Dân số châu Á đang già nhanh hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde kêu gọi tăng tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động - Ảnh: EPA |
Nghiên cứu cho thấy dân số châu Á đang già nhanh hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới. Dự báo Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia có dân số "siêu già" đầu tiên, với 28% dân số từ 65 tuổi trở lên, tiếp đó là Hàn Quốc với 20% dân số trong độ tuổi này vào năm 2030. Bà Lagarde cảnh báo các nước có dân số già hóa nhanh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan sẽ có lực lượng lao động bị thu hẹp trong tương lai và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp hơn khoảng 1% điểm. Do Trung Quốc và Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 trên thế giới, nên việc hai nước này tăng trưởng chậm lại sẽ tác động tiêu cực đến toàn cầu. Phát biểu tại hội nghị tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) về những thách thức mà các nền kinh tế châu Á đang đối mặt, bà Lagarde nhấn mạnh tại nhiều quốc gia, phụ nữ phải nhận mức lương thấp hơn so với các đồng nghiệp nam. Vì vậy, các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản cần tăng số phụ nữ tham gia lao động, tập trung cải cách hệ thống thuế để khuyến khích họ đi làm thông qua việc tăng trợ cấp chăm sóc trẻ em và ưu đãi thuế cho lao động bán thời gian. Bà Lagarde cho rằng việc thu hẹp khoảng cách giới tính trong thị trường việc làm sẽ giúp Nhật Bản tăng 9% GDP, Hàn Quốc 10% và Ấn Độ 27%. Theo bà, một mạng lưới phúc lợi xã hội mạnh hơn, trong đó có hệ thống trợ cấp hưu trí đáng tin cậy có vai trò quan trọng với Trung Quốc, bởi điều này tạo thuận lợi cho việc chuyển sang tăng trưởng kinh tế do tiêu dùng thúc đẩy. Các nước mới nổi và đang phát triển như Campuchia và Ấn Độ cũng sẽ thu lợi từ việc mở rộng quyền tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho trẻ em gái và thúc đẩy việc tiếp cận tài chính cho phụ nữ. Về phần mình, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc Lee Ju-yeol kêu gọi các nước châu Á cần thực hiện các bước để tăng tỷ lệ sinh và khuyến khích người già, phụ nữ làm việc lâu hơn do khu vực này chưa sẵn sàng ứng phó với lượng lao động giảm mạnh. Trước đó, báo cáo của IMF cho thấy tỷ lệ tăng dân số của châu Á sẽ rơi xuống 0% trong năm 2050 và tỷ lệ những người trong độ tuổi lao động, đang ở mức đỉnh, sẽ giảm trong những thập kỷ tới. Báo cáo này hối thúc các nhà hoạch định chính sách cần sớm giải quyết vấn đề trên nếu không nhiều khu vực sẽ trở nên già hóa trước khi đạt được thịnh vượng.