Dự án Đặc khu Vân Đồn đã đầu tư 55.000 tỷ đồng kết nối hạ tầng
Bộ Chính trị, Chính phủ chủ trương thành lập 3 ĐVHCKTĐB gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa). Đại biểu Đỗ Thị Lan cho biết, qua thực tế tại huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, cho đến nay Quảng Ninh đã có quá trình xây dựng đề án, nghiên cứu và học tập các nước, cũng như vừa làm vừa báo cáo Bộ Chính trị.
“Chúng tôi thấy Quảng Ninh cũng đã chuẩn bị các bước cơ bản đảm bảo điều kiện để khi Quốc hội thông qua Luật ĐVHCKTĐB thì có thể tổ chức thực hiện được ngay.”, Đại biểu Lan khẳng định.
Đề án Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn được thực hiện từ năm 2012, khi đó Quảng Ninh chỉ đạo xây dựng tổng thể kế hoạch phát triển KT-XH và nhận thấy Vân Đồn có đủ điều kiện để trở thành Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, có thể kết nối với Trung Quốc và các thị trường phát triển trên thế giới, vị trí gần cửa khẩu, có giao thông thuận lợi cả về đường hàng không, đường biển và đường bộ.
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.
Vân Đồn có cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, không chỉ Bái Tử Long là kỳ quan thiên nhiên mà còn kết nối với Vịnh Hạ Long, kỳ quan thiên nhiên của thế giới, có thể thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, thu hút các NĐT.
Đại biểu Lan cho biết, Quảng Ninh cũng đã nghiên cứu trên cơ sở học tập các nước, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà kinh tế, nhà khoa học đồng thời mời tư vấn nước ngoài tham gia xây dựng, nên đã học tập được kinh nghiệm của các nước, phục vụ xây dựng đề án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Quảng Ninh cũng đã chủ động xây dựng hạ tầng thiết yếu chuẩn bị cho việc thu hút các NĐT.
“Cho đến nay hạ tầng thiết yếu đã kết nối với các địa phương khác đã được đầu tư lên đến 55.000 tỷ đồng. Ngoài ra các dự án thu hút NĐT tiềm năng đạt khoảng gần 100.000 tỷ đồng để kết nối lan tỏa. Quảng Ninh cũng đã xây dựng các đề án, tính đến yếu tố đảm bảo an ninh quốc phòng, phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong việc đảm bảo chủ quyền quốc gia, cũng như vấn đề liên quan đến lao động di cư, NĐT nước ngoài”.
Cũng theo bà Lan, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có bước chuẩn bị kế hoạch đề án nguồn nhân lực chất lượng cao, đề án đảm bảo an sinh xã hội và tạo việc làm cho dân cư trên địa bàn. Đặc biệt, tỉnh cũng đã lấy ý kiến nhân dân về việc đồng thuận xây dựng đơn vị HCKTĐB, kết quả là có đến 99% người dân trên địa bàn đồng thuận với đề án.
Tại phiên thảo luận, Đại biểu Lan đề nghị quy định trong luật để Quảng Ninh có thể để lại ngân sách của tỉnh để đầu tư cho hạ tầng của ĐVHCKTĐB trong những năm đầu, cũng như cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn lực rõ cho ĐVHCKTĐB.