Nếu Thế Giới Di Động mua Trần Anh, điều gì sẽ xảy ra?
Ông Nguyễn Đức Tài cho biết: Thế Giới Di Động sẽ thâu tóm một chuỗi siêu thị điện máy tại miền Bắc |
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động - TGDĐ (Mã: MWG) cho biết sẽ lấy ý kiến cổ đông về phương án huy động 2.500 tỷ đồng cho thương vụ M&A một chuỗi siêu thị điện máy tại miền Bắc. Nhiều thông tin cho rằng TGDĐ đang nhắm đến CTCP Thế giới số Trần Anh (Mã: TAG) - đơn vị đang sở hữu chuỗi điện máy Trần Anh.
Nếu sáp nhập, thị phần điện máy của TGDĐ có thể nhiều hơn 30%
Theo thông tin công bố từ báo cáo thường niên năm 2016 của TGDĐ, Điện Máy Xanh đang chiếm thị phần hơn 16%. Khoảng 35% thị phần điện máy cả nước nằm trong tay các cửa hàng nhỏ lẻ bán hàng theo kiểu truyền thống, trong khi đó 49% thị phần còn lại thuộc các chuỗi siêu thị khác.
Ở một báo cáo của CTCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), Trần Anh chiếm thị phần dẫn đầu miền Bắc và khoảng 14% thị phần cả nước. Các hệ thống khác như Nguyễn Kim, Media Mart, Chợ Lớn… chiếm 35% thị phần.
Thị phần ngành bán lẻ điện máy Việt Nam năm 2016 (Nguồn: BCTN MWG và HSC) |
Như vậy, nếu sáp nhập xảy ra, riêng hệ thống của TGDĐ và Trần Anh đã chiếm 30% thị phần toàn quốc tính đến hết năm 2016, ngang ngửa với tất cả các chuỗi siêu thị còn lại cũng như tổng thị phần các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống.
Xét về độ phủ, hiện tại hệ thống siêu thị Điện Máy Xanh đã lên tới con số 449 siêu thị với hai siêu thị chuẩn bị khai trương mới. Do đó, Điện Máy Xanh sẽ sớm vượt mốc 450 siêu thị điện máy trên toàn quốc, so với chuỗi thegioididong.com, con số này đạt gần 1/2.
Sự phân bố các điểm bán hàng của Điện Máy Xanh trải dài từ Nam ra Bắc, tuy nhiên ở thị trường miền Nam chuỗi siêu thị này chiếm ưu thế rõ ràng hơn. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố tập trung nhiều điểm bán nhất với 45 siêu thị thời điểm hiện tại, Đồng Nai (20 siêu thị), Bình Dương (15 siêu thị) trong khi đó các tỉnh khác cũng tập trung bình quân từ 6 – 10 điểm bán trên hệ thống.
Trở ra thị trường miền Bắc, Điện Máy Xanh đang bị lép vế ở Hà Nội khi chỉ đang sở hữu 34 siêu thị. Mặc dù có tham vọng mở rộng cửa hàng tại Hà Nội nhưng ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc TGDĐ thừa nhận mở rộng điện máy ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn do bất động sản đắt đỏ, tìm kiếm mặt bằng lớn gặp khá nhiều khó khăn và nhất là ở khu vực trung tâm thì không hề dễ dàng.
Xem thêm: CEO Thế Giới Di Động đánh giá cao Trần Anh vì tính minh bạch, phù hợp chiến lược phát triển
Như vậy nếu sáp nhập với Trần Anh, Điện Máy Xanh sẽ có thêm 39 siêu thị của Trần Anh, trong đó bao gồm 14 siêu thị tại Hà Nội. Chưa kể, cả TGDĐ và Trần Anh cũng đã tiết lộ kế hoạch tăng cường điểm bán trên toàn quốc trong quý III và IV.
Cụ thể, Trần Anh dự kiến đến hết năm 2017 sẽ nâng tổng số siêu thị từ 43 - 45, tăng thêm 10 - 12 siêu thị trong năm 2017. Hệ thống của Trần Anh đang trải đều trên toàn miền Bắc và đã kéo dài đến Đà Nẵng vào năm 2016. Diện tích mỗi siêu thị từ 1.200 - 1.800 m2.
Quy mô các chuỗi siêu thị điện máy lớn tại miền Bắc (nguồn tổng hợp) |
Quy mô từng siêu thị điện máy của Trần Anh đều thuộc dạng lớn, diện tích mỗi siêu thị trong hệ thống khoảng từ 1.200 – 1.800 m2 và được đầu tư cơ sở hạ tầng, bãi đậu xe cùng không gian mua sắm rộng rãi cho khách hàng. So với những siêu thị của Điện máy xanh (chỉ 400 – 500 m2), diện tích từng đơn vị của Trần Anh gấp từ 3 – 4 lần.
Quy mô lớn đồng nghĩa với mặt hàng đa dạng, công ty có thể cung cấp phục vụ từ khách hàng cá nhân cho đến doanh nghiệp, ngoài ra Trần Anh dễ dàng tích hợp nhiều dịch vụ trong hệ thống của mình nhằm thu hút khách hàng.
Chuyển sang lĩnh vực bán lẻ điện máy từ cuối năm 2009, tính đến nay Trần Anh đã có kinh nghiệm gần 8 năm hoạt động trong lĩnh vực này. Năm 2013, Trần Anh ký kết hợp tác với nhà đầu tư chiến lược - Tập đoàn Nojima từ Nhật Bản. Tính đến ngày 31/6/2017, Nojima vẫn đang nắm giữ gần 31% vốn của Trần Anh, hiện tại hai bên cũng đang hợp tác mở một siêu thị thương hiệu chung tại Aoen Mall Long Biên.
Có vẻ như, Trần Anh là một cái tên triển vọng trong mục tiêu sáp nhập của TGDĐ không chỉ ở các lợi thế nêu trên. Ông Trần Kinh Doanh còn cho rằng Trần Anh có vẻ phù hợp hơn với TGDĐ vì là doanh nghiệp niêm yết, mọi thông tin công khai minh bạch. Làm việc với một đối tác mọi thứ minh bạch sẽ thích hơn, ông Doanh nói.
Trần Anh hiện nắm khoảng 14% thị phần điện máy toàn quốc |
Thử thách đặt ra với TGDĐ
Nhược điểm dễ dàng nhận ra đối với Trần Anh chính là tỷ suất lợi nhuận thấp. Doanh thu công ty mặc dù tăng trưởng mạnh qua từng năm và đạt hơn 4.100 tỷ đồng năm 2016, tuy nhiên khoản lợi nhuận sau thuế đem về của Trần Anh chỉ khoảng gần 22 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu chỉ khoảng 0,53%.
Trong khi đó năm 2016, TGDĐ đạt tổng doanh thu 45.612 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.577 tỷ, tỷ suất sinh lời trên doanh thu đạt 3,5%. Trong đó chỉ riêng hoạt động của Điện Máy Xanh đem về cho TGDĐ hơn 13.700 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Trần Anh qua các năm |
Cùng với đó, Điện máy xanh sẽ đồng thời tiếp nhận khối nhân sự của Trần Anh, ước tính 1.930 người thời điểm kết thúc quý I năm 2017 và liên tục tuyển mới. Hiện tại, bộ máy nhân sự của TGDĐ cũng đã đạt gần 30.000 nhân viên.
Bộ máy nhân sự của Trần Anh |
Không chỉ về bộ máy nhân sự, câu chuyện quản trị doanh nghiệp, quản lý chuỗi giữa Trần Anh và TGDĐ, nếu sáp nhập chắc hẳn sẽ cần sự thay đổi từ TGDĐ.
Để giải quyết các vấn đề này, trước mắt TGDĐ cần cải thiện lợi nhuận của Trần Anh lên mức tương đương mình. HSC cho rằng TGDĐ sẽ điều hành các cửa hàng hiện tại của Trần Anh và giữ nguyên thương hiệu trong vòng 12 - 18 tháng, nhưng công ty sẽ kiểm soát công tác quản lý.