|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cơ hội kinh doanh từ 'nền kinh tế độc thân' ở Trung Quốc

09:38 | 15/08/2017
Chia sẻ
Xu hướng ngày càng nhiều người trẻ kết hôn muộn và không thích nấu ăn tại Trung Quốc mở ra cơ hội kinh doanh béo bở đối với các doanh nghiệp dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm, tờ Financial Times. 
co hoi kinh doanh tu nen kinh te doc than o trung quoc
Xu hướng ngày càng nhiều người trẻ kết hôn muộn và không thích nấu ăn tại Trung Quốc mở ra cơ hội kinh doanh béo bở đối với các doanh nghiệp dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm, tờ Financial Times.

Kể từ năm 2012, số lượng người trưởng thành sống một mình tại Trung Quốc đã tăng 16% lên 77 triệu người, theo số liệu từ chính phủ được hãng tư vấn Euromonitor tổng hợp. Ước tính, con số này sẽ tăng lên 92 triệu người vào năm 2021.

Sự thay đổi này là do xu hướng hết hôn muộn tại quốc gia đông dân nhất thế giới, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Tại Thượng Hải, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình của nữ giới hiện tại là 30, trong khi đó năm 2011 độ tuổi này là 27. Các cuộc hôn nhân cũng ngắn hơn bởi tỷ lệ ly hôn tăng gấp đôi so với 10 năm trước.

Các nhà nhân khẩu học dự báo tình trạng mất cân bằng giới do chính sách một con tại Trung Quốc đồng nghĩa với việc sẽ có hàng chục triệu nam giới nước này không kết hôn. Theo ước tính của hãng tư vấn Boston Consulting Group, có tới 16% dân số Trung Quốc sống một mình.

Theo một báo cáo mới đây của hãng tư vấn Mintel, khi được hỏi về điều thích làm nhất khi rảnh rỗi, câu trả lời của những người độc thân Trung Quốc thường là “xem phim trực tuyến và du lịch để giúp cuộc sống buồn tẻ của họ trở nên thú vị hơn”. So với nhóm người đã kết hôn - thường đi du lịch hoặc mua sắm với gia đình, nhóm độc thân thích đi ngắm cảnh và trải nghiệm văn hóa địa phương hơn.

“Xu hướng này đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức của người Trung Quốc về tình trạng độc thân, không còn sự kỳ thị nữa”, Boston Consulting Group cho biết trong một báo cáo mới đây. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ “ăn uống, du lịch và giải trí một mình”.

Các công ty kinh doanh dịch vụ không bỏ qua xu hướng vốn đã xảy ra tại các nước láng giềng châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản này.

Hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba thậm chí còn lấy ngày 11/11 là Ngày Độc thân. Trong ngày này năm ngoái, Alibaba thu về 17,8 tỷ USD.

Các hãng cung cấp dịch vụ giao thực phẩm cũng hưởng lợi lớn từ nền "kinh tế độc thân". Theo hãng tư vấn Bain, năm ngoái, ngành này tăng trưởng tới 44%.

Doanh số của Ele.me - một trong những hãng giao hàng lớn nhất tại Trung Quốc, tăng trưởng 127% trong nửa đầu năm 2017, Yang Gengshen, người phát ngôn công ty cho biết. “Theo kinh nghiệm của tôi thì rất ít người độc thân tự nấu ăn”, Gengshen cho biết.

Hãng giao đồ ăn và đánh giá nhà hàng Meituan-Dianping, được định giá 18 tỷ USD sau một vòng gọi vốn tuần trước, cho biết lượng đơn hàng từ nhóm khách hàng độc thân của công ty tăng tới 65%, trong đó món phổ biến nhất là đồ ăn nhanh.

“Đây là nhóm khách hàng quan trọng nhất của chúng tôi”, Wang Pu Zhong, quản lý mảng dịch vụ giao hàng theo yêu cầu của Meituan, cho biết.

“Đồ ăn Trung Quốc khá phức tạp và mất nhiều thời gian để chế biến, do đó những người độc thân cho rằng nấu ăn là một việc tốn thời gian so với gọi ngoài”, Zhong nói thêm.

Nhóm khách độc thân cũng thường xuyên ăn uống tại các tiệm ăn nhanh hay cửa hàng tiện lợi. Các chuỗi nhà hàng cao cấp cũng tìm đủ cách đón đầu xu hướng này.

Chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao thậm chí còn cung cấp cho những khách đi ăn một mình một con gấu bông lớn để ngồi cùng.

“Những con gấu bông giúp họ cảm thấy bớt cô đơn”, Wang Ping, một nhân viên nhà hàng Haidilao tại Thượng Hải nói và cho biết thêm khách hàng có thể lựa chọn giữa gấu bông hoặc gà nhồi bông.

Kim Tuyến