|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dư địa cho hàng Việt tại thị trường nội địa rất lớn

07:03 | 29/11/2018
Chia sẻ
Các cuộc điều tra dư luận xã hội đều cho kết quả tích cực khi có tới 63% người tiêu dùng xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên hàng Việt, 54% người khuyên người thân, bạn bè mua hàng Việt… Nhưng chúng ta vẫn chưa phát huy hết dư địa dồi dào này.

Đó là thông tin từ buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nhân lên niềm tự hào hàng Việt" do Báo Hà nội mới đã tổ chức chiều 28/11.

du dia cho hang viet tai thi truong noi dia rat lon

Sản phẩm tốt nhưng cần đổi mới công tác tuyên truyền.

Sau 9 năm tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã có gần 800 lượt DN được công nhận sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, các sản phẩm và thương hiệu nội địa đã trở lên gần gũi hơn với người tiêu dùng. Các doanh nghiệp (DN) trong nước đang trên đà định vị thương hiệu, khẳng định vị thế của mình nhờ phát triển toàn diện về hình thức, chất lượng và giá cả của sản phẩm để cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội - chia sẻ: TP.Hà Nội đã rút ra nhiều kinh nghiệm để mỗi năm tổ chức tốt hơn năm trước. Cuộc bình chọn danh hiệu "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" năm 2018 có nhiều điểm mới so với những năm trước, như: Công tác truyền thông cho chương trình bình chọn đã được đẩy mạnh thực hiện trước, trong và sau chương trình bằng hình thức online và offline. Theo đó, cuộc bình chọn được tuyên truyền qua truyền hình, báo chí, mạng xã hội Facebook, website binhchonhangviet.com.vn, liên kết truyền thông với các DN, tổ chức liên quan. Bên cạnh đó, cuộc bình chọn cũng được tổ chức tại các khu dân cư, siêu thị BigC… để người dân có thể nghiên cứu sản phẩm và tham gia bình chọn, và đã thu được hơn 50.000 lượt bình chọn, tăng gấp 9 lần so với những năm trước….

Tại tọa đàm, đại diện nhiều DN cũng khẳng định vai trò hết sức rõ nét và hiệu quả của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong việc thúc đẩy phát triển của DN.

Là DN có sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội, nhiều năm liền được bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt-Tiệp - chia sẻ:

"Chúng tôi luôn xác định đầu tư những thiết bị hiện đại để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Qua đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao, nhưng giá thành lại giảm trung bình 10% để phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Ngoài ra, công ty còn mở rộng hệ thống bán hàng, lập thêm các chi nhánh để kịp thời đưa sản phẩm đến người tiêu dùng nhanh nhất".

Có thể thấy, trên chặng đường hơn 9 năm thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cả cơ quan quản lý và DN đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đáng chú ý, bên cạnh sự phát triển tích cực, thương mại điện tử cũng không tránh khỏi còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực: tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp... thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng đe dọa đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng.

Thông tin tại tọa đàm cũng cho hay, các cuộc điều tra dư luận xã hội đều cho kết quả tích cực khi có tới 63% người tiêu dùng xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên hàng Việt, 54% người khuyên người thân, bạn bè mua hàng Việt…

Để có định hướng tiêu dùng tốt hơn, thúc đẩy nhiều hơn sự có mặt của hàng Việt trong mỗi gia đình, để việc “Nhân lên niềm tự hào hàng Việt” không phải là khẩu hiệu suông, ông Nguyễn Minh Vịnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Bắc Từ Liêm cho rằng, việc này đòi hỏi nhà sản xuất, kinh doanh phải thực sự có tâm với sản phẩm của mình, bảo đảm chất lượng, mẫu mã, an toàn. Nhưng chỉ sản phẩm tốt thôi chưa đủ. Cần tuyên truyền quảng bá các sản phẩm, nhất là các mặt hàng truyền thống bằng nhiều hình thức như hội thi, trưng bày giới thiệu sản phẩm tại lễ hội truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó là tổ chức thông tin trên các trang mạng xã hội, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Bà Trần Thị Phương Lan nhận định, những năm trước, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, hữu hiệu nhưng đến thời điểm này, cần phải đổi mới để Cuộc vận động đi vào chiều sâu, có tầm, xứng với tên gọi, đúng với thời kỳ đất nước đang hội nhập sâu rộng, đặc biệt trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Ban chỉ đạo Cuộc vận động và các sở ngành đặt vấn đề đổi mới tuyên truyền lên hàng đầu để tập trung vào những lĩnh vực hỗ trợ giúp DN từ khâu sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tạo điều kiên hỗ trợ, giúp DN đứng vững trong thị trường nội địa và quốc tế. “Hiện các sản phẩm nhập ngoại chiếm 15%, dư địa 85% cho sản phẩm nội. Nếu không có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước và sự nỗ lực của DN thì sẽ không giữ được thị phần như hiện nay”, bà Lan nói

Bà Trần Thị Phương Lan kiến nghị, thành phố vẫn phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN trong từng lĩnh vực cụ thể như mặt bằng sản xuất, vốn, cơ chế chính sách. Cạnh đó, thành phố hỗ trợ bằng nhiều chương trình xúc tiến thương mại để giúp DN có sản phẩm thương hiệu Việt. Đó là những giải pháp cứng. Còn giải pháp nữa không thể bỏ qua là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường cả trên thị trường truyền thống và thị trường "online" để bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng trên địa bàn thành phố.

Xem thêm

Lê Hậu