|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

7 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút gần 1.400 dự án FDI mới

13:03 | 29/07/2017
Chia sẻ
Trong số 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng, Nhật Bản là nhà đầu tư FDI lớn nhất với 4.808,3 triệu USD, chiếm 37,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/7/2017 thu hút 1.378 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 12,9 tỷ USD, giảm 2,1% về số dự án và tăng 48,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh đó, có 677 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,9 tỷ USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 7 tháng năm 2017 lên 18,8 tỷ USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2016.

7 tháng đầu 2017 có 2.946 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 3,1 tỷ USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 7 tháng đạt 21,9 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong 7 tháng, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 5,3 tỷ USD, chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,5 tỷ USD, chiếm 35,2%; các ngành còn lại đạt 3,1 tỷ USD, chiếm 24,1%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước và góp vốn, mua cổ phần thì tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 7 tháng năm nay đạt 10,8 tỷ USD, chiếm 49,4% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,3 tỷ USD, chiếm 24%; các ngành còn lại đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 26,6%.

7 thang dau nam viet nam thu hut gan 1400 du an fdi moi
7 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút 1.378 dự án FDI mới. Ảnh: VGP.

Cả nước có 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới. Thanh Hóa có số vốn đăng ký lớn nhất với 3.054,5 triệu USD, chiếm 23,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Xếp sau Thanh Hoá lần lượt là Nam Định 2.125,9 triệu USD, chiếm 16,4%; Kiên Giang 1.337,8 triệu USD, chiếm 10,3%; Bình Dương 1.043,3 triệu USD, chiếm 8,1%; thành phố Hồ Chí Minh 744,1 triệu USD, chiếm 5,8%; Tây Ninh 694,2 triệu USD, chiếm 5,4%; Hà Nội 582,4 triệu USD, chiếm 4,5%; Bắc Giang 515,6 triệu USD, chiếm 4%; Đồng Nai 297,6 triệu USD, chiếm 2,3%; Bình Phước 282,9 triệu USD, chiếm 2,2%.

Trong số 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 4.808,3 triệu USD, chiếm 37,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đứng ở các vị trí tiếp theo là Singapore với 2.815,7 triệu USD, chiếm 21,8%; Hàn Quốc 1.937,5 triệu USD, chiếm 15%; Trung Quốc 1.221,3 triệu USD, chiếm 9,4%; Đặc khu Hành chính Hong Kong (TQ) 552,1 triệu USD, chiếm 4,3%; Đức 322,3 triệu USD, chiếm 2,5%.

Về tình hình trong nước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Bảy ước tính đạt 25.679,1 tỷ đồng. Trong đó, vốn trung ương là 5.934 tỷ đồng còn vốn địa phương đạt 19.745,1 tỷ đồng.

Tính chung 7 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 140,2 nghìn tỷ đồng, bằng 47,2% kế hoạch năm và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong tháng Bảy cao hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước nhưng nhìn chung tình hình giải ngân và thực hiện nguồn vốn này trong 7 tháng năm nay còn chậm.

Tô Đức