|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Công ty Kim Khí TP HCM: Hơn 9.000 m2 đất Phú Thuận bán cho Đất Xanh không phải đất công

18:31 | 12/07/2018
Chia sẻ
Công ty Kim Khí khẳng định, quyền sử dụng đất của dự án Phú Thuận, quận 7, TP HCM không phải là đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, cũng không phải là tài sản công. Vì vậy, việc chuyển nhượng dự án cho Đất Xanh cũng không phải đấu giá, đấu thầu theo quy định.
cong ty kim khi hon 9000 m2 dat phu thuan ban cho dat xanh khong phai dat cong TP HCM đề nghị làm rõ vụ Công ty Kim khí TP HCM bán 9.125m2 đất công cho Đất Xanh không qua đấu giá

Mới đây, CTCP Kim Khí TP HCM (Mã: HMC) vừa lên tiếng phản hồi những thông tin liên quan đến vụ bán đất công diện tích hơn 9.000 m2 tại phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM cho CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG).

cong ty kim khi hon 9000 m2 dat phu thuan ban cho dat xanh khong phai dat cong
Công ty Kim Khí khẳng định, quyền sử dụng đất của dự án Phú Thuận, quận 7, TP HCM không phải là đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, cũng không phải là tài sản công.

"Dự án Phú Thuận không phải đất công"

Theo đó, HMC khẳng định, quyền sử dụng đất của dự án Phú Thuận không phải là đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, cũng không phải là tài sản công.

HMC giải thích, trước thời điểm cổ phần hóa, doanh nghiệp đã được Nhà nước cho thuê khu đất Phú Thuận này với hình thức thuê đất trả tiền thuê hàng năm. Đến tháng 11/2005, khi cổ phần hóa (CPH), HMC vẫn tiếp tục được thuê đất theo hình thức này.

Theo quy định tại Nghị định số 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ, việc doanh nghiệp CPH lựa chọn thuê đất thì không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị tài sản của doanh nghiệp. Nhưng khu đất tại phường Phú Thuận vẫn được HMC quản lý sử dụng. Bản chất, những lô đất này đều là đất thuê trả tiền hàng năm, đều không được tính vào giá trị tài sản doanh nghiệp tại thời điểm CPH vào năm 2005.

Đến năm 2009, HMC được chuyển từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với khu đất nói trên để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình chung cư kết hợp thương mại, dịch vụ. HMC đã nộp tiền sử dụng đất bằng nguồn tài chính của mình vào tháng 7/2011. Vì vậy, khu đất thực hiện dự án Phú Thuận không phải là “đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước”.

Doanh nghiệp sau đó đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho khu đất này, chính thức ghi nhận giá trị quyền sử dụng đất vào tài sản cố định vô hình của HMC.

Công ty Kim Khí TP HCM nêu, một số báo chí cho rằng HMC có hơn 51% vốn nhà nước nên tiền sử dụng đất đã nộp cho khu đất trên cũng có hơn 51% nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Đây là sự nhầm lẫn khái niệm giữa vốn ngân sách nhà nước và nguồn tài chính của doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp nhà nước.

Quyền sử dụng đất của dự án Phú Thuận không phải tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) cũng như theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 (có hiệu lực thời gian trước đó).

HMC chuyển nhượng dự án Phú Thuận có buộc phải đấu giá, đấu thầu?

CTCP Kim Khí TP HCM cũng khẳng định, việc chuyển nhượng dự án Phú Thuận không thuộc các trường hợp phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật tại thời điểm chuyển nhượng. Việc đấu giá tài sản khi đó được thực hiện theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Luật Đất đai năm 2013…

“Một số báo viện dẫn thêm Luật Đấu giá tài sản để cho rằng Kim Khí phải bán đấu giá theo Luật Đấu giá tài sản. HMC khẳng định rằng việc chuyển nhượng dự án đã hoàn tất từ tháng 12/2016 – trước thời điểm Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực (ngày 1/7/2017) nên không phải tuân theo quy định của Luật Đấu giá tài sản”, văn bản của HMC giải thích.

Ngoài ra, UBND TP chấp thuận chủ trương cho HMC được chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền thuê hàng năm sang giao đất để đầu tư xây dựng khu chung cư tại khu đất Phú Thuận, HMC cũng đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính và được thành phố chấp thuận đầu tư dự án. Vì thế, khi HMC chuyển nhượng dự án thì thực hiện theo quy trình chuyển nhượng dự án của pháp luật kinh doanh bất động sản chứ không thực hiện đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật nhà ở và Luật Đấu thầu nữa.

Về việc mức giá chuyển nhượng dự án là 102 tỷ đồng được cho là rẻ, HMC giải thích rằng doanh nghiệp đã tìm kiếm đối tác liên kết hoặc hợp tác đầu tư tại khu đất từ năm 2012. HMC đã chào giá cạnh tranh cho các đơn vị quan tâm và Đất Xanh đã trả giá cao nhất, mức giá này sau đó đã được HĐQT HMC thông qua.

Việc chuyển nhượng tại thời điểm đó là phù hợp với thị trường, đáp ứng mong muốn của HĐQT, cũng giải tỏa được lo ngại nhà nước thu hồi đất do chậm triển khai, thoái vốn ngoài ngành.

Xem thêm

Hiếu Quân