|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp đòi nợ thuê chuẩn bị gì trước khi qui định cấm đòi nợ thuê có hiệu lực?

07:02 | 29/06/2020
Chia sẻ
Trước khi qui định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có hiệu lực, theo anh Nguyễn Quốc Khánh (Công ty Đòi nợ thuê A.K ở TP HCM), công ty sẽ rà soát lại toàn bộ các hợp đồng đang thực hiện, hồ sơ nhân viên, các qui định về thuế doanh nghiệp, bảo hiểm cho người lao động....

Trước thông tin Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ có hiệu lực vào 1/1/2021 và dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm kinh doanh, chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Khánh, một nhân sự trong Công ty Đòi nợ thuê K.A (TP HCM) cho biết khi Luật có hiệu thì công ty sẽ chấp hành qui định.

Tuy nhiên, anh Khánh cũng cho hay đến thời điểm này công ty vẫn hoạt động bình thường để giải quyết những hợp đồng đã kí với khách hàng trước khi có quyết định chính thức cấm.

Doanh nghiệp đòi nợ thuê chuẩn bị gì trước khi qui định cấm đòi nợ thuê có hiệu lực? - Ảnh 1.

Ảnh: Công ty Đòi nợ thuê An Khang.

"Và trong quá trình còn hoạt động, công ty cũng sẽ rà soát lại toàn bộ các hợp đồng đang thực hiện, hồ sơ nhân viên, các qui định về thuế doanh nghiệp, bảo hiểm cho người lao động...

Khi qui định có hiệu lực, những người lao động tại Công ty Đòi nợ thuê K.A sẽ gặp khó khăn về công việc. Họ đã quen với công việc hiện tại", anh Khánh chia sẻ.

Và khi chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, anh Khánh cho hay Công ty Đòi nợ thuê K.A sẽ thực hiện đầy đủ các qui định của Bộ luật Lao động nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Còn anh N.T.Q (GĐ một công ty đòi nợ thuê ở TP Hải Phòng) cho biết công ty của anh đã ngừng hoạt động từ tháng 12/2019 nên đối với qui định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thì doanh nghiệp của anh không ảnh hưởng nhiều.

Anh T.Q cho rằng việc cho vay và thu hồi khoản vay là giao dịch dân sự. Trong việc thu hồi nợ thì người cho vay là có quyền lợi. Trong thực tế hoạt động đòi nợ thuê đã bị một số người làm biến tướng và đó là một trong những nguyên nhân khiến dịch vụ này bị cấm. 

Doanh nghiệp đòi nợ thuê đã và đang làm gì trước khi qui định cấm đòi nợ thuê có hiệu lực? - Ảnh 1.

Một vụ đòi nợ thuê gây náo loạn. (Ảnh: Quốc Khánh).

"Nhu cầu đòi nợ vẫn hiện hữu trong đời sống hàng ngày. Đối với những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê khá lớn như Hưng Thịnh, An Khang, Song Long thì những nhân viên thu hồi nợ của họ sẽ phải tìm một công việc khác.

Còn trong công ty của tôi, đa số anh em đều có bằng cử nhân. Khi nghe thấy dịch vụ đòi nợ thuê có thể bị cấm kinh doanh thì mọi người trong công ty đã chuẩn bị tâm lí và chuyển hướng công việc một cách khá thuận lợi. 

Còn tôi đã mở một công ty về luật. Đối với một số công ty khác có lẽ sẽ gặp khó khăn hơn", anh T.Q nói. 

"Dàn xăm trổ chưa chắc đã đòi được nợ bằng hai người mặc áo sơ mi, đeo kính cận"

Tuy đã đóng cửa công ty trước khi qui định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có hiệu, anh T.Q lại chia sẻ cho chúng tôi về những điều ít người biết về một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.

"Trong mắt mọi người đòi nợ thuê là những người xăm trổ đầy mình hung hăng đi đe dọa con nợ để đòi nợ. Thực tế lại không phải vậy. công ty đòi nợ thuê còn có một chức năng nữa, bên cạnh đòi nợ thuê, đó là giãn nợ.

Ví dụ, khi bên cho vay và bên vay không thể nói chuyện được với nhau, trong khi đó, bên vay nợ rất thiện chí nhưng vì ngay tại thời điểm đó không có khả năng trả nợ và cũng mong muốn có một phương án để trả thì bên công ty đòi nợ thuê sẽ đóng vai trò trung gian, đàm phán giãn nợ, đưa ra một hướng để thu hồi nợ.

Mỗi lần đi chúng tôi trên xe chỉ có ba người, không cần nhiều. Nhiều khi một "dàn" xăm trổ đầy mình đến chưa chắc đã đòi được nợ bằng hai người mặc áo sơ mi, đeo kính cận đi vào.

Doanh nghiệp đòi nợ thuê chuẩn bị gì trước khi qui định cấm đòi nợ thuê có hiệu lực? - Ảnh 3.

Một căn nhà bị tạt sơn do đòi nợ thuê biến tướng. (Ảnh: PHáp luật TP HCM).

Chính vì thế, đối với một nhân viên đi đòi nợ, ngoài yêu cầu về bằng cấp thì còn yêu cầu phải am hiểu về tâm lí và có kĩ năng đàm phán. 

Tôi từng có khoảng thời gian 20 năm làm trong ngành tư pháp thì thấy tâm lí rất quan trọng. Khi nghe thấy có công ty đòi nợ đến nhà là con nợ đã có cảm giác không thiện cảm và luôn có sự phòng bị. 

Nếu đi đòi nợ, thắng tâm lí là đã thành công 70%, học cứ tiếp mình là mình đã có cơ hội đòi được tiền rồi. Thực ra họ cũng có suy nghĩ là: nợ rồi thì cũng phải trả thôi.

Thực ra tôi thấy công ty đòi nợ có một ưu điểm rất lớn đấy là mềm dẻo , đứng ra đàm phán nhanh gọn, không phải tuân thủ qui định thời gian tố tụng nên sẽ nhanh hơn", anh T.Q cho biết.

Chia sẻ về những vấn đề quanh qui định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, anh T.Q cho biết: Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là kinh doanh có điều kiện. Vì vậy nếu muốn quản lí chặt hơn thì chỉ cần siết chặt điều kiện kinh doanh hơn. 

Ngoài ra, pháp luật cũng có yêu cầu nhân viên thu hồi nợ tối thiểu phải có bằng trung cấp trở lên của 4 ngành nghề: an ninh, kinh tế, luật và quản lí.

Và để quản lí, cơ quan chức năng chỉ cần kiểm tra rõ những công ty nào có nhân viên đạt yêu cầu, công ty nào không. Khi đó sẽ rõ những nhân viên thu nợ là ai, còn những kẻ xăm trổ đầy mình, đi đe dọa, hành hung con nợ là ai.

Đồng thời pháp luật cũng qui định trước khi đi thu nợ thì công ty đòi nợ thuê phải gửi thông báo tới cơ quan công an, chính quyền địa phương ba ngày. 

"Trước đây công ty tôi đi đòi nợ thì tôi bao giờ cũng có thông báo tới chính quyền đia phương khoảng ba ngày ngày trước khi diễn ra buổi đòi nợ và thường có ba người đi đòi nợ. 

Việc này sẽ giúp cho chính quyền quản tốt việc đòi nợ xảy ra tại địa phương và công ty đòi nợ thuê cũng không phải chịu trách nhiệm nếu sau này phát hiện ra có những người khác ngoài danh sách những người đã được đăng kí đi đòi nợ với chính quyền trước đó", anh T.Q nói.

Nhưng theo anh T.Q, những điều này đã không còn quan trọng khi qui định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực đầu năm 2021.

Minh Anh