|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gam màu tối trong kết quả kinh doanh quý II của nhiều 'ông lớn'

07:04 | 03/08/2017
Chia sẻ
Trong kết quả kinh doanh quý II, nhiều ông lớn báo lỗ như PVD, Dabaco, Xi măng Bỉm Sơn, OGC... Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp đầu ngành báo cáo lợi nhuận giảm chưa bằng 1/2 cùng kỳ như: FLC, Masan, Vietnam Airlines, Địa ốc Đất Xanh, Tập đoàn Hoa Sen...
gam mau toi trong ket qua kinh doanh quy ii cua nhieu ong lon
Các ''ông lớn" thi nhau báo lỗ (Ảnh minh họa)

Tính đến hiện nay, hầu như các doanh nghiệp niêm yết đã công bố hết báo cáo tài chính quý II/2017. Bên cạnh nhiều doanh nghiệp báo lãi đột biến so với cùng kỳ năm trước thì lại có nhiều "ông lớn" niêm yết báo lợi nhuận giảm trên 50% thậm chí báo lỗ trong quý II.

Nhiều doanh nghiệp lỗ nặng

gam mau toi trong ket qua kinh doanh quy ii cua nhieu ong lon
Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp

Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD) - ông lớn dầu khí một thời tiếp tục công bố kết quả kinh doanh thua lỗ. Trong quý I, công ty đã lỗ 200 tỷ đồng và sang quý II vừa qua báo lỗ sau thuế thêm 59 tỷ. Lũy kế 6 tháng LNST âm 273 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 116 tỷ đồng. Từ mức giá khoảng 23.000 đồng hồi giữa tháng 3, cổ phiếu PVD có lúc giảm xuống chỉ còn 13.000 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh PVD, một doanh nghiệp lớn khác trên thị trường nhưng ở trong lĩnh vực nông nghiệp, là Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) vừa báo lỗ 33 tỷ đồng quý II trong khi cùng kỳ lãi 199 tỷ đồng. Dabaco cũng như nhiều doanh nghiệp chăn nuôi và người nông dân đều lao đao trong 6 tháng đầu n ăm do giá heo lao dốc, thời điểm thấp nhất chỉ còn 19.000 đồng/kg.

Dabaco đặt mục tiêu lãi 320 tỷ đồng năm 2017 tuy nhiên lũy kế 6 tháng đầu năm Dabaco đã lỗ 20 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán xe, Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Mã: HAX) cũng bất ngờ báo lỗ hơn 7 tỷ đồng quý II trong khi cùng kỳ lãi 11 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên mà công ty chuyên phân phối dòng xe Mercedes này ghi nhận lỗ ròng, tính từ năm 2013 trở lại đây.

Việc lợi nhuận đột ngột giảm khiến cổ phiếu HAX liên tục bị bán tháo và nằm sàn 3 phiên liên tiếp sau thông tin về KQKD.

Bên cạnh các ông lớn kể trên, một số doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn vẫn chưa tìm được lời giải cho bài toán lợi nhuận. Vào diện kiểm soát từ 21/4 do LNST công ty mẹ và LNST chưa phân phối đến 31/12/2016 âm, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Mã: OGC) tiếp tục báo lỗ 300 tỷ đồng quý II nâng lỗ lũy kế lên đến 2.762 tỷ đồng và sắp chạm ngưỡng 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ.

Một công ty khác là Công ty cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (Mã: VOS) báo lỗ quý thứ 10 liên tiếp, nguy cơ hủy niêm yết đang cận kề. Doanh thu VOS tăng 17% so với cùng kỳ trong khi LNST âm 88,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm VOS lỗ hơn 172 tỷ đồng.

Tính đến hết quý II, VOS có khoản lỗ lũy kế gần 974 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ là 1.440 tỷ đồng thì khoản vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ còn 466 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp lớn bất ngờ báo lãi chưa bằng một nửa cùng kỳ

gam mau toi trong ket qua kinh doanh quy ii cua nhieu ong lon
Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp

Không chỉ các doanh nghiệp thua lỗ, nhiều doanh nghiệp có lãi nhưng mức lãi thấp cũng khiến nhà đầu tư thất vọng.

Do các dự án chưa bàn giao nên chưa được ghi nhận doanh thu, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Mã: FLC) trong quý II vừa qua chỉ báo lãi 5 tỷ đồng, và là doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận mạnh nhất, tỷ lệ lên tới 99%. Lũy kế 6 tháng, FLC lãi sau thuế 158 tỷ đồng, giảm 72% cùng kỳ và mới chỉ hoàn thành 16% kế hoạch năm.

Cũng trong lĩnh vực bất động sản, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (Mã: HAR) quý II vừa qua báo lãi sau thuế 9 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong suốt thời gian vừa qua, cổ phiếu HAR vẫn liên tục tăng trần trên thị trường chứng khoán, trở thành một trong số các mã tăng mạnh nhất sàn. HAR có lãi trở lại sau khi đã lỗ liền 2 quý trước đây.

Trong lĩnh vực hàng không, Tổng công ty Hàng không Viêt Nam - Vietnam Airlines (Mã: HVN) vừa công bố lợi nhuận giảm mạnh 85% so với cùng kỳ còn 77 tỷ đồng trong khi doanh thu tăng 14%. So với năm trước, Vietnam Airlines mất khoản lãi thanh lý tài sản cùng thu nhập khác. Đáng chú ý, tuy kinh doanh phân khúc cao cấp 4 sao nhưng biên lợi nhuận của Vietnam Airlines lại mỏng hơn so với hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air.

Với doanh nghiệp thực phẩm, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Mã: MSN) báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm ghi nhận lợi nhuận thuần hợp nhất sau lợi ích cổ đông thiểu số 455 tỷ đồng, giảm 56% cùng kỳ. Ngành hàng tiêu dùng và giá heo lao dốc là nguyên nhân khiến Masan thất thu trong năm nay, tương tự như những gì diễn ra tại Dabaco.

Tính riêng quý II, Masan đạt 218 tỷ đồng lợi nhuận sau lợi ích cổ đông thiểu sổ; giảm 72% cùng kỳ.

Tại lĩnh vực tôn mạ và thép, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) bất ngờ báo lãi quý III niên độ 2016 - 2017 chỉ đạt 271 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ cùng vay nợ tăng mạnh so với đầu năm. Điều này khiến cổ phiếu HSG bị bán tháo và liên tục giảm giá các phiên sau đó.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đầu ngành như Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (Mã: DQC), Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) hay Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (Mã: HHS) đều công bố lợi nhuận giảm trên 50% trong quý II vừa qua.

Hoàng Kiều