Đẩy mạnh sản xuất bền vững để cứu ngành hồ tiêu
Rủi ro từ giống tiêu lạ
Hiện vụ thu hoạch hồ tiêu 2016/2017 đã bước vào giai đoạn kết thúc, nông dân đang bắt đầu chuẩn bị cho mùa vụ mới. Trong khi đó, Hiệp hội hồ tiêu vừa thông tin, tại một số địa phương đang xuất hiện tình trạng nông dân (đặc biệt là những nông dân chưa có kinh nghiệm canh tác hồ tiêu) mua một số giống hồ tiêu mới, thường được gọi là “tiêu lạ” được một số cơ sở bán giống quảng cáo là giống ngoại, gọi là giống tiêu Sri Lanka hoặc giống tiêu Thái Lan, tiêu Campuchia.
Hiệp hội Hồ tiêu khẳng định những giống này hoàn toàn là nhập chui theo con đường tiểu ngạch, hình ảnh giới thiệu về loại tiêu này cùng có chung đặc điểm là gié ra thành chùm rất dài, có thể gấp 2-3 lần chiều dài gié tiêu các giống đang trồng phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Điều này khiến nhiều nông dân kỳ vọng là sẽ cho năng suất cao hơn để kiếm thêm thu nhập.
Dù cho năng suất thấp hơn, nhưng việc sản xuất hữu cơ mang lại sự phát triển bền vững cho cây hồ tiêu. Ảnh: T.HiỀN. |
Những năm qua, việc giá hồ tiêu luôn ở mức cao, trên 150.000 đồng/kg đã kích thích nông dân ồ ạt mở rộng diện tích. Hiện diện tích trồng hồ tiêu của Việt Nam đã vượt 100.000 ha, cao gấp 2 lần quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra. Việc chạy theo diện tích, sản lượng mà không chú trọng tới kỹ thuật canh tác đã dẫn tới tình trạng nhiều vùng trồng tiêu rơi vào cảnh sâu bệnh, chết hàng loạt. Hiện mỗi năm Việt Nam sản xuất 150.000 – 180.000 tấn hồ tiêu, nhưng diện tích trồng hồ tiêu hữu cơ vẫn còn thấp. Trong khi đó, nhiều quốc gia đang hướng tới mục tiêu sử dụng các sản phẩm hữu cơ dẫn tới nhu cầu đối với các sản phẩm này dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới. |
Tuy nhiên, việc sử dụng các giống tiêu “lạ” này là hết sức rủi ro, nguy hiểm bởi cây hồ tiêu là cây hết sức nhạy cảm với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai,… Thông thường với các sinh vật, kể cả các cây trồng dễ sinh trưởng cũng phải được đăng ký nhập nội, được cơ quan khoa học thử nghiệm diện hẹp, diện rộng trên những vùng sinh thái khác nhau, có đánh giá về tính thích ứng, khả năng cho năng suất, mức độ nhiễm sâu bệnh… rồi mới khuyến cáo cho nông dân có nên sử dụng hay không.
Việc này hết sức quan trọng bởi nó không chỉ giúp nông dân giảm thiểu rủi ro khi đầu tư trồng mới mà còn giúp đảm bảo ổn định hệ sinh thái của từng vùng bởi nếu mất cân bằng sinh thái sẽ rất có thể gây bùng phát dịch bệnh.
Tuy nhiên, hiện nay các giống “tiêu lạ” đang lưu thông trên thị trường nước ta đều chưa được thực hiện theo qui trình này. Do đó, chưa thể chắc chắn rằng những giống tiêu này có thực sự cho năng suất cao và có phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam.
Ngoài ra, hiện nay sản lượng hồ tiêu của Việt Nam đã bắt đầu vượt cầu khiến giá đang có xu hướng đi xuống, việc chạy theo năng suất cao khiến nguồn cung quá cao sẽ càng khiến giá hồ tiêu thêm giảm mạnh. Do đó, thay vì chạy theo năng suất, Hiệp hội Hồ tiêu khuyến nghị nông dân nên đầu tư canh tác theo hướng bền vững, theo đó cần cẩn trọng trong việc sử dụng các giống tiêu mới để tránh rủi ro mất tiền đầu tư.
Những mô hình tiên phong
Trong khi đó, tại xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận đang liên kết với các hộ dân sản xuất hồ tiêu sạch theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đã được thay thế bằng các loại phân hữu cơ, phân chuồng, chế phẩm sinh học.
Ông Đào Duy Hải, Giám đốc HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận chia sẻ, HTX đã bắt đầu chuyển đổi sang mô hình canh tác hữu cơ từ 3 năm trước. Hiện sản phẩm hồ tiêu của HTX đã đạt nhiều chứng nhận như Euro GAP, Global GAP, USDA… Đặc biệt, tháng 9/2016 vừa qua, HTX đã được chứng nhận là HTX hồ tiêu sinh thái.
Ông Hải cho hay, trước đây, khi sản xuất hồ tiêu theo cách thức thông thường, năng suất các vườn tiêu có thể đạt tới 7 tấn/ha. Tuy nhiên, qua thời gian, ông nhận thấy việc ép năng suất đưa cây tiêu tới nguy cơ cao bị nhiễm bệnh, thậm chí có thể chết hàng loạt.
Do đó, ông Hải cùng các thành viên ban chủ nhiệm HTX đã vận động các nông dân tham gia sản xuất hồ tiêu hữu cơ với mong muốn đảm bảo sự phát triển bền vững cho cây hồ tiêu. Hiện HTX có 11 thành viên với tổng diện tích 50ha. Các thành viên tham gia HTX phải tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn kỹ thuật của bộ phận kỹ thuật và sự giám sát chặt chẽ của ban kiểm soát môi trường của HTX.
Theo đó, việc sản xuất hồ tiêu tiêu theo hướng hữu cơ không cho năng suất cao như trước, chỉ đạt khoảng 3 tấn/ha. Tuy nhiên ông Hải cho hay, chính người nông dân là người được hưởng lợi đầu tiên từ hướng canh tác này. Theo đó, người nông dân không phải tiếp xúc với các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, giúp tránh được các nguy cơ về sức khỏe, thêm vào đó, cây hồ tiêu ít bị sâu bệnh, năng suất được duy trì ổn định.
Theo ông Hải, sau một thời gian triển khai, các nông dân cũng đã thấy được những lợi ích lâu dài của việc sản xuất hữu cơ, do đó, HTX đang chuẩn bị kết nạp thêm 100 xã viên, giúp tổng diện tích được mở rộng thêm 300 ha. Đây là một tín hiệu đáng mừng về sự lan tỏa của hình thức canh tác bền vững trong nông dân. Hiện sản phẩm của HTX đã được một số các công ty thu mua và xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu…
Tương tự như HTX Đồng Thuận, nhiều vùng trồng hồ tiêu lớn cũng đang đẩy mạnh triển khai các mô hình nông dân tự liên kết và kết hợp với DN để sản xuất hồ tiêu sạch. Điển hình như mô hình liên kết giữa Công ty Nespice và các nông dân tỉnh Bình Phước, mô hình liên kết của Công ty Dona Techno với các nông dân tỉnh Đồng Nai…