|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bài toán gia tăng giá trị cho hồ tiêu

16:24 | 08/02/2018
Chia sẻ
Trước những bất cập của việc tăng nóng diện tích, trong thời gian gần đây, ngành hồ tiêu đã có những chuyển biến nhất định trong sản xuất và chế biến. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, vẫn cần có thêm nỗ lực từ phía Nhà nước và DN để gia tăng giá trị cho sản phẩm hồ tiêu Việt Nam.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo định hướng, thời gian tới, ngành hồ tiêu sẽ tập trung khai thác tốt các thị trường truyền thống gồm các nước Tây Âu, Đông Á và Bắc Mỹ. Theo đó chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm tiêu chất lượng cao (tiêu sạch, tiệt trùng, đạt tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSA), các sản phẩm tiêu chế biến sâu mang thương hiệu Việt Nam và có nguồn gốc chỉ dẫn địa lý. Đối với các nước vùng Tây Á, Trung Đông và châu Phi, tập trung chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm tiêu đen xô chất lượng thường (tiêu chuẩn FAQ), đồng thời từng bước hướng các thị trường này sang tiêu thụ các sản phẩm tiêu chất lượng cao (tiêu chuẩn ASTA) theo xu hướng chung của thế giới.

Ông Đức lưu ý, ngành hồ tiêu cũng cần từng bước thâm nhập thị trường tiêu thụ cuối cùng tại các nước tiêu thụ, đó là thị trường tiêu chất lượng cao (tiêu xay, tiêu hạt đóng chai, các sản phẩm tiêu gia vị) bán trực tiếp cho các nhà phân phối gia vị lớn với chuỗi siêu thị, nhất là các khu bán gia vị châu Á và bán trực tiếp cho các nhà chế biến thực phẩm tại các nước tiêu thụ. Muốn thâm nhập thị trường này, đòi hỏi doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu cần phải có hệ thống nhà máy chế biến tốt, xây dựng được thương hiệu cho hồ tiêu của nhà máy mình và chứng tỏ được có khả năng cung cấp nguồn hàng đều đặn, lâu dài cho khách hàng.

Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu, tính đến năm 2017, ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam có 20 nhà máy chế biến, trong đó có 5 nhà máy của DN FDI. Các nhà máy đều có công nghệ hiện đại, đảm bảo có thể xử lý, chế biến các loại hồ tiêu đạt chất lượng theo tiêu chuẩn toàn cầu. Với đa số các thị trường, ngành tiêu Việt Nam đã có thể đáp ứng mọi yêu cầu về chất lượng của các khách hàng như xử lý tiêu sạch theo ETO, tiêu sạch FAQ 400/450/480/500/550/ 600g /l, tiêu sạch tiêu chuẩn ASTA (cho thị trường Mỹ), tiêu xử lý tiệt trùng, thanh trùng (HTST)... Nhiều nhà máy được đầu tư thiết bị chế biến hiện đại nhất trong ngành chế biến hồ tiêu thế giới, đạt các Chứng chỉ cao nhất hiện nay đối với mặt hàng hạt tiêu thế giới, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như chứng chỉ BRC-Food, HACCAP, GMP, LEED; ISO 22000; ISO 9001: 2008; SAN (RA)...

bai toan gia tang gia tri cho ho tieu
Hồ tiêu Việt Nam còn thua kém nhiều nước về mức độ đa dạng hoá sản phẩm. Ảnh: ST.

Thời gian gần đây, giá trị mặt hàng tiêu trắng ngày càng tăng nên nhiều DN cũng đẩy mạnh chế biến tiêu trắng. Đặc biệt, một số nhà máy chế biến tiêu trắng với số lượng lớn đã được trang bị công nghệ cao, xử lý sản phẩm qua hơi nước, tiệt trùng, đóng bao hút chân không, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, sản phẩm tiêu bột và tiêu xanh ngâm nước muối cũng đang được nhiều thị trường nước ngoài quan tâm. Điển hình là công ty TNHH KSS Việt Nam đã cung ứng trên 30 chủng loại tiêu cho thị trường Nhật Bản và các nước khác.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, so với 2-3 năm trước, tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu Việt Nam năm nay được cải thiện đáng kể do nông dân đã nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của chất lượng. Nhiều nông dân lo lắng hồ tiêu sử dụng thuốc nhiều khiến dư lượng vượt mức cho phép sẽ khó tiêu thụ nên đã chú ý sử dụng đúng quy cách hơn. Cùng với đó, đã có sự chuyển biến trong công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống sản xuất và phân phối thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian gần đây, nhiều DN và các tổ chức quốc tế hỗ trợ sản xuất tiêu sạch đang triển khai mạnh ở các vùng trồng hồ tiêu.

Điển hình như tại Bình Phước đang triển khai dự án phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững. Sau 5 năm triển khai, tại đây đã phát triển được 24 câu lạc bộ hồ tiêu bền vững với 510 nông hộ tham gia trên diện tích 688ha đạt chứng nhận Rainforest, sản lượng đạt gần 1.600 tấn, giá thu mua cao hơn bình quân giá thị trường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Những tháng cuối năm 2017, dự án đã tiếp tục vận động thành lập mới thêm 36 câu lạc bộ, nâng tổng số câu lạc bộ tham gia lên 60 câu lạc bộ với 1.547 hộ trồng tiêu, qua đó giúp mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả dự án. Tại nhiều địa phương khác như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Gia Lai… cũng đã hình thành các hợp tác xã sản xuất hồ tiêu sạch, hồ tiêu hữu cơ…

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, so với một số nước sản xuất, chế biến hồ tiêu khác thì hồ tiêu Việt Nam còn thua kém về mức độ đa dạng hoá sản phẩm do ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam còn khá non trẻ. Hồ tiêu Việt Nam hiện chưa xây dựng được thương hiệu, hình ảnh, chưa đầu tư vào khâu nghiên cứu - phát triển và tiếp thị. Chiến lược của ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam cũng chưa định hình rõ nét các sản phẩm chủ lực do vậy chủ yếu vẫn xuất thô với các sản phẩm truyền thống là tiêu đen, tiêu trắng và một số sản phẩm tiêu xay nghiền các loại (nhưng thị phần còn khá nhỏ).

Theo đó, cần xây dựng chiến lược đa dạng hoá sản phẩm từ hồ tiêu, có chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ hồ tiêu đi kèm chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển về lĩnh vực này để gia tăng giá trị.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Thực tế diện tích hồ tiêu trên thế giới trong thời gian qua vẫn tăng, đặc biệt ở một số nước như Brazil hay Campuchia. Với lợi thế năng suất tiêu của Việt Nam hiện đang cao gấp 2,5 lần so với năng suất trung bình thế giới và công nghệ chế biến ngày càng được cải thiện, Việt Nam có thể chi phối và điều tiết thị trường hồ tiêu thế giới. Mặt khác việc giảm sâu diện tích so với hiện nay sẽ khó khả thi thấp, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và việc làm của người sản xuất. Vì thế, Việt Nam nên duy trì ổn định diện tích trồng hồ tiêu khoảng 100.000 - 120.000 ha, diện tích cho sản phẩm 95.000 ha, năng suất bình quân 25-27 tạ/ha, sản lượng khoảng 237-256 ngàn tấn. Đến năm 2030, giữ ổn định diện tích trồng hồ tiêu 100.000 ha, diện tích cho sản phẩm 90.000 ha, năng suất bình quân 27 tạ/ha, sản lượng khoảng 243 ngàn tấn.

Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh:

Từ năm 2012, Phúc Sinh đã bắt tay với nhiều hộ nông dân ở Buôn Mê Thuột, thực hiện dự án trồng tiêu theo tiêu chuẩn Rain Forest và đạt được chứng nhận này vào năm 2014. Nhờ đó, mỗi năm Phúc Sinh xuất khẩu 20.000 - 25.000 tấn hạt tiêu, trong đó có 40% xuất sang EU, nơi đặt ra những yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm đối với hạt tiêu nhập khẩu.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước:

Trước đây, chỉ khoảng 50% hồ tiêu Bình Phước đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để xuất khẩu sang EU. Nhưng sau khi Công ty Nedspice cùng Trung tâm Khuyến nông Bình Phước phối hợp với nông dân thực hiện dự án phát triển bền vững trên 1.000ha tiêu, thì lượng tiêu thu hoạch được ở diện tích này, qua kiểm tra, có tới 82% đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU.

N.H (ghi)

Khải Kỳ