FLC Faros - ví dụ điển hình vì sao quỹ ETF không nên đầu tư vào thị trường cận biên
Vào quỹ ETF: Khi đi trai tráng, khi về bùng beo?
Ngày đầu tiên của tháng 9/2016, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng Faros (sau đổi tên thành CTCP Xây dựng FLC Faros) lên sàn HOSE. Ngay sau đó ROS có 12 phiên tăng trần liên tục, 5 phiên tạm nghỉ rồi lại có chuỗi 8 phiên tăng trần liên tiếp nữa. Chỉ trong một tháng, giá cổ phiếu ROS tăng 225%, đưa vốn hóa thị trường của mã này lên 14.663 tỷ đồng.
Đáng chú ý hơn, trong giai đoạn hơn 3 tháng từ 14/12/2016 đến 18/3/2017: ngoài 1 phiên đứng giá, 1 phiên giảm nhẹ 0,6%, còn lại tất cả các phiên khác ROS đều đóng cửa trong sắc xanh.
Sau những đợt tăng nóng gần như không ngừng nghỉ, ROS được thêm vào danh mục 2 quỹ ETF ngoại hoạt động tại Việt Nam là FTSE Vietnam ETF và V.N.M ETF vào tháng 3 và 6/2017 - tức chỉ trong vòng 9 tháng sau khi lên sàn.
Theo ước tính của quỹ Tundra Fonder đến từ Thụy Điển, tính đến cuối tháng 11/2017, hai quỹ ETF này đã mua vào tổng cộng 8 triệu cp ROS.
Cũng theo Tundra, một quỹ đầu tư kiểu chủ động sẽ không mua cổ phiếu ROS vì công ty này có nhiều điểm đáng ngờ. Nhưng các quỹ ETF vẫn lao vào ROS vì cổ phiếu này đáp ứng đủ các tiêu chí kỹ thuật. Lãnh đạo Tundra Fonder sau đó đã viết một báo cáo phân tích có tựa đề: “Tại sao không nên đầu tư chỉ số ở các thị trường cận biên? Trường hợp quản trị doanh nghiệp của FLC Faros.”
Đồ thị giá cổ phiếu ROS với nhiều đường thẳng lên/xuống thể hiện các giai đoạn dài tăng/giảm liên tục, rất ít thấy ở các cổ phiếu vốn hóa lớn. Nguồn: Bloomberg, Tundra |
Các quỹ ETF và quỹ chỉ số đầu tư theo chiến lược mô phỏng biến động của một chỉ số chứng khoán. Tiêu chí lựa chọn cổ phiếu vào chỉ số và danh mục chỉ bao gồm các yếu tố kỹ thuật như vốn hóa, thanh khoản, thời gian niêm yết… chứ không bao gồm các yếu tố căn bản như doanh thu, lợi nhuận, cơ cấu vốn, triển vọng ngành, ban quản trị… Nói cách khác, có thể dự báo được một quỹ ETF sẽ thêm, bớt cổ phiếu nào và lãnh đạo doanh nghiệp biết cần phải làm gì để cổ phiếu công ty mình vào danh mục quỹ ETF. Trái lại, các quỹ đầu tư chủ động thường nghiên cứu nhiều tiêu chí cả kỹ thuật và cơ bản để tìm kiếm, lựa chọn cổ phiếu. Với trường hợp Tundra Fonder, quỹ này thường dựa trên hệ thống phân tích ESG (Economic – Social – Governance: Kinh tế - Xã hội – Quản trị) để ra quyết định đầu tư. |
Ảnh: Chu Toàn |
Cả "nhà" cùng tăng vốn
Chỉ trong 7 năm từ 2011 đến 2018, vốn điều lệ của ROS tăng từ 1,5 tỷ đồng lên 5.676 tỷ đồng thông qua các đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng.
Lịch sử tăng vốn điều lệ chóng mặt của Faros. (Kiên Dương tổng hợp) |
Năm 2015, Faros dùng hơn 3.300 tỷ đồng trong nguồn vốn của mình để ủy thác đầu tư cho một số công ty và cá nhân. Điều này được đơn vị kiểm toán lưu ý trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cuối năm.
Đáng nói là những cái tên trong danh sách nhận ủy thác của Faros năm 2015 đồng thời xuất hiện trong danh sách nhà đầu tư cá nhân mua cổ phần của CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) với giá cao hơn thị giá khoảng 40%, tổng trị giá khoảng 846 tỷ đồng.
FLC phát hành 300 triệu cổ phiếu gấp đôi thị giá, ai sẽ mua? |
Giữa Tập đoàn FLC và Faros không có quan hệ công ty mẹ-công ty con hay liên doanh liên kết nhưng cả hai đều có chung Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn là ông Trịnh Văn Quyết.
Làm việc cho “người nhà”
Một tín hiệu đáng ngại khác mà quỹ Tundra, cũng như nhiều nhà đầu tư trong nước, nhận thấy đối với Faros là việc phần lớn các dự án mà công ty này làm tổng thầu xây dựng đều có chủ đầu tư là Tập đoàn FLC.
Có thể kể tới các dự án lớn như: Quần thể FLC Quảng Bình, Tổ hợp FLC Đồ Sơn, Dự án FLC Ngọc Vừng, Khu công nghiệp FLC Hoàng Long, Dự án FLC Lux City Sầm Sơn (tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng), Dự án FLC Coastal Hill Quy Nhơn và Dự án FLC Sea Towers Quy Nhơn (7.000 tỷ đồng), FLC Garden City Nam Từ Liêm (3.500 tỷ đồng), Tổ hợp FLC Halong Bay (3.400 tỷ đồng), FLC Complex 36 Phạm Hùng (1.200 tỷ đồng), FLC Star Tower – Hà Đông, Hà Nội (1.100 tỷ đồng), …
Ngoài ra, Faros còn thực hiện các dự án khác do các bên liên quan đến FLC làm chủ đầu tư như Chung cư FLC Green Home có chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Tài chính và Quản lý Tài sản Magnus Capital (từng là cổ đông lớn của FLC, hiện sở hữu 4,72%), Khu đô thị chức năng FLC Lux City Quy Nhơn có chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Faros Bình Định – có người đại diện pháp luật là bà Vũ Đặng Hải Yến – Phó TGĐ Tập đoàn FLC.
Năm 2017, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Faros cho Tập đoàn FLC lên tới 1.613 tỷ đồng, chiếm 36,5% tổng doanh thu của Faros, chưa kể các bên khác có liên quan tới Tập đoàn FLC
Các nghiệp vụ của Faros với bên liên quan là Tập đoàn FLC. Nguồn: BTCT Faros hợp nhất kiểm toán 2017. |
Cơ cấu cổ đông siêu cô đặc
Cuối tháng 9/2016, Chủ tịch Faros là ông Trịnh Văn Quyết mua vào gần 100 triệu cổ phiếu ROS, nâng số lượng cổ phiếu năm giữ lên gần 280 triệu tương ứng tỷ lệ 65,01%. Vợ ông Quyết là bà Lê Thị Ngọc Diệp nắm giữ 4,7% cổ phần nữa. Như vậy riêng vợ chồng chủ tịch thời điểm đó đã nắm giữ tới 69,71% vốn điều lệ của công ty.
Đến tháng 6/2018, tỷ lệ sở hữu của vợ chồng ông Quyết bà Diệp tăng lên 72,04%. Công ty TNHH MTV FLC Land, công ty con do Tập đoàn FLC sở hữu 100%, sở hữu thêm 5,23% nữa. Như vậy, ông Quyết và các bên liên quan nắm giữ tới hơn 3/4 vốn điều lệ FLC Faros.
Cơ cấu cổ đông của Faros tháng 6/2018. Nguồn: VNDIRECT. |
Theo nhận xét của quỹ Tundra, với cơ cấu cổ đông cô đặc như vậy, cổ phiếu ROS rất dễ bị thao túng để buộc các quỹ ETF - cũng như hấp dẫn các nhà đầu tư thiếu hiểu biết - mua vào với giá cao.
Cụ thể, cuối năm 2017 có lúc cổ phiếu ROS có tỷ lệ P/E = 175 lần, P/B = 17,6 lần – đều là những mức cao không tưởng, nhưng các quỹ chỉ số ETF vẫn phải mua vào vì ROS đáp ứng đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật, còn căn bản ra sao thì các quỹ ETF không quan tâm.
Ở thời kỳ đỉnh cao phong độ, ROS là cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 7 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chiếm tỷ trọng 7,5% chỉ số FTSE Vietnam Index, 3,6% chỉ số VN-Index, 0,8% chỉ số thị trường cận biên MSCI. Giá cổ phiếu ROS càng lên cao, vốn hóa càng lớn, các quỹ chỉ số ETF và chỉ số càng phải mua thêm nhiều cổ phiếu ROS.
Tuy nhiên sau khi đạt đỉnh 178.420 đồng/cp vào tháng 11/2017, cổ phiếu này rơi vào xu hướng giảm dài hạn và kết phiên 26/6, giá chỉ còn 46.00 đồng/cp (giá sau điều chỉnh).
Diễn biến bất thường, giảm sâu tăng sốc của cổ phiếu ROS khiến nhiều nhà đầu tư liên tưởng đến các cổ phiếu đầu cơ khác cùng có liên quan đến CTCP Tập đoàn FLC (hay ‘"họ FLC") như KLF, HAI đồng thời đặt câu hỏi: Liệu giá cổ phiếu ROS có về dưới mệnh giá như những người anh em của mình?
Diễn biến giá cổ phiếu KLF, HAI. Nguồn: VNDIRECT. |