|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Công bố tình trạng khẩn cấp đập hồ Núi Cốc: Sẵn sàng phương án di dân

20:06 | 21/06/2017
Chia sẻ
Đập hồ Núi Cốc bị hư hỏng thấm, vượt quá khả năng cho phép. Nguyên nhân do đập đã được vận hành khai thác sử dụng lâu năm, độ kết dính của đất đắp bị lão hóa không còn đảm bảo chống thấm cho thân đập.

Sau khi tỉnh Thái Nguyên công bố tình trạng khẩn cấp về sự cố đập chính hồ Núi Cốc bị thấm, có nguy cơ gây mất an toàn đập, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ NN&PTNT đã đến kiểm tra trực tiếp tại hiện trường và làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên để bàn biện pháp xử lý.

cong bo tinh trang khan cap dap ho nui coc san sang phuong an di dan

Hồ Núi Cốc có dung tích khoảng 176 triệu m³

Theo báo cáo, đập chính hồ Núi Cốc có hiện tượng thấm nhỏ ở vai bờ tả phía hạ lưu, từ cao trình 45 m đến 46 m. Tại cao trình 44 m hạ lưu bờ tả có hiện tượng thấm nhiều và lan rộng. Rãnh thoát nước hạ lưu đập tại cao trình 32 m và 42 m bị đổ gãy chiều dài 200 m làm tụt các tấm lát mái.

Chia sẻ với Infonet, ông Đồng Văn Tự, Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình và an toàn đập, Tổng cục Thủy lợi cho biết, đập hồ Núi Cốc bị hư hỏng thấm, vượt quá khả năng cho phép.

Nguyên nhân do đập đã được vận hành khai thác sử dụng lâu năm, độ kết dính của đất đắp bị lão hóa không còn đảm bảo chống thấm cho thân đập.

“Công trình đã xây dựng hơn 40 năm, thiết kế xưa, nay đất lão hóa nên xảy ra hiện tượng thấm”, ông Tự cho biết.

Cũng theo ông Tự, hồ Núi Cốc là công trình quan trọng cấp quốc gia, chỉ cần thấm vượt khả năng cho phép là phải quan tâm xử lý ngay.

Nếu không được xử lý kịp thời hiện tượng thấm như đã nêu ở trên thì có khả năng gây nguy hiểm.

Hiện tại các chuyên gia tư vấn đã đánh giá khảo sát về nguyên nhân gây ra sự cố trên, đồng thời đưa ra các giải pháp xử lý.

Theo đó việc khẩn trương là phải sửa chữa đống đá tiêu nước phía hạ lưu đập để hạ thấp đường bão hòa và khoan chống thấm tại tim đập.

Theo ông Tự, việc thấm đập ở Việt Nam đã xảy ra nhiều nhưng hiện công nghệ xử lý rất hiện đại, đảm bảo an toàn nên có thể khắc phục được tình trạng tại đập hồ Núi Cốc. Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ về tư vấn kỹ thuật, đưa ra giải pháp xử lý triệt để và đảm bảo an toàn bền vững cho công trình.

Trước đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Công điện số 32/CĐ-BCH về việc đảm bảo an toàn đập, dân cư và cơ sở hạ tầng vùng hạ du công trình hồ Núi Cốc.

Theo đó, yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lưu lượng đến, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa, diễn biến sự cố thấm qua hai vai đập và qua đập chính; chủ động thông tin, cảnh báo cho người dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở hạ du biết sự cố của hồ để chủ động các biện pháp phòng tránh, nghiêm cấm người dân, gia súc đi lại trên mái đập.

Đồng thời, chủ động xả nước hồ chứa để hạn chế phát triển của sự cố và ngập lụt vùng hạ du; Khẩn trương hoàn thành phương án xử lý cấp bách đảm bảo an toàn hồ Núi Cốc; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai thực hiện đảm bảo an toàn công trình trong đợt mưa lũ này và mùa mưa lũ 2017 khi có yêu cầu.

UBND TP Thái Nguyên, TP Sông Công, Thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình cần rà soát và sẵn sàng triển khai phương án di dân, bảo vệ công trình đê điều, cơ sở hạ tầng vùng hạ du trong trường hợp xả lũ, nhất là xả lũ lớn, vỡ đập đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, hệ thống đê điều, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Hồ Núi Cốc là một trong những hồ nhân tạo được xây dựng từ năm 1973 nhằm mục đích trữ nước làm thủy lợi (có gắn với du lịch) có diện tích lớn ở miền Bắc với tổng diện tích mặt hồ rộng 25km², sâu 35m, dung tích của hồ ước khoảng 176 triệu m³. Hồ được xây dựng để cung cấp nước tưới cho 12.000ha đất và giảm nhẹ lũ cho hạ lưu sông Cầu.

Diệu Thùy

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.