Dân vây nhà máy thép, lãnh đạo Đà Nẵng xin hoãn đối thoại
Đổi đất lấy hạ tầng, Đà Nẵng thất thu | |
Thủ tướng: Đặc biệt theo dõi, giám sát môi trường tại nhà máy thép của Formosa |
Chiều 27/2, ông Hồ Kỳ Minh - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã chủ trì buổi đối thoại với người dân xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) sau động thái người dân vây hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc (thôn Vân Dương 2) vào tối qua.
"Hàng trăm người dân phải chịu mùi hôi, sống trong bụi bặm; nhiều người mắc bệnh", ông Nguyễn Văn Tiến (32 tuổi, thôn Vân Dương 2) nêu ý kiến với lãnh đạo thành phố.
Người dân sau đó dồn dập bày tỏ bức xúc. Ông Phan Mười (thôn Vân Dương 2) nói chính quyền đã quyết định di dời toàn bộ hộ dân nhưng sau hơn một năm họ vẫn không được chuyển đến nơi ở mới. "Một là di dời nhà máy, hai là đưa người dân chúng tôi đi nơi khác", ông Mười nói và cho rằng đại diện chính quyền không nên hứa suông, cần trả lời dứt khoát.
Lắng nghe ý kiến người dân, nhưng ông Hồ Kỳ Minh khất lại buổi đối thoại sang chiều 28/2 vì "chưa có sự chuẩn bị đầy đủ".
Nhiều người dân buồn bã ra về và khẳng định tiếp tục bao vây nhà máy đến khi được giải quyết dứt điểm.
Người dân bày tỏ bức xúc khi phải sống chung với ô nhiễm nhiều năm liền vào chiều 27/2. Ảnh: N.T. |
Đêm qua, người dân mang theo bạt đến dựng lán tạm trước cổng hai công ty thép Dana Ý và Dana Úc, mua mì tôm về tập trung phản đối tình trạng ô nhiễm họ phải gánh chịu suốt nhiều năm qua.
Trước đó vào tháng 12/2016, người dân từng dựng lán vây hai nhà máy thép này. Lúc đó ông Hồ Kỳ Minh đã đến đối thoại với người dân Hòa Liên, đưa ra yêu cầu hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc dừng hoạt động để nâng cấp, khắc phục hậu quả ô nhiễm. Người dân sau đó đồng ý dỡ lán.
HĐND thành phố từng đem vấn đề này ra chất vấn. Về phía chính quyền đã lên phương án di dời người dân.
Sau nhiều động thái của các bên liên quan, người dân vẫn phải sống chung với ô nhiễm khiến họ bức xúc.
Ông Hồ Kỳ Minh xin khất buổi đối thoại với người dân lại một ngày. Ảnh: N.T. |
Tháng 12/2017, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa trong buổi làm việc với huyện Hòa Vang đã khẳng định vị trí đặt hai nhà máy thép là "phá nát hết cả khu vực vì tiếng ồn, khói bụi".
Ông Nghĩa nói chủ trương của thành phố không kêu gọi xây dựng nhà máy thép. "Bây giờ nếu di dời dân xong mà vẫn tồn tại nhà máy thép thì các ngành khác sẽ không thể vào khu công nghiệp này để sản xuất được. Đề nghị chính quyền cần giải quyết một lần cho xong, chứ không phá vỡ hết quy hoạch của thành phố", ông Nghĩa nói.