|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Tisco: Kiên nhẫn đã hết, SCIC thoái toàn bộ 1.000 tỷ vốn góp trong năm 2017

21:11 | 20/04/2017
Chia sẻ
HĐQT để ngỏ phương án phát hành tăng vốn trong tương lai của Gang thép Thái Nguyên sau sự kiện SCIC thoái vốn, có thể Công ty sẽ chào đón thêm các cổ đông mới.

SCIC rút toàn bộ 1.000 tỷ đồng vốn góp vào TISCO

Theo kế hoạch đề ra, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) sẽ được khởi động lại từ 01/04/2016, thi công trong vòng 18 tháng, đến ngày 01/10/2017 hoàn thành đưa vào sản xuất. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay dự án vẫn chưa đủ điều kiện để tái khởi động lại, Chủ đầu tư Tisco đang chờ chỉ đạo của Chính phủ đối với Dự án.

Ngày 17/04/2017, ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên CTCP Gang thép Thái Nguyên (Mã: TIS – UPCoM) 3 ngày, theo chỉ đạo của Chính phủ, Công văn từ Bộ Tài chính, SCIC quyết định rút ngay 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư tại Tisco và đề nghị Tisco bổ sung nội dung phương án thoái vốn làm giảm quy mô vốn điều lệ ngay tại Đại hội.

dhdcd tisco kien nhan da het scic thoai toan bo 1000 ty von gop trong nam 2017

Đại hội cổ đông thường niên Tisco 2017

Giải thích về phương án thoái vốn của SCIC, Chủ tịch HĐQT Tisco – ông Nguyễn Quốc Huy cho biết: “Theo quyết định của Chính Phủ ngày 27/08/2014, lượng vốn góp 1.000 tỷ đồng mà SCIC đầu tư tại Tisco làm tăng vốn điều lệ với mục đích duy nhất là để phục vụ cho giai đoạn 2 dự án mở rộng sản xuất tại Công ty. Hiện tại dự án đang tạm thời bị dừng lại chờ chỉ thị của Chính phủ, ngoài ra mức đầu tư dự án đang bị đội lên rất nhiều, do đó SCIC quyết định thoái vốn”.

Ông Huy cho biết thêm, sau khi SCIC rút vốn, có thể TIS sẽ tiếp tục có phương án phát hành để nâng vốn điều lệ. Công ty sẽ lên kế hoạch cơ cấu thêm cổ đông mới trong tương lai. Trước đó, SCIC nhảy vào đầu tư tại TIS là do chỉ định của Chính phủ, đến nay không thực hiện nữa nên mới rút ra để đảm bảo sử dụng nguồn tiền 1 cách có hiệu quả, có thể nói SCIC đã trở nên hết kiên nhẫn đối với dự án trong giai đoạn 2 của Tisco.

Thực tế khoản tiền 1.000 tỷ đồng của SCIC hiện đang được Gang thép Thái Nguyên gửi có kỳ hạn 3 – 6 tháng tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – chi nhánh Hoàng Mai với lãi suất tiền gửi từ 5,3% đến 5,5%/năm.

Thời gian qua, Tisco cho biết đã thuê Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) rà soát đánh giá Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 gắn với Dự án cải tạo kỹ thuật giai đoạn 1 để biết được hiệu quả kinh tế tổng hợp của cả 2 giai đoạn đầu tư của Tisco.

Quá trình đàm phán với nhà thầu Trung Quốc MCC liên tục diễn ra từ đầu quý I/2013 đến cuối quý IV/2015 trải qua 12 lần đàm phán vẫn chưa kết thúc vì còn 1 số nội dung vượt quá thẩm quyền của chủ đầu tư, cần phải trình xin ý kiến giải quyết của Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền.

Nhiều cuộc làm việc sau đó, báo cáo của Tisco cho biết, căn cứ báo giá sơ bộ của MCC với đề xuất tổng giá trị thi công hoàn thành các việc còn lại phần C của Gói thầu EPC số 01# theo hình thức EPC là 105,4 triệu USD tương đương hơn 2.424 tỷ đồng, hiện nay các phòng nghiệp vụ của Tisco đang rà soát đối chiếu với định mức đơn giá hiện hành của nhà nước để chốt số liệu cuối cùng trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Báo cáo cũng cho biết, tính đến tháng 9/2016 vừa qua, nhà thầu MCC đã chuyển đến hiện trường 35.815 tấn thiết bị, đã lắp vào công trình 7.063 tấn số chưa lắp lên đến 28.752 tấn đang được giữ trong kho và chưa được mở hòm. Vật tư thiết bị chưa được đưa đến hiện trường còn khoảng 653 tấn, chủ yếu gồm thiết bị điện, thiết bị hoá nghiệm, điều hoà,…

Nợ phải trả gấp 3 lần vốn chủ sở hữu, sau SCIC thoái vốn sẽ còn lên đến bao nhiêu?

Báo cáo thường niên năm 2016 mới công bố của CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) cho thấy, năm 2016 doanh thu thuần đạt 8.578 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động kinh doanh 204,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 205,8 tỷ đồng.

Ban giám đốc Tisco đánh giá, năm 2016 là năm tiếp tục khó khăn đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất thép, thị trường trầm lắng, cung vượt cầu, cạnh tranh gay gắt, một số chỉ tiêu chủ yếu không đạt kế hoạch ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu nhập của người lao động.

Các khoản nợ phải trả trong năm 2016 của Tisco mặc dù giảm nhẹ so với năm 2015 tuy nhiên vẫn ở mức cao, lên đến hơn 8.362 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 4.446 tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 3.916 tỷ đồng. Tuy nhiên đây là những con số tính toán dựa trên nguồn vốn chủ vào khoảng 2.840 tỷ đồng.

Nếu như việc SCIC thoái vốn thành công, vốn điều lệ công ty sẽ chỉ còn mở mức 1.840 tỷ, khi đó các chỉ số tài chính của TIS còn trở nên tồi tệ hơn nữa. Tính sơ qua nợ phải trả đã gấp tới 4,5 lần vốn chủ sở hữu. Cơ cấu nợ phải trả/tổng nguồn vốn ước tính sẽ tăng theo đáng kể từ 75% lên 82%.

Áp lực tài chính tăng cao, gần 650 tỷ đồng nợ xấu khó đòi

Trong năm 2016, tổng số vốn đã giải ngân cho dự án 4.563 tỷ đồng trong đó ngân hàng VDB 1.404 tỷ đồng, ngân hàng Vietinbank 1.869 tỷ đồng, của chủ đầu tư 1.290 tỷ đồng.

Theo quy định trong hợp đồng tín dụng Tisco đã ký với VDB và Vietinbank thì từ 1/1/2017 bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi vay ân hạn, bình quân mỗi tháng 45,5 tỷ đồng, 540 tỷ đồng/năm cho cả 2 ngân hàng tính trên số dư nợ đến ngày 30/11/2016.

“Hiện nay, dự án giai đoạn 2 chưa hoàn thành đi vào hoạt động chưa tạo được nguồn tài trợ, do vậy chủ đầu tư Tisco đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các ngân hàng tiếp tục cho Công ty được gia hạn thời gian trả nợ gốc, trả nợ lãi vay, thời gian rút vốn phù hợp tiến độ của dự án, tạo điều kiện để Tisco tiếp tục được vay vốn tại các ngân hàng để duy trì sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho hơn 5.000 người lao động”, báo cáo thường niên của Tisco nêu.

Dự án giai đoạn 2 này hiện cũng “chôn” hơn 99% tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Tisco, là 1 trong 12 dự án nghìn tỷ thuộc Bộ Công Thương đầu tư kém hiệu quả. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đó là “không ném tiền” cứu dự án, việc xử lý các tồn tại, yếu kém theo nguyên tắc khẩn trương, triệt để, tổn thất ít nhất tài sản của Nhà nước.

Dư nợ khó đòi đến ngày 31/12/2016 là 645,8 tỷ đồng, tăng thêm 9,3 tỷ đồng so với đầu năm. Dư công nợ phải thu so với đầu năm tăng chủ yếu do nhập khẩu thép phế đến hạn chuyển quyền nhóm nợ, các khoản nợ khác hầu như không có biến động lớn. Số dư công nợ phải thu khó đòi vẫn chiếm tỷ lệ cao và tăng dẫn đến rủi ro cao về mặt tài chính, làm chi phí tài chính tăng, giảm khả năng sản xuất kinh doanh và khả năng thanh toán của Tisco thấp.

Ban kiểm soát đánh giá, trong năm nay khả năng Tisco bị đánh giá xếp hạng tín dụng xuống nhóm 2, nhóm 3 là hiện hữu.

Điều chỉnh kế hoạch lãi 2017 ngay trong Đại hội từ 160 tỷ lên 216 tỷ đồng

Kế hoạch doanh thu trong năm 2017 của TISCO dự kiến đạt 8.940 tỷ đồng, đáng chú ý lợi nhuận trước thuế được HĐQT điều chỉnh ngay trong Đại hội từ 160 tỷ lên 216 tỷ đồng.

Trong năm, tổng số tiền rót đầu tư vào các dự án của Tisco ước tính 1.260 tỷ đồng, trong đó 590 tỷ lấy từ nguồn vốn tín dụng Nhà nước, 621 tỷ đồng từ vay thương mại, vốn từ Công ty góp 45 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là việc rót vốn cho dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên với mức 1.200 tỷ đồng. Chỉ có 1 điều khác biệt, Tisco sẽ không còn sự hỗ trợ từ phía SCIC nữa, sau thoái vốn Công ty sẽ phải tự lực cánh sinh với dự án của mình.

dhdcd tisco kien nhan da het scic thoai toan bo 1000 ty von gop trong nam 2017 Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi trúng cử vào HĐQT Vinaconex

Hiện tại, SCIC sở hữu khoảng gần 58% vốn điều lệ tại Vinaconex.

dhdcd tisco kien nhan da het scic thoai toan bo 1000 ty von gop trong nam 2017 ĐHĐCĐ Vinaconex: SCIC chưa có lộ trình thoái vốn cụ thể

Trong năm 2017, SCIC vẫn chưa có kế hoạch thoái vốn Vinaconex. Mặt khác, Vinaconex sẽ đẩy mạnh tái cấu trúc công ty, thành lập ...

dhdcd tisco kien nhan da het scic thoai toan bo 1000 ty von gop trong nam 2017 SCIC rút toàn bộ 1.000 tỷ đồng vốn góp vào Tisco ngay trước thềm ĐHĐCĐ

1.000 tỷ đồng huy động từ SCIC sau 2 năm vẫn được Tisco đem gửi ngắn hạn tại ngân hàng.

Tín Nguyễn