|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FPT 10 năm dậm chân tại chỗ và hành trình tìm lại vị thế số 1

08:00 | 06/09/2017
Chia sẻ
Hơn 5 năm trôi qua kể từ ngày ông Trương Gia Bình bất đắc dĩ ngồi trở lại chiếc ghế Tổng giám đốc Tập đoàn, FPT dường như dậm chân tại chỗ trong khi các đối thủ đã có những bước tiến vượt bậc. Sau căn bệnh "đột kim" tai hại, FPT vẫn đang loay hoay thoái vốn tại các lĩnh vực kinh doanh không phải cốt lõi, còn chủ tịch Trương Gia Bình sau nhiều năm cũng chưa tìm được đội ngũ kế cận có thể đem đến cho FPT những luồng gió mới. Con đường tìm lại vị thế số 1 xem ra vẫn còn rất dài. 
fpt 10 nam dam chan tai cho va hanh trinh tim lai vi the so 1
FPT từng nắm vị thế của doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường

Người FPT từng tự hào là doanh nghiệp công nghệ số 1 tại Việt Nam, tuy nhiên trải qua hơn 10 năm từ ngày lên sàn chứng khoán, thực tế cho thấy điều này không còn nữa.

Một doanh nghiệp vốn hóa thị trường 1,5 tỷ USD vào năm 2007, nay chỉ còn vỏn vẹn 1,14 tỷ USD. Chưa kể đến sự sụt giá của đồng tiền, đây quả thực là bước lùi lớn đối với FPT.

10 năm lên sàn, từ vị trí doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, nay FPT đành nhường ngôi cho Vinamilk – doanh nghiệp có vốn hóa thị trường tăng hơn 9 lần và đạt gần 9,7 tỷ USD.

Đáng nói hơn, giá trị vốn hóa của FPT hiện tại thậm chí còn thua kém cả người “đàn em sinh sau đẻ muộn" Thế giới Di động (MWG) với 1,48 tỷ USD.

fpt 10 nam dam chan tai cho va hanh trinh tim lai vi the so 1
Giá trị vốn hóa thị trường các doanh nghiệp tỷ USD (tính đến ngày 5/9).

FPT như một chiếc Fiat già cũ ì ạch trên đường đua, để cho hết xe này đến xe khác vượt mặt, chiếc xe đời mới với công nghệ tân tiến (MWG) hay là chiếc xe cùng thời nhưng mang trong mình động cơ siêu “khủng” như Vinamilk.

fpt 10 nam dam chan tai cho va hanh trinh tim lai vi the so 1
FPT đang bị những doanh nghiệp cùng thời bỏ xa, hay bị các "đàn em" vượt mặt

Vẫn là ông lớn hàng đầu Việt Nam trong làng công nghệ, bây giờ người ta quan tâm nhiều hơn đến cuộc cạnh tranh giữa FPT và MWG, chiến trường ở đây là mặt trận bán lẻ.

Không biết nên vui hay nên buồn khi một công ty có gốc công nghệ như FPT lại bị xếp vào nhóm cổ phiếu bán lẻ trên thị trường chứng khoán. Nó cho thấy việc ban lãnh đạo FPT đã có phần nào đó đi quá xa khỏi thế mạnh cốt lõi của mình.

“So găng” FPT - MWG, cú bứt phá “siêu tốc” của Thế Giới Di Động

fpt 10 nam dam chan tai cho va hanh trinh tim lai vi the so 1
Kết quả kinh doanh của FPT qua các năm. (Đvt: tỷ đồng).

Sau cú bước hụt dưới thời của CEO Trương Đình Anh năm 2012, FPT quay trở lại với đà tăng trưởng đều về doanh thu và lợi nhuận qua từng năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 11%/năm, trong đó tăng mạnh nhất vào giai đoạn 2013 – 2014 và có xu hướng chững lại thời gian gần đây.

Lợi nhuận gộp tăng trưởng tương đương, biên lợi nhuận dao động từ 19-21% cho thấy phần nào “ổn định” trong hiệu quả hoạt động của FPT. Tuy nhiên, cũng nhiều người không hề ngần ngại khi nói rằng “FPT đang ở thời kỳ dậm chân tại chỗ”.

fpt 10 nam dam chan tai cho va hanh trinh tim lai vi the so 1
Kết quả kinh doanh MWG qua các năm

Nhìn đến MWG, một điển hình cho mô hình tăng trưởng nhanh. Giao đoạn 2011-2016, doanh thu thuần của MWG đã tăng tới gần 9 lần đạt ngưỡng 45.612 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng 7,5 lần sau 6 năm.

Cú nước rút thần tốc của MWG thể hiện vào năm 2015, từ chỗ thua kém về doanh thu so với FPT (25.388 so với 38.707 tỷ đồng), MWG tăng gấp lên 1,8 lần sau một năm và vượt mặt người đàn anh FPT.

Đáng ghi nhận, MWG chỉ mất hơn 10 năm kể từ khi thành lập để đạt ngưỡng doanh thu trên 25.000 tỷ đồng, điều mà FPT đã phải mất khoảng thời gian gấp đôi mới có thể vươn tới được.

So về biên lợi nhuận gộp, giai đoạn sụt giảm hiệu quả hoạt động của MWG trước 2013 đã qua đi và kể từ đó đến nay là tăng trưởng. Việc biên lợi nhuận gộp của MWG tỏ ra thua kém hơn so với FPT bởi lẽ đặc thù của ngành kinh doanh bán lẻ là hiệu quả sinh lời không quá cao. Tuy nhiên nếu so sánh hiệu quả hoạt động của MWG với các doanh nghiệp cùng ngành khác, thì doanh nghiệp này vẫn cho thấy sự nổi trội.

Đào sâu hơn ở mảng bán lẻ, ngày 30/8 vừa qua, FPT Retail - đơn vị quản lý hệ thống FPT Shop lần đầu công bố báo cáo tài chính, ngay sau sự kiện CTCP FPT bán 30% vốn tại FPT Retail cho 2 công ty quản lý quỹ VinaCapital và Dragon Capital, hạ tỷ lệ sở hữu xuống còn 55% và giảm dần dưới 50% vốn.

Báo cáo bán niên khiến người ta có cái nhìn chi tiết hơn về sức khỏe FPT Retail cũng như hệ thống FPT Shop. Đồng thời là lời giải đáp cho câu hỏi: So với chuỗi Thegioididong.com, FPT Shop hiện đang đứng ở đâu?

Mặc dù báo cáo của FPT Retail cho thấy mức tăng trưởng khá tốt nhưng vẫn ở xa đối thủ Thế Giới Di Động và thua kém nhiều mặt. Nửa đầu năm 2017, doanh thu thuần FPT Retail đạt 6.355 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ; lãi sau thuế 113 tỷ, tăng 23%. Trong khi đó doanh thu của Thegioididong.com là 17.459 tỷ đồng; còn lãi sau thuế trên 1.300 tỷ đồng.

fpt 10 nam dam chan tai cho va hanh trinh tim lai vi the so 1
(Đvt: tỷ đồng). Xét các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh, FPT Shop cũng bị hệ thống của Thế giới di động cho “hít khói”.

FPT Shop có 438 cửa hàng trên toàn quốc.Trong khi đó, Thế Giới Di Động có 1.609 siêu thị, riêng chuỗi Thegioididong.com là 1.034 siêu thị, gấp đôi FPT Shop. Nếu tính về tuổi đời hoạt động thì hai hệ thống này chênh lệch không đáng kể.

fpt 10 nam dam chan tai cho va hanh trinh tim lai vi the so 1
Hệ thống cửa hàng của FPT và MWG.

Sự đối lập FPT - MWG và hành trình tìm lại vị thế số 1

Quay trở lại năm 2007, FPT thể hiện tham vọng đầu tư sang hàng loạt lĩnh vực ngoài công nghệ như chứng khoán có FPT Securities (vốn điều lệ 440 tỷ đồng thời điểm đó), quản lý quỹ FPT Capital (vốn lớn nhất thị trường 110 tỷ đồng), thậm chí đá chân qua lĩnh vực ngân hàng TPBank hay đầu tư bất động sản FPT Land.

Kết quả là các hoạt động kinh doanh ngoài ngành của FPT đều thất bại so với kỳ vọng. Một vị lãnh đạo FPT từng chia sẻ: “Sai lầm của chúng tôi là không tập trung vào sức mạnh cốt lõi và cho rằng mình cái gì cũng làm được”.

Nhìn sang MWG, cũng là chiến lược bành trướng hoạt động, mở rộng các lĩnh vực kinh doanh nhưng khác biệt nằm ở chỗ: Thế Giới Di Động mở rộng dựa trên nền tảng thế mạnh có sẵn là chuỗi bán lẻ hiện đại, khoa học cùng chiến lược truyền thông. Thành công của các chuỗi cửa hàng đi sau như Điện Máy Xanh hay Bách Hóa Xanh là minh chứng thuyết phục nhất cho nhận định này.

Ở Thế Giới Di Động, người ta chú trọng tính hiệu quả, phương châm của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cùng các thành viên trong hội đồng quản trị MWG là không ngừng đổi khác, tạo sự khác biệt. Tinh thần máu me, chịu chơi của đội ngũ lãnh đạo trẻ nhiều lần được thể hiện qua các thương vụ hợp tác cùng Hoàng Anh Gia Lai, hay mới đây là Bkav trong việc phân phối Bphone thế hệ thứ 2...

Những năm trở lại đây, sức ép từ cổ đông, thị trường, đối thủ cạnh tranh khiến FPT phải tập trung hoạt động hơn. Công ty bàn đến việc thoái vốn tại các công ty con trong nhiều lần đại hội. Những thương vụ đã nằm trong kế hoạch như thoái vốn TPBank, FPT Trading, hay bán 30% FPT Retail.

fpt 10 nam dam chan tai cho va hanh trinh tim lai vi the so 1 Tự nguyện hủy niêm yết trên HNX, Trần Anh sẽ bán trên 25% vốn cho Thế giới Di động
fpt 10 nam dam chan tai cho va hanh trinh tim lai vi the so 1 Nếu Thế Giới Di Động mua Trần Anh, điều gì sẽ xảy ra?

Ngược lại, MWG đẩy mạnh chiến lược M&A trong năm 2017. Mới đây, hệ thống chuỗi siêu thị Trần Anh đã được MWG đưa vào tầm ngắm thâu tóm. Với 2.500 tỷ đồng đã được cổ đông phê duyệt chỉ chờ thời điểm xuống tiền, MWG sẽ tăng cường sức mạnh của mình cho cuộc chiến giành thị phần điện máy miền Bắc.

Chưa dừng lại ở đó, ban lãnh đạo MWG cũng lên ý tưởng triển khai chuỗi phân phối dược phẩm. Công ty tự tin về khả năng quản lý hệ thống bán lẻ hiện đại của mình và hy vọng sẽ đem đến bộ mặt khác trong việc phân phối dược phẩm, ông Trần Kinh Doanh chia sẻ.

Những gì MWG làm sẽ phải đi trước đối thủ cạnh tranh từ 5 - 10 năm là điều mà ông Tài và Thế Giới Di Động luôn hướng tới.

Với FPT, chủ tịch Trương Gia Bình cùng các đồng sự lèo lái con thuyền FPT từ những ngày đầu thành lập, đưa FPT đến thời kỳ hoàng kim nhất với vị trí số 1 Việt Nam. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Tập đoàn cũng đã sớm nhận ra việc không thể giữ mãi vai trò điều hành của mình, cần có đội ngũ kế thừa để đưa FPT lên nấc thang tăng trưởng mới.

fpt 10 nam dam chan tai cho va hanh trinh tim lai vi the so 1
Ông Trương Đình Anh từng được kỳ vọng sẽ đem lại "làn gió mới" cho FPT

Năm 2011, tưởng chừng như công cuộc tái cơ cấu quản trị Tập đoàn phần nào được thực hiện khi ông Trương Đình Anh lên nắm quyền CEO, đời thứ 3 sau thế hệ ông Trương Gia Bình, Nguyễn Thành Nam.

Nhưng thời gian tại vị chỉ hơn 1 năm, đến tháng 9/2012, CEO Trương Đình Anh xin từ nhiệm với lý do những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành với Hội đồng quản trị FPT không thể giải quyết.

Chắc rằng, việc trở lại với chiếc ghế Tổng Giám đốc FPT ở tuổi 56 không phải là lựa chọn ưa thích của ông Trương Gia Bình, khi trước đó nhiều lần các cụm từ “trẻ hóa”, “cải cách”, “chuyển giao thế hệ” đã được HĐQT FPT nhắc tới.

Năm 2013, những tưởng FPT sẽ tìm được người trẻ gánh trọng trách, nhưng một lần nữa thế hệ lục tuần Bùi Quang Ngọc và FPT vẫn phải loay hoay trong việc tìm người kế vị.

Với Thế Giới Di Động, đội ngũ lãnh đạo đang ở độ chín muồi làm doanh nhân, ông Nguyễn Đức Tài sinh năm 1969, ông Trần Kinh Doanh (trợ thủ đắc lực) sinh năm 1973. Lứa tuổi không quá trẻ cũng chẳng quá già, thế hệ ngang hàng với những Trương Đình Anh ở FPT.

Chiếc Fiat FPT như đã nói, muốn chạy nhanh hơn phải vứt bỏ những phụ kiện không cần thiết, tinh giản bộ máy tối đa, cải thiện nâng cấp động cơ… nếu như không muốn để chiếc "siêu xe" MWG bỏ ngày một xa và những chiếc xe đua thế hệ mới cho "hít bụi" ở phía sau.

fpt 10 nam dam chan tai cho va hanh trinh tim lai vi the so 1 Bán vốn FPT Retail: Phát súng báo hiệu FPT quay lại mảng kinh doanh cốt lõi?

Kế hoạch thoái bớt vốn từ các công ty con đã được FPT đề cập từ năm 2014, tuy nhiên đến nay mới chính thức ...

fpt 10 nam dam chan tai cho va hanh trinh tim lai vi the so 1 ​Cựu CEO bỏ công ty sang làm start-up giáo dục

Anh Nguyễn Thành Lâm đột ngột từ nhiệm khi đang giữ vị trí CEO của FPT Software trong lĩnh vực phần mềm với gần 10.000 ...

Bạch Mộc