ĐHCĐ TPBank: HĐQT xuất hiện thành viên mới, mục tiêu lãi trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2021
Mục tiêu lãi trước thuế trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2021
ĐHĐCĐ thường niên 2018 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) diễn ra vào sáng nay (ngày 20/4) và thông qua toàn bộ các phương án trình lên đại hội.
Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận 2018 đã được thông qua, ngân hàng đặt ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế cho các năm tới. Theo đó, ngân hàng đặt mục tiêu với hệ số CAGR là 32%, lợi nhuận trước thuế đến năm 2021 vượt 5.000 tỷ đồng.
Từ thời điểm 2012, giá cổ phiếu của ngân hàng chưa đến 5.000 đồng/cp. Mức giá chào sàn vào ngày 19/4/2018 vừa qua đạt trên 32.000 đồng/cp là một kết quả ấn tượng đối với ngân hàng sau 5 năm. Phát biểu tại cuộc họp, cổ đông kỳ vọng TPBank trở thành ngân hàng có mức tăng trưởng lớn nhất trong số các ngân hàng niêm yết.
Từ thời điểm tái cơ cấu năm 2012, TPBank chỉ xếp thứ 35/40 ngân hàng. Đến nhiệm kỳ 2018-2023, TPbank hướng đến mục tiêu trở thành một trong 10 ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam. Chủ tịch Đỗ Minh Phú nhận định đây là một mục tiêu đầy thách thức nhưng có nền tảng của TPBank, với 4 mục tiêu cụ thể:
Thứ nhất, ngân hàng đặt ra 3 trụ cột kinh doanh: ngân hàng cá nhân, đầu tư, ngân hàng phục vụ doanh nghiệp. Thứ hai, lành mạnh hoá tình hình tài chính: nâng cao năng lực quản trị, hướng đến Basel II.
Bên cạnh đó, TPBank định vị phải là ngân hàng dẫn đầu về ngân hàng số trong các định chế tài chính Việt Nam.
Và mục tiêu cuối cùng là việc cây dựng, đào tạo đội ngũ nhân viên giỏi chuyên môn, liêm chính và gắn bó lâu dài với tổ chức. Ông Phú nhận định, năng suất lao động của nhân viên TPBank chưa phải là cao, vì tính lợi nhuận trên đầu người của TPBank vẫn thấp so với các ngân hàng khác. Và ngân hàng sẽ tập trung cải thiện trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cũng cho biết, ngân hàng hướng tới việc tăng doanh thu và tiết kiệm chi phí. Theo ông Hưng, việc ứng dụng công nghệ sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành cho ngân hàng, chi phí ngân hàng điện tử rẻ gấp nhiều lần so với ngân hàng truyền thống vì vậy mục tiêu mà ngân hàng đặt ra là paper less (cắt giảm giấy tờ).
Theo ông Hưng, với chi phí cho nhân viên sẽ ngày càng tăng nhằm thu hút nhân tài và đảm bảo chế độ cho nhân viên. TPBank sẽ đảm bảo thu nhập nhân viên làm ra lớn hơn nhiều chi phí.
HĐQT xuất hiện thành viên mới, không nắm cổ phần, không đại diện phần vốn góp của cổ đông khác
Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú cho hay, kỳ này, HĐQT TPBank sẽ xuất hiện thêm các thành viên mới có năng lực, kinh nghiệm và đặc biệt là không có cổ phần, không đại diện cho phần vốn góp của các cổ đông khác.
Thông thường, các thành viên HĐQT vốn là người nắm cổ phần, có phần vốn chủ sở hữu tại ngân hàng. Tuy nhiên, với kế hoạch này, ông Phú nhấn mạnh TPBank muốn hướng đến tính minh bạch cho hoạt động của ngân hàng.
Danh sách 8 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới (2018 -2023) gồm một thành viên HĐQT độc lập. 6 thành viên nhiệm kỳ cũ tiếp tục có mặt trong HĐQT nhiệm kỳ tiếp theo. Bên cạnh đó, có hai cái tên khác là bà Đỗ Thị Nhung và ông Eiichiro.
Bà Đỗ Thị Nhung là Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ, NHNN. Và Ông Eiichiro, từng là Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2013-2018 nhưng do bận công tác nên đã không phụ trách hết nhiệm kỳ cũ.
Sau nhiều năm cổ đông 'tay trắng', TPBank chia cổ tức tỷ lệ 8,37%, tăng vốn lên 8.567 tỷ đồng
Ngân hàng dự kiến tăng vốn lên 8.567 tỷ đồng. Trong đó gồm tăng vốn từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ 15%. Sau đó là chia cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu tỷ lệ 8,37% và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%.
Được biết, việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ tỷ lệ 15% đã được ĐHĐCĐ thông qua từ trước và đang được trình cơ quan quản lý để thực hiện trong nửa đầu năm 2018. Sau khi phát hành riêng lẻ, số vốn của TPBank được nâng lên 6.718 tỷ đồng.
Như vậy, vốn điều lệ cuối 2018 tăng lên 8.567 tỷ đồng.
Tờ trình của TPBank về phương án tăng vốn điều lệ. |
Nguồn vốn tăng thêm được sử dụng cho mục đích tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng, cải thiện các chỉ số an toàn vốn và an toàn hoạt động, dự phòng nguồn vốn cho các lĩnh vực kinh doanh khác và đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, HĐQT cũng trình việc chuyển đổi 29,2 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức của cổ đông International Finance Corporation (IFC) thành số cổ phần cổ thông với tỷ lệ 1:1.
Thay vì nhận cổ tức với tỷ lệ cố định 8,5%/năm, IFC sẽ nhận tỷ lệ cổ tức hàng năm như của cổ đông thường. Sau khi thực hiện việc chuyển đổi, tỷ lệ sở hữu cổ phần của IFC tại TPBank và vốn điều lệ của TPBank sẽ không thay đổi. Nếu được ĐHĐCĐ thông qua, TPBanbkn sẽ thực hiện các thủ tục đăng ký với Trung tâm lưu ý chứng khoán Việt Nam (VSD) để hoàn tất.
Kế hoạch lãi trước thuế năm 2018 là 2.220 tỷ đồng
Với vốn điều lệ mới, năm 2018, TPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 14% lên 142.000 tỷ đồng. Tổng huy động tăng 11%, đạt gần 127.000 tỷ đồng, Cho vay khách hàng tăng 17% đạt 74.621 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 82%, đạt 2.200 tỷ đồng cùng với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 9%; ROE tăng 47% so với 2017, đạt 23%.
Tờ trình kế hoạch kinh doanh của TPBank năm 2018. |
Tính đến cuối 2017, tổng tài sản của TPBank đạt 124.119 tỷ đồng. Mặc dù tổng tài sản chỉ tăng 17% so với năm 2016 nhưng LNTT của ngân hàng đã tăng hơn 70% và vượt gần 55% kế hoạch đề ra, đạt 1.206 tỷ đồng.
Cùng với kết quả kinh doanh của 2017, sau mấy năm liên tiếp không thực hiện việc chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu (không bao gồm IFC), HĐQT đề xuất phương án chia cổ tức với tỷ lệ 8,37%.