|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Vinasun: Sẽ kiện Grab và Uber cạnh tranh không lành mạnh

14:06 | 28/04/2017
Chia sẻ
Năm 2017, Vinasun đưa ra một kế hoạch kinh doanh thấp hơn kế hoạch đề ra và thực hiện của các năm trước là 204,8 tỷ đồng, giảm 22% so với kế hoạch và giảm 34% so với thực hiện năm 2016. 

Thay đổi tờ trình phân phối lợi nhuận 2017

Thể theo yêu cầu của cổ đông, VNS điều chỉnh phương án phân phối lợi nhuận năm 2017 là trích quỹ đầu tư phát triển giảm từ 15% xuống 10% lợi nhuận sau thuế, quỹ khen thưởng và phúc lợi là 10% lợi nhuận trước thuế, chia cổ tức năm 2017 là 15% vốn điều lệ và khen thưởng Ban điều hành là 5% lợi nhuận vượt kế hoạch thay vì 15% trước đó.

Đồng thời, nói thêm về kế hoạch kinh doanh năm 2017 thì khoảng tháng 7 hay 8 Công ty sẽ xây dựng lại bởi doanh số lúc này không phải là tự doanh nữa mà nhượng quyền thương hiệu. Nếu trong tháng 6 mà nhượng quyền được 4.000 xe thì ông Đặng Phước Thành – Chủ tịch HĐQT cho biết sẽ xây dựng kế hoạch chia cổ tức đến 30%.

Chỉ vượt 1% kế hoạch lợi nhuận 2016 từ hoạt động chính

Tại Đại hội, cổ đông thắc mắc việc bao năm qua Công ty luôn đề ra kế hoạch thấp để vượt và năm 2017 cũng đề ra rất thấp. Cổ đông cũng biết Công ty đang chịu sức ép của thay đổi mô hình kinh doanh mới, cạnh tranh đến từ Grab hay Uber là rất lớn. Nhưng Ban điều hành nên đặt ra một kế hoạch thách thức hơn để tạo động lực cho nhân viên cố gắng thực hiện, đồng thời cổ đông cũng cảm thấy việc thưởng Ban điều hành dựa trên một kế hoạch thách thức là xứng đáng hơn. Vinasun đang trong quá trình tái cấu trúc toàn diện nhưng sự thích nghi đang quá chậm và phải hành động nhanh hơn.

Đại diện VNS chia sẻ là lợi nhuận sau thuế năm 2016 vượt 17,7% là nhờ thanh lý xe đúng thời điểm trong khi hoạt động kinh doanh chính chỉ vượt 1% kế hoạch năm.

Mặc khác, VNS hình thành và phát triển trên cơ sở tự doanh, phương thức hoạt động này đã ăn sâu vào đầu đội ngũ nhân viên. Hiện nay, Công ty đang dần thay đổi sang nhượng quyền, cách thức đang làm là chậm và chắc để nhận được sự đồng thuận của toàn bộ nhân viên. Toàn bộ hoạt động của VNS đang trên đà thay đổi, Ban điều hành tin tưởng vào con đường đang đi và kêu gọi cổ đông nhìn vào tương lai bởi bất cứ tổ chức nào cũng có thời gian suy yếu.

Ông Đặng Phước Thành – Chủ tịch HĐQT bổ sung thêm mặc dù Grab và Uber có phần mềm trước, chuyên nghiệp hơn, Vinasun tuy đi sau nhưng phần mềm sẽ đa dạng hơn. Grab và Uber hơn Vinasun ở chính sách và tiền, chính sách do chính Nhà nước ban hành. Vinasun sẽ kiện Grab và Uber, đồng thời mười mấy ngàn người lao động cũng kiện Grab và Uber. Đơn thì đã có rồi và sau kỳ nghỉ lễ sẽ gửi lên Bộ ngành.

Đối với phương án phân phối lợi nhuận năm 2016, HĐQT đã không được trình bày tại tờ trình nên cổ đông rất muốn biết. Ông Đặng Phước Thành cho biết phương án phân phối lợi nhuận năm 2016 chi tiết là trích quỹ đầu tư phát triển 15%, quỹ khen thưởng và phúc lợi 13,5% lợi nhuận sau thuế, thù lao HĐQT và BKS 1,5% lợi nhuận sau thuế, 20% vốn điều lệ cho cổ tức và khen thưởng Ban điều hành là 15% lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch. Phương án đã được thông qua tại Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2016, Công ty đã thực hiện và chỉ còn vướng lại tỷ lệ cổ tức 10% cho cổ đông chưa chia.

Cổ đông đề nghị nên cân nhắc giảm trích lập quỹ khen thưởng và phúc lợi chỉ là 5 – 7% lợi nhuận sau thuế và từ năm sau đưa vào trước thuế để tiết kiệm thuế cho cổ đông. Ông Thành chia sẻ rằng HĐQT luôn muốn hài hòa giữa quan hệ cổ đông, đội ngũ nhân viên và khách hàng. Đội ngũ VNS là rất lớn dù đã ứng dụng phần mềm để giảm bớt, VNS đã chia cổ đông 2015 là 20% tiền mặt và 20% cổ phiếu, năm 2016 cũng chia 20% tiền mặt thì cũng nên khen thưởng người lao động lớn tương ứng.

Trong bối cảnh khó khăn, ông Thành cũng đồng ý với việc giảm mức trích lập quỹ khen thưởng và phúc lợi từ năm 2017, còn năm 2016 đã chia không thể lấy lại được.

Ngoài ra, thực tế năm 2016 có phương án thưởng ESOP nhưng đã không thực hiện do liên quan đến lợi ích cổ đông.

Kế hoạch lãi 2017 chỉ 204,8 tỷ đồng, giảm 34%

Trình bày tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 sáng ngày 28/04, ông Đặng Phước Thành – Chủ tịch HĐQT CTCP Ánh Dương Việt Nam– Vinasun (HOSE:VNS) đánh giá năm 2017 nền kinh tế vẫn tiềm tàng những bất ổn, khó lường. Môi trường kinh doanh sẽ có nhiều tác động lớn do nhiều luật và quy định liên quan đến hoạt động của Công ty, đến hoạt động đầu tư và kinh doanh được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực. Bối cảnh cạnh tranh không lành mạnh tiếp tục vô cùng khốc liệt với những yếu tố bất hợp lý về quản lý, cơ chế, chính sách.

Bà Đặng Thị Lan Phương, Tổng giám đốc cũng cho biết sự cạnh tranh khốc liệt của các công ty nước ngoài vào thị trường taxi TPHCM với hơn 18.000 chiếc, cùng các loại phí BHXH, y tế và lương nhân viên tăng theo lương tối thiếu (tăng 7%) và sự gia tăng các loại phí khác đã tác động tức thời làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của Công ty ngay từ đầu năm. Mặt khác, khả năng giá xăng dầu phải gánh thêm nhiều loại thuế phí mới sẽ có thể tăng đột biến và chắc chắn gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của VNS. Vì vậy, Công ty xác định năm 2017 tiếp tục là năm gặp nhiều thách thức.

dhdcd vinasun se kien grab va uber canh tranh khong lanh manh

Theo đó, mục tiêu năm 2017, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.025 tỷ, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 204,8 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 12%. Đây đã là năm thứ 3 liên tiếp VNS đưa ra một kế hoạch lợi nhuận thùt lùi so với kế hoạch các năm trước đó.

Cụ thể, năm 2015, VNS đề ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế 266 tỷ đồng, năm 2016 giảm xuống 264 tỷ và năm 2017 giảm mạnh xuống 204,8 tỷ đồng. Đồng thời, so với những gì thực hiện được năm 2016 là tổng doanh thu và thu nhập khác đạt 4.763,4 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 310,9 tỷ, vượt 17,7% kế hoạch thì kế hoạch năm 2017 còn giảm mạnh hơn nữa (34%).

Được biết, Công ty đang trong giai đoạn tái cấu trúc toàn diện 2016 – 2020, Vinasun đã đầu tư ứng dụng công nghệ theo hướng chuyên sâu và hiện đại hơn, tái cấu trúc hệ thống quản trị, tối ưu hóa mọi nguồn lực. Đây cũng là định hướng mà VNS tập trung trong năm 2017 nhằm mục tiêu giữ vững thị phần, duy trì sự phát triển ổn định.

Mặt khác, trong năm nay, Công ty sẽ phát triển thêm khách hàng sử dụng thẻ thanh toán online, kết hợp với các ứng dụng thanh toán khác nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán đa dạng, song song với đó là phát triển ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trên Vinasun App.

Năm 2016, Công ty đã tái cấu trúc tổ chức giai đoạn 1, giảm số chi nhánh tại TPHCM từ 12 xuống còn 8 chi nhánh, triển khai dòng xe V-car. Công ty mẹ đã đầu tư 1.323 xe, thanh lý 903 xe, nâng tổng số đầu xe tính đến cuối năm lên 6.261 chiếc. Công ty con – Vinasun Green đã đầu tư thêm 41 xe (trong đó Taxi là 34 xe), thanh lý 34 xe, nâng tổng xe lên 307 xe tại TP Đà Nẵng. Tổng kết lại, tổng số xe của Công ty tính đến cuối năm 2016 là 6.561 chiếc kinh doanh taxi, tăng 7% so với đầu năm. Năm 2017, VNS dự kiến đầu tư thêm tối thiểu 750 chiếc và thanh lý 1.050 chiếc, theo đó số xe sở hữu đến cuối năm có thể là 6.261 chiếc, giảm nhẹ gần 5% so với cuối năm 2016.

Cuối cùng, Đại hội cũng tiến hành bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2017 – 2022. Số lượng thành viên HĐQT và BKS duy trì 7 và 3 người.

Các ứng viên cho HĐQT là ông Đặng Phước Thành (Chủ tịch hiện tại của VNS), bà Đặng Thị Lan Phương (Tổng giám đốc của VNS), ông Trần Văn Bắc (Phó TGĐ Thường trực Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – Satra, Chủ tịch Công ty Satra-Exim, Công ty xuất khẩu quận 8), bà Huỳnh Thanh Bình Minh (Chuyên viên đầu tư cao cấp Quỹ đầu tư Tael Partners – mới), ông Tạ Long Hỷ (Phó TGĐ thị trường VNS), ông Trần Anh Minh (Phó TGĐ Phụ trách đầu tư phát triển VNS) và ông Trương Đình Quý (Phó TGĐ VNS).

Các ứng viên cho BKS là bà Mai Thị Kim Hoàng (Trưởng Ban kiểm soát hiện tại VNS), bà Đỗ Thị Thám Hoa (Chuyên viên Phòng tài chính và kế toán Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – Satra – mới) và ông Huỳnh Văn Tương (Thành viên BKS hiện tại của VNS).

Ngọc Điểm