Doanh nghiệp tăng vốn khủng: Muôn màu muôn vẻ
Ngân hàng tăng vốn trong "một nốt nhạc"
Thời gian vừa qua Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – Mã: TCB) gây chú ý trong giới nhà đầu tư với động thái tăng vốn điều lệ “khủng”, từ 11.655 tỷ lên 34.965 tỷ đồng, tức gấp 3 lần.
Để tăng vốn, Techcombank phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 200% với 3 nguồn vốn thực hiện là lợi nhuận giữ lại 5.828 tỷ đồng; quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 3.497 tỷ đồng; và thặng dư vốn cổ phần 13.986 tỷ đồng.
Trong đó, giá trị lợi nhuận giữ lại lớn là do ngân hàng “tích cóp” trong 6 năm liền không trả cổ tức, thặng dư vốn cổ phần “hoành tráng” đến từ thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ từ đối tác Ngân hàng HSBC với giá hời chỉ 23.345 đồng/cp.
Bản chất việc tăng vốn của Techcombank chỉ là vấn đề về thủ tục và bút toán kế toán vì tiền đã nằm trong tay Techcombank, ngân hàng chỉ hạch toán chuyển từ khoản mục này sang khoản mục khác, còn cổ đông không phải góp thêm tiền.
Tại đại hội cổ đông bất thường, Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết việc tăng vốn thông qua chia cổ phiếu lần này không chỉ tăng tính thanh khoản, tạo thuận lợi cho cổ đông và nhà đầu tư, mà còn có tác dụng “chuyển đổi nguồn vốn chủ sở hữu có sẵn của ngân hàng thành vốn có thể sử dụng đầu tư, hoặc cho vay tín dụng, nâng hạn mức tín dụng tối đa của Techcombank đối với các khách hàng".
Theo Điều 128 Luật các tổ chức tín dụng 2010, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại. Với quy mô vốn điều lệ cũ là 11.655 tỷ, Techcombank chỉ được cho một khách hàng vay tối đa khoảng 1.750 tỷ đồng. Với quy mô vốn mới, một khách hàng của Techcombank có thể vay tối đa gần 5.250 tỷ đồng. |
Cũng tăng vốn nhưng với quy mô nhỏ hơn là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB). Đầu tháng 7, VPBank phát hành hơn 925 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 15.706 tỷ lên gần 25.300 tỷ đồng, nguồn lấy từ Quỹ dự trữ bổ sung và Thặng dư vốn cổ phần.
Chủ tịch VPBank ông Ngô Chí Dũng cho biết: “Mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa yêu cầu VPBank phải áp dụng Basel II, nhưng trong nội bộ ngân hàng đã chủ động thực hiện trước việc tăng vốn để đáp ứng”.
Nhiều doanh nghiệp tăng vốn với tốc độ phi mã. Minh họa: Chu Toàn. |
Tăng vốn kiểu FLC: Nhiệm vụ khó khả thi
Nếu như động thái tăng vốn của Techcombank hay VPBank chỉ là một bút toán trên sổ sách thì kế hoạch tăng vốn của CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết lại đòi hỏi phải có “tiền tươi thóc thật”.
Đại hội cổ đông thường niên 2018 của FLC đã thông qua kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp để huy động 3.000 tỷ đồng đầu tư dự án FLC Quảng Bình.
Nếu thành công, vốn điều lệ của FLC sẽ tăng từ gần 7.100 tỷ hiện nay lên gần 10.100 tỷ đồng.
Khác với tăng vốn điều lệ qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn thông qua chào bán kiểu FLC đòi hỏi cổ đông hiện hữu phải “móc hầu bao”.
Nếu giá phát hành thấp hơn thị giá thì việc chào bán sẽ khá đơn giản, nhưng giá cổ phiếu FLC hiện chỉ khoảng 5.000 đồng/cp – chỉ bằng một nửa giá chào bán. Liệu các cổ đông hiện hữu có sẵn lòng đưa cho Tập đoàn FLC 10.000 đồng để đổi lấy một cổ phiếu đang có giá khoảng 5.000 đồng trên sàn chứng khoán?
Một công ty khác có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết là CTCP Chứng khoán Artex (Mã: ART) cũng đang có kế hoạch chào bán gần 108,7 triệu cổ phiếu – tương ứng tỷ lệ 350% - cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp để tăng vốn điều lệ. Ngày 19/7 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận quyền mua cổ phiếu phát hành thêm.
Kết phiên 17/7, giá ART ở mức 11.400 đồng/cp, cao hơn giá chào bán 14%. Tuy vậy nhìn lại lịch sử giao dịch từ đầu năm tới nay, ART thường xuyên ở dưới mệnh giá, chỉ thi thoảng “ngoi lên” rồi lại quay đầu đi xuống. Do vậy, mức giá 10.000 đồng/cp chưa chắc đủ sức thuyết phục cổ đông hiện hữu “xuống tiền”.
Diễn biến giá cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Nguồn: VNDIRECT. |
Những thương vụ chào bán thất bại vì giá chào bán thiếu hấp dẫn không phải là hiếm. Năm 2016, cổ đông hiện hữu của chính tập đoàn FLC chỉ mua 24,6 triệu cổ phiếu trong tổng số 179,6 triệu cổ phiếu được tập đoàn này chào bán với giá cao hơn thị giá 40%.
Gần đây hơn vào tháng 6 vừa qua, cổ đông của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Mã: SCR) không mua hết số cổ phần mà công ty này chào bán để tăng vốn điều lệ trong bối cảnh giá chào bán cao hơn thị giá.
Tăng vốn kiểu Cencon: Nhiều dấu hiệu bất thường
Tại đại hội đồng cổ đông tổ chức tháng 3 vừa qua - chỉ vài tháng trước khi cổ phiếu bắt đầu giao dịch trên UPCoM, CTCP Cencon Việt Nam đổi tên thành CTCP Dịch vụ Hàng không Cencon Việt Nam (Mã: CEN). Đồng thời, công ty lên kế hoạch tăng vốn điều lệ gấp 22 lần, từ 13 tỷ đồng lên gần 300 tỷ đồng trong năm nay theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Đáng chú ý, tuy đổi tên thành "dịch vụ hàng không" nhưng Cencon lại dự tính dùng toàn bộ số vốn 286 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành để ... trồng rừng kinh tế tại khu vực tỉnh Hà Giang.
Nhiều nhà đầu tư chắc hẳn còn nhớ màn tăng vốn ngoạn mục của CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (Mã: VPI) trước khi niêm yết.
Khi mới thành lập năm 2008, vốn điều lệ ban đầu của Văn Phú chỉ là 45,8 tỷ đồng. Hơn 9 năm sau, vào tháng 7/2017, con số này đã tăng 35 lần thông qua các đợt phát hành cổ phiếu lên 1.600 tỷ đồng.
Riêng lần tăng vốn "khủng" trước thềm niêm yết, chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 7/2017, Văn Phú Invest tăng vốn mạnh gấp 6 lần từ 262 tỷ lên 1.600 tỷ đồng thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Đáng nói là Chủ tịch HĐQT Tô Như Toàn và người nhà đã bỏ tiền ra mua và nắm giữ tới gần 84% số vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng của Văn Phú.
Ngay sau khi tăng vốn, Văn Phú lập tức tiến hành bù trừ công nợ, thanh toán các khoản vay cá nhân, ngân hàng; góp vốn vào các công ty như Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển thương mại Văn Phú, Công ty Cổ phần Văn Phú số 1, ...
Theo lẽ thường, tăng vốn là để phục vụ mục đích tăng quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp coi tăng vốn là nhằm mục đích làm đẹp hình ảnh rồi đưa lên sàn, kiếm lợi cá nhân, vốn đi lòng vòng qua các công ty sân sau, không đi vào thực chất hoạt động kinh doanh.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2018 của Ủy ban Chứng khoán gần đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán cùng với các Sở giao dịch củng cố việc xét duyệt hồ sơ niêm yết, đăng ký giao dịch cũng như tăng kiểm tra, giám sát quá trình tăng vốn và sử dụng vốn trước khi đăng ký giao dịch và niêm yết để tăng chất lượng hàng hóa cho thị trường.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/