|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Con đường từ doanh giới sang chính giới của ông Trịnh Xuân Thanh

08:38 | 17/09/2016
Chia sẻ
Trước khi đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT PVX vào tháng 2/2009, ông Thanh từng làm Tổng Giám đốc Tổng công ty từ năm 2007 đến năm 2009. Sau khi PVX thua lỗ triền miên, ông Thanh được điều chuyển qua nhiều vị trí công tác khác nhau.

Dấu ấn thua lỗ của ông Trịnh Xuân Thanh tại PVX

Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC (Mã: PVX), sinh năm 1966 tại Đông Anh, Hà Nội, trình độ chuyên môn kiến trúc sư.

Trước khi bước chân vào chính giới, con đường thăng tiến của ông Trịnh Xuân Thanh gắn với Tổng Công ty Sông Hồng và Tổng công ty PVC, hai công ty con thuộc Tập đoàn Sông Đà và Dầu khí.

Trước khi đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT PVX vào tháng 2/2009, ông Thanh từng làm Tổng Giám đốc Tổng công ty này từ năm 2007 đến năm 2009.

Ngoài ra, ông Thanh còn đảm nhận nhiều chức vụ khác thuộc Tổng Công ty sông Hồng như Tổng giám đốc năm 2007, Phó Tổng giám đốc năm 2006 - 2007, Giám đốc - Phó giám đốc Chi nhánh từ năm 1996 đến 2006.

con duong tu doanh gioi sang chinh gioi cua ong trinh xuan thanh
Quá trình công tác của ông Trịnh Xuân Thanh tới năm 2013

Đến tháng 5/2013, ông Thanh rời ghế Chủ tịch HĐQT thì một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt khác của PVX cũng bị miễn nhiệm.

Cụ thể, ông Vũ Đức Thuận bị miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc vào tháng 1/2013; ông Trương Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân tháng 2/2013. Cả ông Thuận và ông Dũng đều bị khởi tố hình sự, điều tra liên quan tới các hành vi sai phạm gây thất thoát thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng tại PVX.

Trong thời gian ông Thanh điều hành PVX trên cương vị Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty rơi vào cảnh thua lỗ. Năm 2009 - năm đầu tiên PVX niêm yết, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 224 tỷ đồng, gấp 2,56 lần năm trước.

Tuy nhiên, đến năm 2011, dù doanh thu hơn 9.200 tỷ đồng nhưng LNST công ty mẹ bỗng âm 19 tỷ đồng, LN hợp nhất 97 tỷ đồng. Sang năm 2012 - 2013, PVX chính thức lỗ hợp nhất lần lượt 1.847 tỷ đồng và 2.228 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến thời điểm 31/12/2013 là 3.075 tỷ đồng.

>>> Đọc thêm : Vì sao PVX lỗ thảm dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận?

Mặc dù lợi nhuận âm nhưng PVX vẫn nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới vào đầu năm 2011. Trước đó, trong cùng một năm 2010, PVX nhận Huân chương Lao động hạng nhất và hạng nhì.

Liên tục được điều chuyển công tác sau khi rời PVX

Sau khi nghỉ công tác tại PVX, tháng 9/2013, ông Thanh được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Bộ Công thương, Trưởng đại diện Bộ Công thương tại Đà Nẵng.

Tháng 3 năm 2014, Chánh văn phòng Bộ Công Thương Đào Minh Hải được điều động sang giữ chức Vụ trưởng - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ. Cùng thời điểm, ông Thanh được điều động tạm thời phụ trách công việc chung của Văn phòng.

Ngày 24/2/2015, tại Lễ chào cờ đầu năm (sau Tết Nguyên đán) của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trao quyết định bổ nhiệm ông Thanh giữ chức Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ.

Tháng 5/2015, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được luân chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Vì bị điều tra về vụ việc đi xe sang gắn biển xanh và việc công ty PVC dưới thời ông quản trị thua lỗ trầm trọng, ngày 15/6/2016, ông Thanh cho biết đã chính thức viết đơn gửi Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Hậu Giang xin không tái cử vào chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Ngày 15/7, Hội đồng bầu cử Quốc gia bỏ phiếu tán thành việc không công nhận tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 8/9, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh. Theo đó ông Thanh đã bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Khổng Chiêm