|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vì sao PVX lỗ thảm dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận?

21:40 | 16/09/2016
Chia sẻ
Đầu tư dàn trải trong khi hiệu quả mang lại rất ít, dự phòng đầu tư liên tục tăng đã khiến PVX hứng chịu khoản lỗ trên 3.000 tỷ đồng, dàn lãnh đạo cũ đang phải đối mặt với vòng lao lý.

Vừa qua Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công An đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam và khám xét với 4 bị can gồm Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC (Mã: PVX).

Cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ các hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVX.

PVX lên sàn vào tháng 8/2009. Trong năm này, ông Trịnh Xuân Thanh nhận chức Chủ tịch HĐQT và ông Vũ Đức Thuận - Ủy viên HĐQT giữ chức Tổng Giám đốc (TGĐ). Năm 2010, Công ty thực hiện tăng vốn từ 1.500 lên 2.500 tỷ đồng. Doanh thu đạt gần 7.300 tỷ đồng, lợi nhận đạt hơn 586 tỷ đồng.

Với kết quả này, cổ phiếu có thời điểm được đánh giá có tiềm năng trở thành cổ phiếu tăng trưởng cao khi là đơn vị thi công hàng loạt các dự án trọng điểm của ngành dầu khí. Thế nhưng, bước sang năm 2011, dù doanh thu đạt trên 9.200 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu đồng.

Giai đoạn 2012 - 2013, PVX tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng. Đây cũng là giai đoạn kinh doanh bết bát của Công ty khi lần lượt lỗ trên 1.300 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng. Trên bảng cân đối kế toán của Công ty, lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ đồng.

vi sao pvc lo tham duoi thoi ong trinh xuan thanh vu duc thuan
Kết quả kinh doanh của PVX.
vi sao pvc lo tham duoi thoi ong trinh xuan thanh vu duc thuan
Tổng tài sản và nợ phải trả của PVX

Sự xuống dốc xuất phát từ việc Công ty dàn trải đầu tư vào hàng chục đơn vị thành viên chuyên về xây lắp, khu công nghiệp và kinh doanh bất động sản. Khi thị trường bất động sản đóng băng, các công ty con và liên kết gặp khó khăn trong việc huy động vốn, tiêu thụ dự án. Ngoài ra, PVX phải trích lập dự phòng khó đòi đối với hàng loạt các khoản bảo lãnh quá hạn.

Nhìn lại diễn biến từ năm 2010, trong khi lợi nhuận ngày càng teo tóp thì quy mô đầu tư vào các đơn vị thành viên của PVX không ngừng tăng. Tổng giá trị đầu tư năm 2010 tại 16 đơn vị của PVX là 1.788 tỷ đồng.

Chủ trương "không đầu tư dàn trải", thực tế trái ngược

Đến năm 2011, dàn lãnh đạo của PVX ngoài ông Thanh làm Chủ tịch, ông Vũ Đức Thuận làm TGĐ thì PVX bổ nhiệm thêm hai tân Phó TGĐ là ông Trương Quốc Dũng và Nguyễn Mạnh Tiến.

Trong năm này, một trong những chủ trương quan trọng của HĐQT PVX là không đầu tư dàn trải, dừng góp vốn, tiến tới thoái vốn các công ty ngoài ngành. Kế hoạch đầu tư trực tiếp được Công ty điều chỉnh từ 866 tỷ đồng xuống còn 20,4 tỷ đồng.

Cuối năm 2011, PVX có hơn 3.439 tỷ đồng góp vốn vào các công ty con và liên kết, gấp đôi so với năm 2010.

Sang năm 2012, nhiều yếu kém của PVX lộ diện. Sự kiện chấn động là 4 vị lãnh đạo trong công ty con PVC-ME bị Công an khởi tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng".

Kết quả trong năm 2012 PVX lỗ trên 1.338 tỷ đồng. Khó khăn được PVX lý giải là do thị trường bất động sản đóng băng, Công ty rơi vào tình trạng dự án đã giải ngân vốn nhưng không bán được như khu đô thị Lương Sơn, trụ sở PVFC – Hải Phòng, sân golf Nha Trang, dự án PetroLandmark…

Lãnh đạo cũng PVX thừa nhận hiệu quả đầu tư tài chính của Công ty đạt thấp. Hoạt động đầu tư tài chính tại 15 công ty con và hơn 20 doanh nghiệp khác chiếm trên 3.370 tỷ đồng trong năm.

Mặt khác công tác quản lý tài chính kế toán, cân đối dòng tiền và dự báo rủi ro của PVX và các đơn vị còn yếu. Bên cạnh đó là năng lực thiết kế, triển khai mua sắm thiết bị của Tổng Công ty tại các công trình, dự án lớn yếu dẫn dến phát sinh lớn tại các công trình.

Công tác hợp đồng kinh tế chưa đạt yêu cầu đảm bảo hiệu quả kinh tế và tránh mức tối đa các rủi ro trong thực hiện hợp đồng. Tình trạng tạm ứng, thanh toán vượt mức dẫn đến công nợ phải thu của PVX ngày càng phình to, gây mất cân đối dòng tiền.

Đầu tư tài chính còn hơn 3.400 tỷ đồng, cổ tức bằng 1/100

Sang năm 2013, PVX thay hàng loạt cán bộ chủ chốt. Ngay từ đầu năm, PVX miễn nhiệm ông Vũ Đức Thuận khỏi vị trí Ủy viên HĐQT và vị trí TGĐ. Thay vào đó, ông Trần Minh Ngọc được bổ nhiệm làm TGĐ.

Cùng ngày ông Trương Quốc Dũng, người từng được coi là một trong những lãnh đạo trẻ nhất sàn chứng khoán (sinh năm 1982) cũng thôi chức Phó TGĐ. Đến đầu tháng 2/2013, đến lượt ông Nguyễn Mạnh Tiến thôi chức Phó TGĐ. Cả hai ông đều chỉ tại vị được khoảng hơn một năm.

Thay đổi lớn nhất là vào tháng 5/2013, PVX bổ nhiệm ông Bùi Ngọc Thắng làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2012 – 2017 thay thế cho ông Trịnh Xuân Thanh.

Kết quả kinh doanh 2013 hứng chịu khoản lỗ trên 1.623 tỷ đồng. Trong năm, PVX phải trích lập dự phòng gần 690 tỷ đồng cho các khoản đầu tư tài chính, 297 tỷ đồng cho các khoản vay bảo lãnh, 749 tỷ đồng các khoản phải thu.

Tính đến cuối 2013, giá trị đầu tư tài chính của PVX tại 14 công ty con và 23 đơn vị khác tăng lên gần 3.430 tỷ đồng. Riêng trích lập dự phòng đầu tư các công ty con là 618 tỷ đồng trong khi cổ tức thu về cả năm chỉ đạt 33 tỷ đồng.

Tích cực thoái vốn đơn vị thành viên

Năm 2014, trong một thông điệp của tân Chủ tịch Bùi Ngọc Thắng khẳng định, PVX đang là đơn vị gặp khó khăn nhất trong ngành dầu khí. Công ty thực hiện điều chỉnh, sửa đổi điều lệ quản lý nội bộ, lập đoàn thanh tra giám sát hoạt động công ty con và thực hiện thay thế 38 người đại diện tại 20 đơn vị.

Đối với các đơn vị không còn khả năng hoạt động liên tục, PVX làm việc với luật để thực hiện giải thể, phá sản. PVX còn tìm kiếm các đối tác để thoái vốn, chuyển nhượng các dự án khác như Bạc Liêu Tower (PVC-Mekong), Sunlight Hải Phòng (PVC-Đông Đô), sân golf Nha Trang (Petroland và INT)…

Cuối năm 2014, PVX còn 9 công ty con. Tổng giá trị đầu tư còn 3.343 tỷ đồng. Trong đó, dự phòng đầu tư 357 tỷ đồng. Lũy kế trích lập dự phòng đầu tư lên gần 1.750 tỷ đồng trong khi cổ tức thu về được 43 tỷ đồng. Trích lập dự phòng cho công nợ khó đòi hơn 1.096 tỷ đồng, giá trị thu hồi trong năm chỉ đạt 71 tỷ đồng.

Giai đoạn 2014 - 2015 được xem là thời kỳ PVX tích cực thoái vốn tại các đơn vị. Tính trong năm 2014 và quý I/2015, PVX thoái vốn toàn bộ 7 đơn vị và thoái một phần tại 5 đơn vị, thu về 71 tỷ đồng.

Cuối 2015, tổng giá trị đầu tư vào 34 doanh nghiệp của PVX là 3.229 tỷ đồng, trích lập dự phòng tăng lên 1.631 tỷ đồng, cổ tức thu về được hơn 50 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh 2014 và 2015 ghi nhận khoản lãi lần lượt là 16 và 24 tỷ đồng. Theo đó, đến hết năm 2015, PVX còn lỗ lũy kế trên 3.000 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2016, nhờ hoàn nhập dự phòng khó đòi và ghi nhận giảm chi phí quản lý mà công ty lãi được 143 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến 30/6/2016 đã giảm từ 3.050 tỷ đồng còn 2.901 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2016, tính đến 30/6/2016, PVX còn 9 công ty con; 12 công ty liên kết với giá trị đầu tư 810 tỷ đồng; 6 khoản đầu tư dài hạn các công ty khác trị giá 230 tỷ đồng, dự phòng hơn 173 tỷ đồng. PVX còn khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh 160 tỷ đồng, dự phòng giảm giá chứng khoán gần 125 tỷ đồng.

vi sao pvc lo tham duoi thoi ong trinh xuan thanh vu duc thuan
Các khoản đầu tư vào công ty con và công ty liên kết của PVX giai đoạn 2010 - 2015.

Tiến Vũ