|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Đậu Anh Tuấn: Doanh nghiệp càng nhỏ càng bi quan về triển vọng sản xuất kinh doanh

07:30 | 10/05/2024
Chia sẻ
Nhận định 2023 là năm mức độ lạc quan của doanh nghiệp thấp nhất kể từ khi điều tra PCI, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết, trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát đáng chú ý doanh nghiệp quy mô càng nhỏ lại càng bi quan.

Kết quả khảo sát phản ánh trong Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) 2023 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 9/5 đã cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền các tỉnh thành phố trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, do bối cảnh còn nhiều khó khăn, 2023 cũng là năm doanh nghiệp gặp thách thức lớn nhất. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) cho biết kết quả khảo sát cho thấy 2023 là năm mức độ lạc quan của doanh nghiệp thấp nhất kể từ khi điều tra PCI.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI. (Ảnh: BTC).

Trong 19 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, PCI đã trở thành "hàn thử biểu", công cụ để doanh nghiệp gửi gắm nỗi niềm của mình, giúp chuyển tải tới chính quyền địa phương những vấn đề doanh nghiệp gặp phải trong môi trường đầu tư kinh doanh. 

Năm 2023 là năm mà doanh nghiệp bi quan nhất từ trước đến nay, chỉ 27% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong hai năm tiếp theo, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022. Con số này còn thấp hơn cả mức đáy trước đây là giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2012 - 2013.

Dữ liệu khảo sát còn cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp trong khảo sát 2023 lên tới 16,2%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 10,7% được ghi nhận trong khảo sát năm 2022 và gần bằng mức cao kỷ lục 16,6% của khảo sát 2021 khi Việt Nam còn nằm trong tâm dịch COVID-19.

Đáng chú ý, doanh nghiệp càng nhỏ càng bi quan về triển vọng sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn có mức độ lạc quan cao hơn.

 2023 là năm nhiệt kế doanh nghiệp tư nhân thấp nhất trong 19 năm qua. (Nguồn: VCCI).

Cụ thể, 38,2% doanh nghiệp quy mô từ 50 - 200 tỷ đồng dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh trong hai năm tới; 39,5% doanh nghiệp có quy mô từ 200 tỷ đồng trở lên có dự định tương tự.

Xét theo lĩnh vực, doanh nghiệp trong một số ngành tỏ ra khá lạc quan. Ba ngành có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh cao nhất là sản xuất thiết bị điện (50%), sản xuất hóa chất (42,2%) và sản xuất cao su, nhựa (35,7%).

Từ các phân tích trên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, hơn lúc nào hết, 2024 là năm phải đưa ra những hỗ trợ đồng hành để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Tuấn cho biết có 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải bao gồm: tiếp cận vốn (57,1%), tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (34,5%), khó khăn từ tác động của dịch bệnh COVID-19 (25,5%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (17,1%).

Trong đó, 57,1% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay trong khảo sát doanh nghiệp thường niên của VCCI. Bên cạnh tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng vẫn là khó khăn thường trực của nhiều doanh nghiệp với 49% trong khảo sát 2023 và đứng thứ hai trong số 14 khó khăn cụ thể của doanh nghiệp.

Khó khăn lớn tiếp theo mà các doanh nghiệp phản ánh trong khảo sát 2023 là biến động thị trường, với 34,5% doanh nghiệp lựa chọn. Con số này đã tăng tới 10,7 điểm phần trăm so với kết quả khảo sát năm 2022 (23,8%). Đây là khó khăn có sự gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn cao nhất so với năm 2022.

Mặc dù đã giảm mạnh từ con số 67,4% năm 2021 và 34,1% năm 2022, dịch COVID-19 vẫn đứng thứ tư về mức độ khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh trong khảo sát 2023 (chiếm 25,5%). Điều này cho thấy không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn chịu tác động tiêu cực của đại dịch này.

Nhiều chỉ số cải thiện so với các năm trước

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI. (Ảnh: BTC).

Dù vậy, theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, kết quả khảo sát PCI 2023 cũng cho thấy một số điểm sáng trong bức tranh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Ông Công cho biết có 5 điểm mà cộng động doanh nghiệp Việt Nam đánh giá môi trường kinh doanh đang được cải thiện so với trước đây.

Thứ nhất, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện theo thời gian, với điểm số chỉ số PCI tổng hợp tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 66,66 điểm năm 2023, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022. Đáng chú ý, các tỉnh nhóm cuối đang vươn lên mạnh mẽ nhờ tận dụng tốt “lợi thế của người đi sau” khi tích cực học hỏi, áp dụng những bài học thành công từ nhóm tỉnh có chất lượng điều hành cao hơn.

Thứ hai, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của năm 2023 đều có sự cải thiện so với năm 2022.

Thứ ba, chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là 33,3%, giảm mạnh từ mức 66% của các năm 2015-2016 và mức kỷ lục 70% vào năm 2006 khi chỉ tiêu này lần đầu tiên được đưa vào khảo sát

Thứ tư, thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn, ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp.

Thứ năm, cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt khoảng 77% doanh nghiệp cho biết việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí hơn cho doanh nghiệp so với các phương thức truyền thống. Điều này cho thấy những nỗ lực chuyển đổi số của các địa phương đã mang lại kết quả tích cực. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI cũng đánh giá có những chuyển động tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam. Đó là, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp FDI có sự cải thiện khá khả quan: Tỷ lệ doanh nghiệp FDI  báo lãi trong năm 2023 tăng nhẹ lên mức 46,5%; tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm xuống 42,3%.

Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI cho rằng gánh nặng thực thi quy định của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã giảm bớt theo thời gian, cơ cấu ngành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI cũng có sự dịch chuyển tích cực sang các ngành công nghệ và dịch vụ chuyên sâu của kinh tế tri thức.

Nhiều doanh nghiệp FDI hơn đã sử dụng hàng hóa, dịch vụ đầu vào từ doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng nhà cung cấp là các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng dần qua các năm, đáng chú ý là mức từ 63,3% năm 2022 lên 75% năm 2023.

"Xu hướng đáng khích lệ này một phần đến từ nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI kết nối với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, đồng thời là một chỉ báo quan trọng về khả năng hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp trong nước đã có sự cải thiện", ông Công cho biết.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng chỉ ra một số khó khăn được các doanh nghiệp nêu ra như: Trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với các DNNVV, tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại.

Hạ An