Điểm mặt những dự án sai phạm về đất đai tại TP HCM
Dự án Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 (TP.HCM) có nhiều sai phạm. Ảnh: Gia Huy |
Điểm mặt những dự án sai phạm
Trong kết luận thanh tra, đứng đầu là dự án Khu dân cư phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2 do Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Công ích làm chủ đầu tư. Dự án được kết luận tiến độ thực hiện dự án chậm.
Một số công trình chưa được xây dựng theo quy hoạch gồm tuyến đường Mỹ Lợi dài 400 m; hệ thống công viên; hệ thống xử lý nước thải tập trung; khu chung cư, căn hộ thuộc dãy 22 m dọc tỉnh lộ 25B. Công ty chậm xin điều chỉnh quy hoạch khu chung cư và khu cây xanh, khu xử lý nước thải tập trung. Công ty chưa có biên bản bàn giao đất xây dựng công trình công cộng cho Nhà nước quản lý.
Tại phường Thạnh Mỹ Lợi còn có dự án của Công ty cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) với sai phạm tiến độ thực hiện dự án chậm. Công viên cây xanh chưa xây dựng, chưa quyết toán nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất theo quy định…
Cũng tại Quận 2, dự án Khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái do Công ty cổ phần Eden làm chủ đầu tư có những sai phạm như giao đất cho các hộ nhận chuyển nhượng không có biên bản bàn giao; còn 46 lô đất chưa giao đất, chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nguời dân.
Tiến độ thực hiện dự án chậm do chưa kết nối hạ tầng giao thông. Có 56 hộ gia đình đã nhận chuyển nhượng và được bàn giao đất từ năm 2007, nhưng đến nay chưa xây dựng nhà ở. Chưa có biên bản bàn giao đất xây dựng công trình công cộng cho Nhà nước quản lý.
Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Tiến Phát cũng nằm trong kết luận sai phạm với dự án khu căn hộ tại phường Thảo Điền, Quận 2 khi dự án có tiến độ thực hiện dự án chậm so với thời gian quy định 33 tháng.
Dự án khu nhà ở tại Quận Gò Vấp của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn còn chậm tiến độ tới 5 năm. Đến nay mới đang thi công phần thô nhà chung cư Lô 3 và 1 con đường (chưa hoàn thiện). Diện tích còn lại gồm 4 lô chung cư và đất công viên cây xanh, cơ sở hạ tầng bỏ trống chưa xây dựng.
Cũng chậm tiến độ xây dựng còn có dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tại phường Long Bình, Quận 9 của Công ty TNHH Ngân Thạnh. Được giao đất năm 2011, nhưng đến nay, mới chỉ san lấp mặt bằng, toàn bộ các công trình theo quy hoạch chưa được xây dựng; không có biên bản bàn giao đất tại thực địa.
Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM cũng nằm trong danh sách triển khai dự án chậm tiến độ tại dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp tại phường Hiệp Thành, Quận 12. Được giao từ năm 2006, nhưng đến nay mới chỉ xây dựng được cơ sở hạ tầng.
Công ty cổ phần Đức Khải cũng bị bêu tên với sai phạm tại dự án khu tái định cư tại phường Phú Mỹ, quận 7 do chưa bàn giao khu công viên cây xanh và các công trình công cộng cho các ngành chức năng quản lý theo quy định. Không có biên bản bàn giao đất tại thực địa.
Còn Dự án Khu dân cư tại phường Long Trường, Quận 9, do Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư, chưa nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái sai phạm tại Dự án Khu nhà ở Phước Kiên tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè khi tiến độ thực hiện dự án đến nay đã chậm 9 tháng so với quy định; chưa thực hiện nghiệm thu cơ sở hạ tầng, chưa làm thủ tục cấp sổ đỏ cho các hộ đã nhận nhà và đến ở (30 hộ).
Dự án Khu nhà ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè do Công ty TNHH An Tiến làm chủ đầu tư với sai phạm ở các công trình công cộng, công trình thương mại chưa được xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Công ty TNHH một thành viên Sân golf Củ Chi mắc sai phạm tại dự án sân golf tại huyện Củ Chi khi tiến độ thực hiện chậm. Còn Công ty cổ phần Địa ốc Phúc Yên sai phạm ở dự án khu liên hợp văn phòng - thương mại - chung cư và thể dục thể thao Phúc Yên khi khối nhà A chuyển đổi công năng, nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất bổ sung; Khối nhà B còn 8/350 căn hộ và toàn bộ khối nhà A (252 căn hộ) chưa được cấp Giấy chứng nhận.
Ngoài ra, còn phải kể đến các cái tên khác như Công ty cổ phần Đầu tư Việt Liên Á - Phú Hưng Gia sai phạm ở dự án khu phức hợp Saigon Airport Plaza tại phường 2, quận Tân Bình; Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng sai phạm tại dự án khu dân cư phường Phú Thuận, Quận 7 khi khối nhà chung cư 1A và 1B (352 căn hộ) đã chuyển nhượng căn hộ và bàn giao nhà cho các hộ sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu cơ sở hạ tầng và chưa cấp sổ đỏ cho các hộ.
Bị xử phạt nhưng không chấp hành
Với kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp sai phạm phải đóng tiền phạt ở những sai phạm này. Tuy nhiên, theo đại diện từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm này, dù đã qua 3 tháng quyết định xử phạt nhưng mới chỉ có ít chủ đầu tư nộp phạt.
Đối với những chủ đầu tư phát triển dự án, đã mở bán dự án nhưng chưa đóng tiền sử dụng đất thì chưa thấy chủ đầu tư nào tiến hành đóng tiền sử dụng đất, chỉ những doanh nghiệp bị phạt vài chục triệu là thực hiện đóng.
Vấn đề các dự án bất động sản sai phạm tại TP.HCM đã được chính Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhắc tới. Theo đó, trong thời gian tới, Thành phố sẽ cương quyết xử lý những dự án sai phạm, đơn cử như dự án Thảo Điền Sapphire.
Dự án này có nhiều vi phạm nghiêm trọng, nên Thành phố sẽ giao cho Sở Xây dựng, UBND quận 2 tiến hành cưỡng chế ngay. Còn nếu chủ đầu tư không tự tháo gỡ công trình sai phạm, thì Thành phố sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế. Nhưng tới nay, chủ đầu tư vẫn không chịu tự tháo gỡ sai phạm.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nhấn mạnh, ở những dự án chủ đầu tư sai phạm trong việc tự ý thay đổi công năng mà không được sự đồng ý của khách hàng, thì chủ đầu tư không được điều chỉnh và khi nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng, đích thân Sở sẽ xử lý chủ đầu tư và không cho phép chủ đầu tư thay đổi công năng dự án.
Tuy nhiên, những câu chuyện sai phạm tại các dự án hiện nay ở TP.HCM dường như sẽ khó chấm dứt, bởi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, thực hiện dự án bất động sản không thể không sai phạm. Nếu bị thanh tra thì doanh nghiệp chấp nhận đóng phạt theo kiểu chuyện đã rồi.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, hiện là Trưởng khoa Kỹ thuật xây dựng thuộc Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, lỗi một phần là từ cơ quan quản lý nhà nước không theo sát, quản lý chủ đầu tư khi xây dựng để rồi khi xây dựng xong, thì chủ đầu tư đặt cơ quan chức năng vào chuyện đã rồi và chấp nhận nộp phạt, bởi số tiền phạt ít hơn nhiều so với cái lợi của chủ đầu tư đạt được.
“Kết quả là người dân và chính quyền là người chịu thiệt hại nhất”, ông Hiệp nói. Để khắc phục những sai phạm trong dự án bất động sản, ông Hiệp cho rằng, cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý mới, giám sát chặt từ các khâu cấp phép, giám sát phát triển dự án tới cả việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng mua dự án, bởi hiện nay, có quá nhiều khiếu kiện từ người dân khi mua dự án bất động sản.
Những nội dung khiếu kiệu chủ yếu là chủ đầu tư xây dựng dự án kém chất lượng, tự ý thay đổi thiết kế công trình và thậm chí là sai phạm trong khi xây dựng dẫn tới cơ quan chức năng xử phạt và không cấp phép hoàn công dự án…
Sai phạm liên tiếp tại dự án Mỹ Sơn Tower
Trong 3 năm qua, hàng loạt vi phạm và sự cố tại dự án Mỹ Sơn Tower đã bị cơ quan chức năng "chỉ mặt ... |
Phạt 1 tỷ đồng, chính thức cưỡng chế sai phạm tại dự án Thảo Điền Sapphire
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM mới đây đã ký quyết định số 4035/QĐ-CC về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử ... |