|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ tức 2018 và ứng xử của các ngân hàng

13:25 | 02/05/2018
Chia sẻ
Lợi nhuận năm 2017 tăng cao là cơ hội để các cổ đông ngân hàng tận hưởng “vị” cổ tức sau nhiều năm ngành ngân hàng gặp khó khăn.
co tuc 2018 va ung xu cua cac ngan hang BIDV kế hoạch lãi 9.300 tỷ đồng, cổ tức tiền mặt 7% và ‘quyết tâm’ tăng vốn
co tuc 2018 va ung xu cua cac ngan hang Techcombank trình kế hoạch lãi 10.000 tỷ đồng, bán hơn 158 triệu cp cho ngước ngoài
co tuc 2018 va ung xu cua cac ngan hang
Ảnh: Quý Hòa

Tuy nhiên, không phải cứ lợi nhuận cao là ngân hàng sẽ chia cổ tức. Ở một số ngân hàng, cổ tức trong năm nay được ban điều hành đưa lên mức kỷ lục nếu nhìn vào tỉ lệ tổng. Tại VPbank, mức chia cổ tức lên đến 67% sau nhiều cách chia khác nhau. HDBank cũng điều chỉnh tỉ lệ cổ tức dự kiến 30% trong năm nay lên đến 35%. Các ngân hàng khác cũng không kém cạnh, như VIB lên đến 36%. Hay Ngân hàng Quân Đội nhiều năm qua vẫn duy trì đều đặn tỉ lệ 11%, thì năm nay con số này lên đến 25%, vì Ngân hàng quyết định phát hành thêm cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 14%.

Các ngân hàng tư nhân khác cũng lần lượt điều chỉnh tăng tỉ lệ cổ tức sau những năm trước hầu như dậm chân tại chỗ ACB, chẳng hạn, lên mức 15% từ mức 10% vào năm ngoái. Con số này cũng tương tự với LienVietPostBank.

Lợi nhuận năm nay tăng mạnh đáng kể là lý do khiến các ngân hàng tự tin tăng mức chia cổ tức. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng đi theo xu hướng này, mà trường hợp điển hình là Techcombank.

Năm ngoái, Techombank là một trong 2 ngân hàng tư nhân có lợi nhuận trước thuế dẫn đầu hệ thống các ngân hàng thương mại (hơn 8.000 tỉ đồng), nhưng lại không chia cổ tức liên tục trong 8 năm. Lý giải của ban lãnh đạo ngân hàng này từ trước đến nay vẫn nhất quán, đó là giữ lại để phát triển Ngân hàng.

Theo tờ trình phân phối lợi nhuận, mức lợi nhuận còn lại có thể phân phối là 9.345 tỉ đồng, tương đương 80,17% vốn điều lệ hiện tại của Ngân hàng. Techcombank được cho là sẽ gọi vốn “khủng” từ thị trường quốc tế trong thời gian tới. Thêm nữa, mức giá cổ phiếu trên thị trường phi chính thức hiện đã lên cao kỷ lục, quanh mốc 120.000 đồng/cổ phiếu, gần như cao gấp đôi so với thị giá cao nhất của các ngân hàng niêm yết. Nhìn ở góc độ khác, đây có lẽ cũng là giá trị mà cổ phiếu Techcombank mang lại cho cổ đông.

Nhiều năm qua, đây có lẽ là mùa có ít những lời “than thở” của cổ đông về cổ tức, ngoại trừ nhóm ngân hàng đang tái cấu trúc, các cổ đông cũng đưa ra nhiều “tâm tư” trong các kỳ đại hội cổ đông như Sacombank. Trước chất vấn đó, ban lãnh đạo Sacombank cho biết cổ tức ở các ngân hàng gặp khó khăn vẫn được cơ quan quản lý kiểm soát. Một trường hợp tương tự khác là Ngân hàng SCB, ban lãnh đạo vẫn tiếp tục giữ lợi nhuận để bổ sung vào vốn của Ngân hàng.

Trong khi đó, khối các ngân hàng quốc doanh thì vẫn “đủng đỉnh” và “đều đặn” trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ giống với năm trước. Chẳng hạn như Vietcombank chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 8%, cho dù ngân hàng này tiếp tục phá kỷ lục về lợi nhuận của chính mình và tiếp tục dẫn đầu cả hệ thống ngân hàng. VietinBank dự kiến khoảng 7% và BIDV cũng tương tự.

Lợi nhuận cao mang đến “trái ngọt” cổ tức cũng là điều dễ hiểu đối với các cổ đông ở nhóm ngân hàng tư nhân. Còn ở nhóm ngân hàng quốc doanh, cần lưu ý rằng cổ đông nhà nước mới là người nắm giữ phần lớn cổ phần ngân hàng. Năm ngoái, BIDV và VietinBank từng đề xuất giữ lại lợi nhuận nhưng không thành công.

So với những năm trước, cổ tức năm nay có vẻ tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, một điều khác biệt dễ nhận thấy trong mùa cổ tức năm nay là việc chia cổ phiếu thưởng xuất hiện nhiều hơn.

Chẳng hạn như trường hợp VPBank. Ngân hàng này tăng vốn mạnh qua việc phát hành cổ phiếu thưởng, ngoài số tiền khoảng hơn 4.524 tỉ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 31,25%. Số cổ phiếu thưởng còn lại được chia làm 2 đợt, đợt 1 sau khi ngân hàng này mua lại cổ phần ưu đãi để làm cổ phiếu quỹ, rồi chia thưởng từ cổ phiếu quỹ đó (ước khoảng 2.489 tỉ đồng), đợt 2 sử dụng thặng dư vốn 4.577 tỉ đồng sau khi phát hành thêm cổ phần tăng vốn.

Tương tự, Ngân hàng Quân Đội cũng phát hành thêm cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 14% bên cạnh cách chia truyền thống như mọi năm.

Nếu bóc tách phần cổ tức, không có nhiều ngân hàng tư nhân chia cổ tức bằng tiền mặt. Chẳng hạn, tại VIB, tỉ lệ trả cổ tức lên đến 36%, nhưng trong đó cổ tức bằng tiền mặt chỉ 5%. VPBank có tiếng chia cổ tức với tỉ lệ cao nhất thị trường, nhưng ngân hàng này không chia bằng tiền mặt. Ngược lại, HDBank lại chia cổ tức bằng tiền mặt lên đến 15%, còn 20% bằng cổ phiếu sau một năm ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng hơn gấp đôi.

co tuc 2018 va ung xu cua cac ngan hang

Phát hành cổ phiếu thưởng đang là một lựa chọn của nhiều ngân hàng, vừa để tăng vốn vừa giữ lại tiền mặt cho ngân hàng, cho dù việc phát hành thêm cổ phiếu có thể mang lại hiệu ứng pha loãng giá cổ phiếu. Như VPBank năm nay dự định tăng vốn lên tới 27.799 tỉ đồng từ mức 15.706 tỉ đồng hiện nay, trong khi năm ngoái, vốn chỉ mới 9.181 tỉ đồng. Còn Ngân hàng Quân Đội đặt mục tiêu tăng vốn từ mức hơn 18.000 tỉ đồng lên đến 21.600 tỉ đồng trong năm nay và một phương pháp quan trọng là chia cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 14%.

Câu chuyện cổ tức sẽ tiếp tục hấp dẫn cổ đông khi nhiều ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2018. Như lãnh đạo VPBank kỳ vọng tỉ lệ chia cổ tức và cổ phiếu thưởng sẽ tiếp tục duy trì trên mức 60%. VPBank và Techcombank đều đặt lợi nhuận trên mức 10.000 tỉ đồng trong năm 2018. Tham vọng không kém ở các ngân hàng khác như HDBank, Ngân hàng Quân Đội, hay VIB.

Mới đây, kết quả tăng trưởng ở một số ngân hàng vừa báo cáo quý I/2018 cho thấy tình hình có vẻ khá lạc quan. Theo đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của Techcombank trong quý I/2018 lên đến 94% so với cùng kỳ, hay Ngân hàng Quân Đội tăng 73% hay VPBank tăng 36%

Việt Dũng