Đời sóng gió và mưu lược của nữ tỷ phú USD tự thân đầu tiên ở Nhật
8 tư duy khác biệt của các tỷ phú |
Là nữ tỷ phú USD tự thân đầu tiên của Nhật Bản từ tháng 1/2017, Yoshiko Shinohara sáng lập tập đoàn Temp Holdings, một công ty đại chúng giao dịch trên sàn chứng khoán Tokyo. Cha mất sớm, gia đình khó khăn nên bà chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học rồi kết hôn. Hành trình khởi nghiệp của nữ tỷ phú bắt đầu khi bà ly hôn chồng. Sự kiện đó khiến người thân của bà sốc.
"Chẳng bao lâu sau đám cưới, tôi nhận ra tôi không nên kết hôn với người đàn ông ấy. Đó không phải là người phù hợp với tôi. Vì thế tôi quyết định ly hôn càng sớm càng tốt", Shinahara kể với tạp chí Harvard Business Review vào năm 2009.
Sau khi ly hôn, Shinohara quyết định tự gây dựng sự nghiệp cho bản thân. Nhận thấy phần lớn phụ nữ Nhật Bản thời ấy phải đảm nhận những công việc buồn tẻ, đơn điệu, bà rời Nhật Bản và chuyển tới châu Âu. Trong môi trường mới, bà trải nghiệm khái niệm "người lao động thời vụ". Thực tế ấy truyền cảm hứng để bà trở thành một doanh nhân.
"Những sai lầm tạo ra vô số cơ hội", bà khẳng định với Harvard Business Review.
Nữ doanh nhân Yoshiko Shinohara, tỷ phú tự thân đầu tiên của Nhật Bản, đã tạo nên cuộc cách mạng đối với lực lượng lao động của xứ sở hoa anh đào. Ảnh: AP |
Quay lại Nhật Bản vào năm 1973, Shinohara nhận thấy bà không có hứng thú với bất kỳ công việc nào mà bà gặp. Vì thế, bà quyết định thành lập công ty cung cấp người lao động nữ làm việc bán thời gian. Công ty ra đời trong một căn hộ có một phòng ngủ ở thành phố Tokyo.
Cung cấp người lao động bán thời gian là một rủi ro trong thập niên 70. Thậm chí dịch vụ ấy còn trái pháp luật.
"Làm việc trọn đời là khái niệm hằn sâu vào tiềm thức của người Nhật Bản, và luật cấm công ty tư nhân cung cấp người lao động bán thời gian. Vì thế, giới chức thường xuyên triệu tập tôi để chất vấn. Hồi ấy tôi từng tự đặt những câu hỏi như: Cuộc sống trong tù thế nào nhỉ? Những xà lim rộng đến mức nào? Xà lim có toilet hay cửa sổ không?", nữ tỷ phú kể.
May mắn thay, cuối cùng luật thay đổi và làm việc bán thời gian trở thành hành vi hợp pháp.
Chia sẻ lý do khởi nghiệp, bà Shinohara nói: "Giáo dục và việc làm cho phụ nữ luôn là mối quan tâm thường trực của tôi. Tôi mong muốn tìm ra giải pháp giúp những phụ nữ đã có gia đình có thể vừa đi làm vừa nuôi dạy con".
Ý tưởng cung cấp nguồn lao động thời vụ của bà Shinohara đã giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân sự trong xã hội Nhật. Thông thường, phụ nữ Nhật Bản sẽ nghỉ làm sau khi kết hôn, khiến lực lượng lao động giảm dần. Đồng thời đến độ tuổi nhất định, phụ nữ Nhật cũng khó có cơ hội tìm được công việc phù hợp.
Khi mới thành lập, công ty của bà Shinohara phát triển khá chậm. Để có tiền trang trải chi phí và duy trì hoạt động, bà phải đi dạy thêm tiếng Anh vào buổi tối. Sau 5 năm, công ty mới có đủ tiền để thuê văn phòng đầu tiên.
Yoshiko Shinohara không tái hôn và không có con. Ảnh: AP |
Quyết định gây sốc thứ hai của Shinohara là tuyển nam giới vào công ty. Tới tận thập niên 80, toàn bộ nhân viên của Temp Holdings đều là phụ nữ.
"Vào năm 1988, tôi nói: Tình hình sẽ thế nào nếu tôi đưa một số người đàn ông vào công ty. Các cán bộ quản lý đáp: Không, cám ơn giám đốc. Chúng tôi không cần nhân viên nam", bà hồi tưởng.
Song Shinohara tin rằng công ty cần đàn ông, bởi một chi nhánh đã thuê một nhân viên nam theo chế độ bán thời gian và doanh số tăng vọt.
"Đấy là bước ngoặt. Việc mà tôi cần làm là duy trì tỷ lệ nam - nữ hợp lý", bà nói.
Shinohara nghỉ hưu từ năm 2017 ở tuổi 83 và giữ chức chủ tịch danh dự của Temp Holdings. Công ty có 16.542 nhân viên toàn thời gian và 21.000 nhân viên bán thời gian, theo thông tin trên trang web của công ty. Doanh thu của công ty trong năm 2016 là 4,5 tỷ USD.
Xem thêm |