|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

BIDV kế hoạch lãi 9.300 tỷ đồng, cổ tức tiền mặt 7% và ‘quyết tâm’ tăng vốn

06:40 | 13/04/2018
Chia sẻ
BIDV cho hay năm qua có nhiều nhà đầu tư ngoại bày tỏ quan tâm đầu tư vào cổ phiếu Ngân hàng, tuy nhiên kế hoạch tăng vốn vẫn chưa được thực hiện. Năm 2018, BIDV đặt tập trung vào tăng vốn thông qua phát hành cho nước ngoài, cổ tức tiếp tục duy trì 7% bằng tiền mặt.
 
bidv ke hoach lai 9300 ty dong co tuc tien mat 7 va quyet tam tang von Thêm một thành viên HĐQT BIDV từ nhiệm
bidv ke hoach lai 9300 ty dong co tuc tien mat 7 va quyet tam tang von [Infographic] Hành trình 5 năm của Vietcombank, một chặng đường bỏ lại BIDV ở phía sau

Kế hoạch lãi trước thuế 9.300 tỷ đồng, cổ tức bằng tiền tỷ lệ 7%

Theo kế hoạch để trình đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) dự kiến lợi nhuận trước thuế 9.300 tỷ đồng, tăng trên 7% so với kết quả năm 2017.

bidv ke hoach lai 9300 ty dong co tuc tien mat 7 va quyet tam tang von

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa 17% và trong giới hạn được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Huy động vốn cũng tăng mức độ tương đương là 17%. Nợ xấu duy trì dưới 2%.

Năm 2017, BIDV đạt lợi nhuận sau thuế 6.946 tỷ đồng, tăng 12% và đứng thứ ba trong hệ thống ngân hàng sau Vietcombank và VietinBank. Theo đó, Ngân hàng trình đại hội việc chia cổ tức 2017 bằng tiền mặt tỷ lệ 7%, tương đương số tiền dự chi là 2.393 tỷ đồng.

Được biết, năm qua BIDV cũng đã trả cổ tức 2016 bằng tiền với tỷ lệ 7%.

Ngoài ra, thù lao của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát năm 2018 tối đa ở mức 0,44% lợi nhuận sau thuế năm 2018. Trong năm qua, thù lao được phê duyệt cũng là 0,44% lợi nhuận sau thuế.

Lỡ hẹn tăng vốn do tiến độ phê duyệt của cơ quan quản lý kéo dài

Để thực hiện kế hoạch kinh doanh, BIDV tập trung thực hiện tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và các biện pháp tăng vốn khác.

Kế hoạch tăng vốn theo Nghị quyết ĐHĐCĐ 2017 của BIDV gồm phát hành khoảng 102,6 triệu cổ phần ESOP; 102,6 triệu cổ phần riêng lẻ cho 20 nhà đầu tư; chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7%.

BIDV cho hay, trong năm qua, nhiều định chế tài chính lớn đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến việc đầu tư vào cổ phiếu BIDV với tư cách nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường không thuận lợi, tiến độ phê duyệt của các cơ quan quản lý kéo dài nên trong năm 2017, BIDV vẫn chưa hoàn tất được các phương án tăng vốn thêm 4.445 tỷ lên 38.632 tỷ đồng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ 2017.

Mặt khác, Ngân hàng tiếp tục triển khai phương án cơ cấu gắn với xử lý nợ đến 2020. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng thông qua các biện pháp thu hồi nợ quá hạn, nợ bán VAMC, giới hạn tín dụng đối với những ngành nghề có hệ số rủi ro cao…

Ngân hàng tập trung vào phân khúc khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, BIDV cũng định hướng phát triển ngân hàng số trong hoạt động kinh doanh, quy trình sản phẩm, kênh phân phối…; tập trung nguồn lực để thực hiện lộ trình áp dụng Basel II đúng tiến độ.

Năm 2017, BIDV đạt tổng nguồn vốn huy động 1.124.961 tỷ đồng, tăng 19,7% so với đầu năm và chiếm 12,8% thị phần toàn ngành. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.154.154 tỷ; trong đó dư nợ tín dụng tổ chức kinh tế, cá nhân đạt 862.604 tỷ đồng, chiếm 13,7% thị phần toàn ngành.

Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ (riêng ngân hàng) là 1,44%. ROA, ROE lần lượt đạt 0,63% và 15%. Hệ số CAR hợp nhất đạt 10,9%, hệ số CAR riêng lẻ đạt 9,01%.

Ánh Dương