|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Nữ hoàng rác' gốc Việt: Bị coi là điên khi làm công việc chủ yếu cho nam giới, trở thành triệu phú USD tại Australia

13:30 | 21/04/2022
Chia sẻ
Khi bước chân vào con đường kinh doanh, một mình nữ doanh nhân gốc Việt này đã kiêm nhiệm tất cả các vị trí, từ nhân viên thu gom rác cho tới kế toán, CEO nhằm giúp công ty tiết kiệm chi phí.

Nữ doanh nhân gốc Việt có tên Le Ho, 42 tuổi mới đây đã gây chú ý với truyền thông Australia khi thực hiện thương vụ mua lại bất động sản với giá khoảng 5,9 triệu AUD (4,35 triệu USD). Đáng chú ý, tại xứ sở chuột túi, Le Ho còn có biệt danh là “Garbage Queen”, tạm dịch là “Nữ hoàng rác thải”, theo The Sydney Morning Herald.

Bắt đầu kinh doanh đồ cưới

Le Ho đã cùng gia đình tới Australia từ khi còn nhỏ. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nữ doanh nhân gốc Việt đã thể hiện tinh thần đam mê kinh doanh. Cô bắt đầu bước chân vào thế giới kinh doanh bằng việc mở một cửa hàng đồ cưới vào năm 20 tuổi.

"Trong thời gian 6 năm, từ cửa hàng ban đầu, tôi đã có thêm 6 cửa hàng mới trên khắp Australia. Tuy nnhiên, thị trường thương mại điện tử bùng nổ và việc mua sắm trên internet dần trở nên phổ biến đã khiến mọi thứ thay đổi đáng kể”, Le Ho nhớ lại.

 Le Ho, "nữ hoàng rác" gốc Việt. (Ảnh: SMH).

Đó là lý do mà nữ doanh nhân này quyết định tìm kiếm một lĩnh vực kinh doanh mới mà trong bất kỳ thời điểm nào, hay ở một nền kinh tế nào, nhu cầu về ngành đó vẫn luôn có.

Sau đó, cô đã tìm ra hướng đi của mình trong thời gian thực hiện công việc giám sát kinh doanh hộ một người bạn đang đi công tác nước ngoài. Công ty mà cô giám sát hộ có tên Capital City, một đơn vị quản lý và xử lý chất thải.

Công ty thua lỗ 20.000 USD/tháng

Năm 2010, Le Ho đã mua lại cổ phần của công ty quản lý chất thải Capital City có trụ sở tại thành phố Sydney, Australia với giá 50.000 USD. Cô kể lại vào thời điểm đó, công ty đang đứng trước bờ vực phá sản khi thua lỗ 20.000 USD/tháng.

"Tôi đã quyết định mạo hiểm và chấp nhận rủi ro để mua lại Capital City. Đó là một bước nhảy vọt. Tôi phải chấp nhận việc có thể thua lỗ liên tục nếu các chiến lược của tôi không hoạt động hiệu quả. May mắn thay, ngay trong tháng đầu tiên, tôi đã xoay sở để đạt được điểm hòa vốn”, nữ doanh nhân gốc Việt kể lại.

Sau đó, nhằm tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, Le Ho đã đảm nhận mọi vai trò trong công việc kinh doanh, từ kế toán, bán hàng cho tới cả việc lái xe vận chuyển.

Cô điều hành Capital City từ chính chiếc ô tô của mình, bắt đầu một ngày bằng việc thu gom rác thải, sau đó thay quần áo để đi họp và tìm kiếm khách hàng mới. Đến tối, cô dành thời gian để đọc sách và cuối cùng là xem các email trong ngày.

"Đối với tôi, đó là khoảng thời gian làm việc 18 giờ một ngày trong 12 tháng đầu tiên lên nắm quyền”, Le Ho chia sẻ.

Le Ho bị rất nhiều người nghi ngờ khi mới bước chân vào nghề được hiểu là dành cho nam giới. (Ảnh: SMH).

Thực tế, Le Ho đã chọn đúng ngành nghề để theo đuổi. Dựa trên phân tích của IBISWorld, định giá cho dịch vụ thu gom chất thải rắn trong giai đoạn 2015 – 2016 là 6,2 tỷ USD. Trong tương lai, dịch vụ này dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm rơi vào khoảng 3,8%.

“Thời gian đầu, có rất nhiều người từ chối giao dịch với tôi vì họ nghĩ rằng tôi đang làm một công việc đáng lẽ nên dành cho đàn ông. Là người Việt Nam nhập cư, tôi gặp phải các vấn đề khác nhau. Họ nghi ngờ một ngày nào đó tôi sẽ thất bại”, Le Ho kể về những khó khăn trong ngày đầu. Không những vậy, cô còn bị phân biệt đối xử khi làm công việc này.

“Với tuổi đời còn trẻ khi tôi làm chủ một doanh nghiệp quản lý chất thải, tôi đã luôn phải giao dịch với những người đàn ông ở độ tuổi 50 và 60, những người đã làm việc trong ngành từ 30 đến 40 năm và có rất nhiều kinh nghiệm. Họ cá rằng tôi sẽ không trụ được lâu, nhưng tôi rất quyết tâm chứng minh cho họ thấy tôi có thể làm được những gì”, Le Ho cho biết.

Chính những khó khăn và sự nghi ngờ này đã trở thành động lực để giúp Le Ho có thể thức dậy hàng ngày vào lúc 6 giờ sáng và tiếp bước hành trình của mình.

Sau 5 năm, Ho đã đưa Capial City trở thành công ty xử lý rác thải có giá trị hàng triệu USD. Năm 2015, cô cũng lọt vào danh sách 29 nữ doanh nhân tiêu biểu của cuốn sách If She Can I Can. Sau này, cô đã bán lại Capital City với giá 7,4 triệu USD để có thể dành thêm thời gian cho gia đình.

Hành trình may mắn

Chia sẻ về hành trình đến với Australia, Le Ho cho biết gia đình cô là một trong số ít những người may mắn đến được đây. Chính sự can đảm của cha mẹ đã truyền cảm hứng cho nữ doanh nhân sau này.

“Tôi phải đối mặt với những rào cản khi là một người nhập cư từ Việt Nam, là một phụ nữ trong ngành công nghiệp do nam giới thống trị và là người châu Á, điều chưa từng được nghe đến trước đây.

Tôi nghĩ rằng Australia chắc chắn đang thay đổi, khi tôi lớn lên, bố mẹ tôi nói với tôi rằng tôi cần phải học, vào đại học, lấy bằng cấp và tìm một người chồng để chăm sóc tôi suốt đời. Tuy nhiên khi lớn lên, tôi đã nhìn thấy cơ hội. Australia đem đến cho tôi nhiều cơ hội. Tại đây, bất cứ điều gì mà nam giới làm được, tôi cũng có thể làm được”, Le Ho nhấn mạnh.

Con trai của Ho chỉ mới 6 tháng tuổi khi cô tiếp quản Capital City và cô nói rằng đó là một thách thức để tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa việc và cuộc sống gia đình.

Lời khuyên cho người trẻ

"Thế hệ mới đang tiến về phía trước. Chúng tôi có thể kết hôn, chúng tôi có thể có con và chúng tôi cũng có thể là doanh nhân, Le Ho chia sẻ về phụ nữ hiện đại.

 

Ngoài ra, cô cũng đưa ra lời khuyên cho những người khác rằng bất kỳ ai đam mê với công việc kinh doanh gì, hãy cứ bắt tay vào làm. “Thời điểm ban đầu, cứ 10 người thì có tới 9 người cho rằng tôi bị điên. Tôi đã kiên trì và bền bỉ với công việc mình chọn. Kết quả đã chứng minh rằng nếu bạn làm điều gì đó bằng cả trái tim, bạn có thể đạt được ước mơ”, theo Le Ho.

Doanh Chính