Đại án Trầm Bê: Luật sư đề nghị rút truy tố cựu lãnh đạo BIDV Gia Định
Ngày 30-1, TAND TP HCM tiếp tục phiên xử đại án tiêu cực xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) gây thất thoát số tiền 6.127 tỉ đồng. Các luật sư tiếp tục tranh luận các khoản tiền mà các bị cáo đã ký cho vay cũng như khoản dân sự liên quan.
Bảo vệ cho bà Hứa Thị Phấn (cựu lãnh đạo Trustbank), luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo (Đoàn Luật sư TP HCM) bảo lưu 7 luận điểm đã trình bày trước đó để bảo vệ quan điểm không thu hồi 600 tỉ đồng của bà Phấn để khắc phục hậu quả cho VNCB.
Nhiều vấn đề sẽ phát sinh
Luật sư Thảo cũng bảo lưu quan điểm cho rằng bà Phấn không phải là tác nhân gây ra sự đổ vỡ của VNCB như kết cuộc bây giờ bởi vì ông Danh là người đặt vấn đề mua Trustbank và mua từ ông Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch OceanBank).
Ngoài 7 luận điểm mà luật sư đã trình bày thể hiện sự đồng thuận đối với nội dung luận tội của VKS trong phần trách nhiệm dân sự là hợp lý hợp tình, hoàn toàn có căn cứ pháp lý và phù hợp với yêu cầu của VNCB khi không đề nghị thu hồi 600 tỉ thì luật sư còn trình bày thêm một số vấn đề.
Ông Trầm Bê sau phiên tòa (ảnh: Phạm Dũng) |
Theo đó, nếu 600 tỉ đồng của bà Phấn được cho là vật chứng của vụ án thì những vấn đề pháp lý phát sinh sẽ được giải quyết như thế nào để đảm bảo việc xét xử vụ án là bình đẳng, công bằng, toàn diện và khách quan?
Nếu cho rằng 600 tỉ được chuyển cho bà Phấn, 194 tỉ được chuyển cho ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh) là vật chứng vụ án phải thu hồi thì theo nguyên tắc bình đẳng, toàn bộ số tiền 3 ngân hàng TPBank, Sacombank và BIDV đã giải ngân tổng cộng là 8.166,8 tỉ đồng cũng là vật chứng để thu hồi. Điều này dẫn đến tổng số tiền phải thu hồi là 14.293 tỉ đồng.
Nếu vậy, số tiền vật chứng 8.166,8 tỉ đồng thu hồi dư sẽ được giải quyết như thế nào? Trong khi 600 tỉ đồng này không phải là thiệt hại, không phải là hậu quả trực tiếp từ hành vi phạm tội xảy ra tại 4 ngân hàng đang được xét xử.
Hơn nữa, qua quá trình khởi tố, điều tra và truy tố thì số tiền 600 tỉ đồng này không được xác định là vật chứng của vụ án, không áp dụng quy trình thu hồi, bảo quản vật chứng theo quy định.
Đồng thời, 600 tỉ đồng này không thuộc phạm vi phải xử lý "vật chứng của vụ án" được cáo trạng xác định. Từ đó, luật sư đề nghị không thu hồi 600 tỉ đồng của bà Hứa Thị Phấn.
Ai ký cho vay 325 tỉ đồng?
Trước đó, bị cáo Hoàng Long Hà (Nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam Chi nhánh Gia Định -BIDV Gia Định) đã nói rằng chỉ ký cho Công ty Phong Hiệp vay 105 tỉ đồng còn 325 tỉ đồng ai ký thì không biết.
Theo Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) thì trong phần đối đáp, VKS cho rằng ông Hà đã ký cho Công ty Phong Hiệp vay 430 tỉ đồng trong thời hạn vay 6 tháng và lãi suất 13%/ năm.
Hợp đồng cầm cố tài sản bảo đảm của bên thứ 3 với bên cầm cố là VNCB và bên được bảo lãnh là Công ty Phong Hiệp với tài sản cầm cố là giá trị là 200 tỉ đồng, hợp đồng tiền gửi trị giá 125 tỉ. Do đó không có cơ sở nói rằng Hà không tham gia phê duyệt khoản vay 325 tỉ này.
Tuy nhiên, luật sư Quỳnh Thi cho rằng VKS đang đánh giá trên bề mặt tổng thể món vay 430 tỉ, luật sư thừa nhận ông Hà có ký trên bề mặt tổng thể hồ sơ món vay 430 tỉ cho Công ty Phong Hiệp. Nhưng luật sư đang chứng minh ông Hà không hề ký phê duyệt giải ngân cho khoản vay 325 tỉ, khoản vay đang cho là sai phạm nên bảo lưu quan điểm, chờ HĐXX phán quyết.
Luật sư bào chữa cho ông Hà tập trung đối đáp quan điểm của VKS đề nghị chấp nhận một phần ý kiến bào chữa của luật sư và đề nghị HĐXX khoan hồng cho các bị cáo ở BIDV Gia Định
Luật sư cho rằng đây là nút thắt trong việc tranh luận ông Hà có phạm tội như cáo trạng quy kết hay không? Trước đó, VKS thống nhất 3 bị cáo tại BIDV Gia Định không quen biết, không bàn bạc, không tiếp nhận ý kiến
Tuy nhiên, do các nguyên nhân bỏ qua các quy trình khi cho vay đó là lỗi cố ý gián tiếp vì từ sự chủ quan trong hành vi đã trực tiếp tạo điều kiện cho Trần Hiệp, Giám đốc công ty Phong Hiệp vay được tiền và giúp Phạm Công Danh có được tiền để sử dụng.
Từ đó, luật sư suy luận rằng rõ ràng không có gì để cáo buộc ông Hà có vai trò đồng phạm giúp sức cho Danh có được tiền.
Nếu yếu tố đồng phạm đã không còn tồn tại thì việc Ngân hàng Nhà nước kết luận 12 hồ sơ cho vay theo chủ trương của Hội sở BIDV có vi phạm về quy trình cho vay đi chăng nữa thì cũng là dấu hiệu vi phạm của điều luật "Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", nhưng hậu quả không xảy ra tại BIDV Gia Định nên không thỏa mãn một tội danh độc lập khác.
Chính vì vậy luật sư đề nghị VKS xem xét lại các bút lục có trong hồ sơ cũng như qua phần phân tích chứng cứ để rút truy tố ông Hà trước khi HĐXX kết thúc phần tranh luận.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/