,6% cước phí từ ngày 1/1 của toàn bộ chuyến đi, với lý do để đóng thuế.
“Grab không có bất kỳ trao đổi cụ thể nào về vấn đề đóng thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, phổ biến rõ cách thức đóng, thời điểm đóng, áp dụng giảm trừ gia cảnh… nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi mà chỉ đưa ra một mức đóng bắt buộc và buộc tài xế phải tuân theo mà không giải thích, không phổ biến cũng như không cần biết tài xế có phản ứng gì hay không”, đơn thư nêu.
Tài xế nói mình là đối tác nên có quyền được biết, được lý giải về tất cả các khoản chiết khấu, mức thuế áp dụng nói trên.
Ngoài ra, tài xế cho biết Grab khẳng định việc thu hộ và nộp thuế chỉ áp dụng đối với các lái xe có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên nhưng hiện nay đang áp dụng mức này với tất cả lái xe.
Dẫn ra chính sách thuế, tài xế cho rằng việc tính mức thuế của Grab hiện nay là vi phạm quy định pháp luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp.
Phớt lờ đối thoại
Trong đơn gửi kêu cứu lên Bộ GTVT, tài xế cho rằng Grab còn có hành vi ngăn cản quyền trao đổi, làm việc với các đối tác. Tài xế tố Grab đột ngột thay đổi chính sách mà không có sự thỏa thuận, thống nhất. Nhiều lần đối tác tài xế đến trực tiếp văn phòng, đặt lịch làm việc và đề nghị tổ chức buổi đối thoại nhưng không được phản hồi.
Việc thực hiện đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử mà Grab đang áp dụng theo Quyết định 24 cũng bị tài xế tố vi phạm. Theo tài xế, Grab không có chức năng kinh doanh dịch vụ vận tải lại tự ý đưa ra và thực hiện các mức chiết khấu theo kết quả hoạt động của các lái xe, trích cước phí với lý do để đóng thuế thu nhập cá nhân cho các lái xe, thưởng phạt lái xe, tắt app với các lái xe được cho là vi phạm quy định hoạt động… là không đúng quy định.
Tài xế tố Grab vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng. |
Các tài xế Grab mong muốn Bộ GTVT làm rõ, yêu cầu Grab tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho tài xế.
Liên quan vấn đề này, Zing.vn đã nhiều lần liên lạc với ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, người được các đối tác tài xế gửi đơn kêu cứu trực tiếp, để làm rõ các thông tin tài xế tố cáo sai phạm của Grab, song vẫn chưa có câu trả lời.