Có nên thu hút dự án FDI có vốn nhỏ li ti?
Quy mô quá nhỏ, không thể không lo
8 tháng năm 2017, Việt Nam thu hút được trên 23,36 tỷ USD vốn FDI, tăng 45,1% so với cùng kỳ và đó là một thành tựu rất đáng ghi nhận. Song báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, thu hút FDI vẫn còn những tồn tại, hạn chế và một trong số đó là các dự án cấp mới có quy mô vốn nhỏ.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 8 tháng qua, số lượng dự án có quy mô dưới 5 triệu USD chiếm tới 87,6%, còn dự án dưới 1 triệu USD chiếm 65% tổng số dự án đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Nếu loại trừ cả 3,5 tỷ USD vốn đầu tư vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần, thì thực chất “phần còn lại” của FDI vào Việt Nam trong 8 tháng qua chỉ là trên 9,1 tỷ USD, bao gồm cả vốn tăng thêm. Tính bình quân, quy mô của các dự án này chỉ là 3,8 triệu USD, một con số tương đối khiêm tốn.
Việc Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm bùn thải ra biển là một trong những cảnh báo về việc đầu tư các dự án nhiệt điện than. |
Trên thực tế, chuyện dự án FDI có quy mô quá nhỏ vào Việt Nam đã được nhắc tới từ lâu, đặc biệt là sau thời điểm Việt Nam tổng kết 25 năm thu hút FDI, thẳng thắn đánh giá những tồn tại, hạn chế của dòng vốn này. Từ đó tới nay, tình hình cũng không nhiều cải thiện. Các dự án quy mô quá nhỏ vẫn tiếp tục được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư vào Việt Nam.
Năm ngoái, tỉnh An Giang chỉ thu hút được 1 dự án đầu tư mới, mà vốn đăng ký chỉ là 20.000 USD. Sẽ là dễ hiểu đối với một địa bàn khó khăn như An Giang, nhưng ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, cũng rất nhiều dự án FDI quy mô nhỏ.
TP.HCM năm 2016 thu hút được 836 dự án mới, với vốn đăng ký trên 1 tỷ USD. Như vậy bình quân một dự án chỉ gần 1,2 triệu USD. Còn Hà Nội, khá hơn rất nhiều, nhưng với 453 dự án cấp mới, vốn đăng ký trên 1,9 tỷ USD, bình quân vốn đầu tư dự án cấp mới chỉ là 4,24 triệu USD. Trong khi đó, Đà Nẵng cả năm có 74 dự án cấp mới, với tổng vốn đầu tư 78 triệu USD, bình quân chỉ trên 1 triệu USD/dự án.
Năm nay, tình hình cũng vẫn chưa có nhiều tiến triển. Ở TP.HCM, quy mô các dự án cấp mới chỉ là 1,5 triệu USD. Ở Hà Nội, con số là 1,78 triệu USD. Còn ở Đà Nẵng, là 1,5 triệu USD. Thậm chí, ở Đà Nẵng có 4 dự án tăng vốn, nhưng với tổng vốn tăng thêm chỉ là 0,83 triệu USD, bình quân mỗi dự án chỉ đăng ký tăng thêm trên 200.000 USD.
“Ở Đà Nẵng, cá biệt có những dự án FDI đăng ký chỉ với quy mô đất chỉ 50 m2 là quá nhỏ”, ông Nguyễn Đức Trị, đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng đã từng thốt lên như vậy.
Và cũng ở Đà Nẵng cách đây ít năm, lãnh đạo của địa phương này đã đề cập tình trạng một số nhà đầu tư nước ngoài tìm cách lưu trú tại Việt Nam để tìm cơ hội việc làm mới bằng cách lập các dự án có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít, sau khi tìm được việc làm thì xin giải thể doanh nghiệp. Do vậy, có những dự án quy mô vốn đăng ký chỉ 5.000 - 7.000 USD, chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn, công nghệ thông tin… và hoạt động không hiệu quả.
Soi điểm yếu của vốn FDI ở Việt Nam
Thừa nhận thực tế quy mô vốn FDI đăng ký vào Việt Nam phần nhiều có quy mô nhỏ, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI cho rằng, cần phải rà soát và thống kê cụ thể xem cơ cấu các dự án quy mô nhỏ thuộc lĩnh vực, ngành hàng nào. Với dự án dịch vụ, quy mô nhỏ là dễ hiểu. “Nhưng kể cả như vậy, thì cũng phải đặt vấn đề xem chúng ta có nên thu hút các dự án FDI kiểu như vậy nữa hay không, trong bối cảnh bây giờ khắp nơi người ta nói đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, GS. Nguyễn Mại nói.
Trên thực tế, hồi tổng kết 25 năm thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã từng tính đến chuyện sẽ đưa một mức vốn đầu tư tối thiểu đối với các dự án FDI. Nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đồng tình việc phải đưa ra quy định về suất đầu tư tối thiểu.
Đành rằng, không thể nói, các dự án quy mô nhỏ là không cần thiết và kém hiệu quả, nhưng một khi các dự án quy mô nhỏ, thậm chí dưới 1 triệu USD/dự án, quá nhiều thì cũng cần xem xét lại. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang chuyển hướng sang thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn, hay các dự án có sức lan tỏa đến kinh tế - xã hội Việt Nam.
Việt Nam đang chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI. Bởi vậy, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, cần nghiêm túc xem xét và tính đến phương án nói “không” với các dự án có quy mô vốn quá nhỏ.
Không chỉ là dự án quy mô nhỏ, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận những điểm yếu khác của vốn FDI vào Việt Nam, đó là chủ yếu tập trung vào lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa thấp; giá trị xuất khẩu thực hiện theo hình thức gia công, sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam thấp; và công nghiệp phụ trợ còn yếu; hiệu ứng lan tỏa, tính liên kết của khu vực đầu tư nước ngoài đối với khu vực trong nước chưa cao.
“Cũng cần phải lưu ý, đó là 8 tháng qua, dự án điện được cấp chứng nhận đầu tư nhiều quá, hai dự án đã là 4,86 tỷ USD, mà toàn là nhiệt điện than. Đành rằng, như EVN đã nói là không thể không làm điện than, nhưng quan trọng là đầu tư đến đâu”, GS. Nguyễn Mại nói. Theo ông, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam để đăng ký đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời và do đó, phải có cơ chế để thu hút đầu tư các dự án như vậy.
Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc vốn FDI đăng ký từ đầu năm đến nay tăng mạnh so với năm ngoái chủ yếu là do hàng loạt dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đó là các dự án Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, vốn đầu tư 2,79 tỷ USD; Nhiệt điện BOT Nam Định 1, vốn đầu tư 2,07 tỷ USD. Ngoài ra, còn có Dự án Đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn, vốn đầu tư 1,27 tỷ USD; Dự án Samsung Display tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD và Dự án Polytex Eastern tăng thêm 485,8 triệu USD. Chỉ riêng 5 dự án này đã đóng góp tới 9,115 tỷ USD trong tổng vốn FDI vào Việt Nam 8 tháng đầu năm.
7 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút gần 1.400 dự án FDI mới Trong số 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng, Nhật ... |
Cần Thơ tìm nhà đầu tư cho 27 dự án Cần Thơ hiện có 27 dự án kêu gọi đầu tư với tổng số vốn đầu tư gần 1,4 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, ... |
6 tháng đầu năm, SamSung Display vẫn là dự án FDI lớn nhất 6 tháng đầu năm 2017, dự án mở rộng nhà máy Samsung Display Việt Nam với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD tại Bắc ... |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/