|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBSCL có biến mất vào năm 2100?

10:34 | 05/07/2017
Chia sẻ
Lịch sử quản lý và trị thủy trong quá khứ cho thấy chúng ta không nên và không thể đối phó với những thách thức về quản lý nguồn nước một mình, đơn độc.
dbscl co bien mat vao nam 2100
Biến đổi khí hậu toàn cầu đang và sẽ là vấn nạn lớn nhất cho nhân loại nói chung và ĐBSCL nói riêng. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

ĐBSCL trong tiến trình lịch sử địa lý

Từ 10.000 năm trước, khí hậu bắt đầu thay đổi, trái đất nóng dần lên, băng tan, nước biển dâng, từ từ ngập sâu vào đất liền. Đỉnh điểm của đợt tăng nhiệt độ trái đất này là khoảng 6.000-8.000 năm trước đây. Lúc đó nhiệt độ trung bình của trái đất cao hơn nhiệt độ chuẩn (tức nhiệt độ trung bình của trái đất trong khoảng 10.000 năm trước) khoảng 1 độ C. Đường bờ biển nằm sâu trong đất liền so với hiện nay, bắt đầu từ Hà Tiên chạy thẳng qua Phnôm Pênh. Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm sâu dưới mực nước biển.

Cho đến 5.000 năm trước, trái đất đi vào chu kỳ băng hà mới. Nhiệt độ trái đất thấp dần, nước đóng băng nhiều hơn làm nước biển cũng lùi dần. Đồng thời, có một biến động địa chất làm cho sông Mêkông trước đây chảy theo sông Hồng ra biển, nay hướng về phương Nam hình thành Biển Hồ và chảy ra biển Đông. Phù sa của Mêkông kết hợp hiện tượng biển lùi bắt đầu tạo ra ĐBSCL. Đến khoảng cuối thế kỷ 17, nhiệt độ trung bình của trái đất thấp hơn nhiệt độ chuẩn khoảng 0,6 độ C (năm 1670). Tạo điều kiện cho ĐBSCL nổi trên mặt biển gần giống như ngày nay.

Nhưng với sự phát triển của loài người, mà chủ yếu là việc dùng các loại “năng lượng hóa thạch”(1), con người đã làm tăng nồng độ khí nhà kính trong không khí và hậu quả là làm cho nhiệt độ trái đất ấm dần lên.

Đó là hiện tượng mà chúng ta gọi là “biến đổi khí hậu”.

Biến đổi khí hậu hiện nay là hiện tượng nhiệt độ trung bình của trái đất tăng. Nhiệt độ tăng sẽ làm băng tan, nhiệt độ nước tăng và cuối cùng là làm mực nước biển dâng.

Có thể nói, vùng ĐBSCL được hình thành từ nhiều yếu tố nhưng trong đó có hai yếu tố ảnh hưởng chính.

Đó là nhiệt độ tăng hay giảm của trái đất với hậu quả là biển tiến hay lùi. Và sự bồi đắp của sông Cửu Long với hàng trăm triệu tấn phù sa. Rất không may là hai yếu tố hình thành ĐBSCL bây giờ lại chuyển biến theo hướng ngược lại, làm ĐBSCL bị chìm ngập trở lại.

Vấn đề của ĐBSCL hiện nay

Thật đáng tiếc khi Trung Quốc và Lào đã quyết định đánh đổi lợi ích sinh thái dài hạn của cả lưu vực sông Mêkông và của cả nhân loại với lợi ích thủy điện ngắn hạn và cục bộ của họ. Với quyết định xây thủy điện thì hàng trăm triệu tấn phù sa của sông Mêkông hàng năm không còn chảy về bồi đắp ĐBSCL trong tương lai.

Nhưng thủy điện chưa phải là vấn đề lớn nhất của ĐBSCL. Biến đổi khí hậu toàn cầu đang và sẽ là vấn nạn lớn nhất cho nhân loại nói chung và ĐBSCL nói riêng. Theo thỏa thuận Paris năm 2015 về ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, các nước trên thế giới sẽ cố gắng giữ nhiệt độ trung bình của trái đất vào năm 2100 (còn hơn 80 năm nữa) không tăng so nhiệt độ chuẩn quá 2 độ C. Điều này thật là khó khăn trong bối cảnh thế giới thải ra hàng năm gần 30 tỉ tấn “khí nhà kính”(2), trong khi khí quyển chỉ còn khả năng tiếp nhận tổng cộng khoảng 1.000 tỉ tấn khí nhà kính để nhiệt độ trung bình không vượt ngưỡng 2 độ C, tức là chỉ còn khoảng 30 năm nữa.

Trở lại với lịch sử, khi nhiệt độ trung bình của trái đất cao hơn nhiệt độ chuẩn chỉ 1 độ C, thì ĐBSCL bị nhấn chìm xuống biển. Vậy khi nhiệt độ trung bình cao hơn nhiệt độ chuẩn 2 độ C, thì ĐBSCL chỉ có thể nổi lên trên mực biển bằng phép màu, hoặc là bằng tất cả sức lực của hơn 17 triệu dân cư cùng với sự quyết tâm của cả nước và quốc tế!

Thực tế tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu theo các nghiên cứu quốc tế như sau:

Theo “Báo cáo đánh giá biến đổi khí hậu” mới nhất (AR5) vào năm 2014 của Ủy ban Quốc tế về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hiệp quốc, mưa trên lưu vực sông Mêkông sẽ không tăng thậm chí còn giảm từ đây đến năm 2100.

Cuối năm 2016, Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia (NOAA) của Mỹ cũng theo báo cáo đó dự báo: Đến năm 2100, mực nước biển trung bình toàn cầu tăng thấp nhất là 0,3 mét (gấp 3 lần dự báo trước đó) và tăng cao nhất là 2,5 mét (cao hơn dự báo trước đó 0,5 mét). Và một nghiên cứu mới đây của NASA (Cơ quan Hàng không và Không gian của Mỹ), thế giới đang bắt đầu đi vào giai đoạn thiếu nước vì nguồn nước ngọt mặt đất không được bổ sung.

Tại ĐBSCL, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi mực nước biển dâng 1 mét thì sẽ có gần 40% diện tích đất bị ngập nước. Mô hình nước biển dâng mới nhất của bộ này cho thấy, đến năm 2100, mực nước biển của ĐBSCL sẽ dâng từ 55-75 cen ti mét và phải cộng thêm độ lún đất, độ dâng của thủy triều và sóng biển dâng trong trường hợp có bão. Tổng cộng nước biển có thể dâng hơn 2,5 mét, khả năng toàn bộ ĐBSCL bị ngập sẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Các số liệu đo đạc thực tế tại chỗ cho thấy như sau: Mỗi năm trước đây đồng bằng nhận 160 triệu tấn phù sa, bình quân bồi đắp cho ĐBSCL 1-2 mi li mét/năm. Mực nước biển dâng trung bình của biển Đông là 3,5 mi li mét, tối thiểu là ±0,7 mi li mét/năm. Nhưng theo nghiên cứu của dự án “Rise and Fall” của ĐBSCL thì đất lún tại đồng bằng là 10-30 mi li mét/năm. Như vậy, nước biển dâng và đất lún sẽ làm ĐBSCL chìm nhanh xuống đáy biển và đó phải là vấn đề mà tất cả chúng ta, cả nước thậm chí là thế giới, cần quan tâm giải quyết ngay từ bây giờ nếu không muốn chậm trễ.

“Chương trình đồng bằng thích ứng”

Không chỉ ĐBSCL, tất cả các vùng đồng bằng trên thế giới đang phải đối mặt với tình huống tương tự, đó là sự thay đổi khí hậu và sự sạt lở bờ sông, bờ biển. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải đối mặt với vấn đề gia tăng dân số, và hàng loạt vấn đề về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Điều này đòi hỏi một cách lập kế hoạch mới, mà chúng tôi tạm gọi là “Chương trình đồng bằng thích ứng” (Chương trình). Chương trình sẽ tìm cách tối đa hóa tính linh hoạt của các lựa chọn thích ứng để tối đa hóa lợi ích đầu tư và giảm các hối tiếc không đáng có.

Chương trình được thể hiện dưới dạng một dự án tổng thể có mục tiêu dài hạn là giữ cho ĐBSCL an toàn về lâu dài và là một nơi hấp dẫn để sinh sống và làm việc. Trong đó sẽ có những mục tiêu ngắn hạn hàng năm. Nội dung, ngân sách và chủ nhiệm của chương trình phải được Quốc hội phê duyệt, đồng thời giao chính quyền các cấp có trách nhiệm kịp thời phối hợp thực hiện. Đây không phải là một phản ứng để đối phó với thiên tai mà là một kế hoạch dài hạn để giảm thiệt hại đến mức tối thiểu cho ĐBSCL nếu có thiên tai, và kiến tạo ĐBSCL thành vùng dân cư sông nước, rất tốt cho sinh sống và làm việc cũng như du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng.

Chương trình có quy mô toàn vùng, liên ngành, dài hạn đến năm 2100 và xa hơn. Ngoài ra, phải xem xét việc hợp tác, tranh thủ các quốc gia trên thượng nguồn sông Mêkông và vùng ASEAN để thực hiện thành công chương trình.

Một số nội dung chính có thể kể:

(1) Nghiên cứu tìm hiểu thực tế diễn biến biến đổi khí hậu, năng lực và các mục tiêu thích ứng mong muốn của cư dân tại ĐBSCL.

(2) Nghiên cứu các mục tiêu thích ứng phù hợp như: (a) Cung cấp đủ nước ngọt cho sinh hoạt và cho các hoạt động của nền kinh tế của hơn 17 triệu người; (b) Quản lý rủi ro do hạn hán và do lũ lụt, ngập úng. Quy hoạch kiến thiết đất đai toàn vùng kết hợp bổ cập nước ngầm để chống lún đất, tạo điều kiện để xây dựng hệ thống công trình trị thủy hiệu quả và lâu dài; (c) Tạo sinh kế bền vững cho tất cả mọi người, nhất là thành phần dễ bị tổn thương. Phát triển các loại công nghiệp phục vụ cuộc sống xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, nước. Phát triển thêm các dịch vụ sức khỏe, hậu cần và trung chuyển hàng hóa... Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chuyển đổi từ từ sang sản xuất hữu cơ nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng và gia tăng giá trị nông sản làm được;

(3) Quy hoạch được một không gian sống hài hòa cho không chỉ dân cư tại chỗ mà còn cho các loài động thực vật, sinh vật hoang dã bản địa và hấp dẫn khách du lịch đến thăm hàng năm.

(4) Xây dựng luật bảo tồn phát triển đồng bằng theo hướng bảo vệ sinh mạng và nâng cao cuộc sống con người là chính, kèm theo yêu cầu thân thiện môi trường và sinh thái địa phương. Quy định các điều khoản để hỗ trợ cho thực thi thành công chương trình; quy định về tổ chức bộ máy và quyền hạn; quy định về mối quan hệ trực thuộc, phụ thuộc hay hỗ trợ giữa các bên có liên quan; quy định về quy trình bổ sung thay đổi kế hoạch, quy định về thành lập nguồn vốn và quản lý sử dụng nguồn vốn.

Nhưng chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ, vì việc lập chương trình, kế hoạch và thực hiện các biện pháp, xây dựng công trình phải mất hàng thập kỷ, đôi khi dài hơn, trong khi thời gian giải cứu đồng bằng chỉ còn tính bằng năm.

­(*) Nguyên Chánh văn phòng Công tác biến đổi khí hậu (CCCO) thành phố Cần Thơ, Việt Nam.

(1) “Năng lượng hóa thạch” = tên gọi chung của dầu mỏ, than đá và khí mỏ.

(2) “Khí nhà kính” = là các loại khí CO2, CH4, N2O, khí nhân tạo như CFC, HCFC, SF6.

Kỷ Quang Vinh*