|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đã có 2 quốc gia phê chuẩn, CPTPP sẽ hiệu lực vào đầu năm tới

08:33 | 10/07/2018
Chia sẻ
Tính đến nay, đã có 2 trong 11 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức phê chuẩn hiệp định này, riêng Việt Nam dự định thông qua CPTPP vào tháng 10-2018.
da co 2 quoc gia phe chuan cptpp se hieu luc vao dau nam toi
Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) trình bày tại hội thảo hôm 9-7 tại Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Phát biểu tại hội thảo “Thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” được tổ chức ở thành phố Cần Thơ vào hôm nay, 9-7, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, sắp tới 11 nước thành viên CPTPP sẽ gặp nhau tại Hakone (Nhật Bản) để bàn về việc mở rộng thành viên, cách phê chuẩn và thực thi hiệp định này.

Theo ông Khanh, tính đến nay, đã có 2 nước chính thức thông báo kết thúc quá trình phê chuẩn CPTPP, gồm Mexico và Nhật Bản. Dự kiến, Chile cũng thông qua, Canada đã trình quốc hội và tiếp theo là Úc, New Zealand.

Riêng Việt Nam có kế hoạch đưa CPTPP ra phê chuẩn trong tháng 10-2018 tại kỳ họp Quốc hội tới. “Đó là thời điểm không còn dài, nhưng chúng ta đang nỗ lực phê chuẩn hiệp định này trong năm nay để có thể đưa CPTPP thực thi vào đầu năm 2019”, ông nói.

Theo quy định của CPTPP, chỉ cần 6 quốc gia phê chuẩn và không quan trọng chiếm bao nhiêu phần trăm (%) GDP của 11 quốc gia thành viên, thì hiệp định này sẽ chính thức được thông qua. Đây là điểm khác so với yêu cầu của TPP trước đây, là phải có 8 quốc gia thành viên phê chuẩn và phải chiếm đến 85% GDP thì hiệp định mới có hiệu lực.

"Từ nay đến cuối năm 2018, khả năng đạt được 6 thành viên phê chuẩn thông qua CPTPP để đến đầu 2019 có hiệu lực là khá cao", ông Khanh nhấn mạnh.

Do thời gian CPTPP có hiệu lực đã rất gần nên theo lưu ý của ông Khanh, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan cấp phép đầu tư và những cơ quan thực thi cam kết CPTPP cần phải chuẩn bị sẵn sàng. Bởi nếu không có sự chuẩn bị, thì cơ hội đến sẽ không nắm bắt được và thách thức đến cũng không xử lý được.

Liên quan đến CPTPP, tại một sự kiện gần đây ở An Giang, bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA của Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cho đến khi CPTPP có hiệu lực, Việt Nam cần phải sửa đổi quy định pháp luật nhiều hơn nữa theo hướng tạo công bằng, thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Đây là lợi ích lâu dài và được đánh giá rất lớn của FTA (hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới này đối với nền kinh tế đất nước.

Theo dự báo của bà, rào cản phi thuế thời gian tới sẽ được minh bạch hơn, nhưng tần suất sẽ nhiều hơn. “Trong CPTPP, các nước cố gắng đàm phán để tiết chế vấn đề rào cản phi thuế quan, nhưng chỉ tiết chế được ở phần thủ tục, tức khi ban hành phải công bố minh bạch, rõ ràng và các nước được quyền tham vấn, cho ý kiến. Nhưng, việc hạn chế là không, các nước vẫn toàn quyền trong việc đưa ra các hàng rào phi thuế quan”, bà nói.

Đối với cam kết dịch vụ đầu tư, trong CPTPP, tất cả những lĩnh vực muốn bảo lưu (không mở cửa) thì phải đưa vào, tức không đưa vào danh mục bảo lưu có nghĩa là mở cửa. Đây là một điều ngược lại so với các FTA trước đó.

Còn về cưỡng chế giải quyết tranh chấp, thì nhà đầu tư có quyền yêu cầu thành lập một hội đồng trọng tài để xem xét việc chính phủ nào đó có thực thi đầy đủ phán quyết của tổ chức trọng tài hay không. Nếu kết quả là “không” thì đưa ra một khuyến nghị và căn cứ trên khuyến nghị này, nhà đầu tư có thể yêu cầu đảm bảo thi hành quyết định trọng tài theo công ước ICSID, Công ước New York, Công ước liên châu Mỹ. Đây là yêu cầu thực thi bắt buộc và nếu vi phạm sẽ có chế tài xử phạt, trong khi đó, các FTA trước không có chế tài xử lý.

FTA- bài toán chống thâm hụt thương mại

Ông Khanh cho biết, hiện Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, 10 FTA đã ký kết, có hiệu lực; 2 FTA đã ký kết, chưa có hiệu lực; 2 FTA đã kết thúc đàm phán và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán. Với số lượng các FTA như vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia FTA nhiều nhất thế giới.

Giải thích lý do Việt Nam tham gia nhiều FTA, theo ông Khanh, là nhằm mục đích chống thâm hụt thương mại. Hiện Việt Nam là nước có độ mở nền kinh tế rất cao, hơn 200% GDP. Thế nhưng, trong thương mại phụ thuộc rất lớn vào khu vực Đông Á, mà cụ thể là với Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN.

Theo đó, với Trung Quốc, trong năm 2017, con số chính thức cho thấy Việt Nam thâm hụt khoảng 23 tỉ đô la; với Hàn Quốc khoảng 30 tỉ đô la; với ASEAN gần 7 tỉ đô la; Đài Loan trên 9 tỉ đô la.

“Chỉ với 4 đối tác này, Việt Nam đã thâm hụt gần 70 tỉ đô la”, ông nói và tiếp tục nhấn mạnh: “Cán cân thanh toán mà năm này qua năm khác thâm hụt gần 70 tỉ đô la thì lấy gì bù?”

Theo ông Khanh, với 70 tỉ đô la thâm hụt thương mại như nêu trên, đồng tiền Việt Nam sẽ chịu áp lực rất lớn về thâm hụt cán cân thánh toán. “Chúng ta hoàn toàn có thể bị lạm phát, nếu tiếp tục duy trì như thế, kinh tế sẽ mất ổn định”, ông cho biết.

Tuy nhiên, Việt Nam có một "bức tranh" khác, đó là thặng dư thương mại với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước.

Cụ thể, với Mỹ, trong 2017 Việt Nam thặng dư khoảng 32,4 tỉ đô la; với EU khoảng 26 tỉ đô la; Liên minh kinh tế Á- Âu khoảng 2 tỉ đô la. “Ba đối tác này đem lại cho chúng ta thặng dư khoảng 60,4 tỉ đô la. Tuy không bù được gần 70 tỉ đô la thâm hụt kể trên, nhưng chúng ta 'kiếm' được thêm ở các thị trường Nhật Bản, Trung Đông…”, ông giải thích lý do tại sao Việt Nam phải thúc đẩy FTA.

“Chúng ta phải có thêm FTA vì đây là lợi ích tổng thể, lợi ích chiến lược cân bằng cả nền kinh tế. Tất nhiên, khi đi vào từng FTA và từng mặt hàng cụ thể, sẽ có doanh nghiệp và lĩnh vực chịu 'đau đớn', nhưng xét về tổng thể, đất nước đang đi lên”, ông nói thêm.

Xem thêm

Trung Chánh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.